Nâng giá “ô an ninh”

Trong khi cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc còn đang dằng dai, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có một động thái bất ngờ, ấy là “định giá” mới cho “chiếc ô an ninh” mà Washington dành cho Seoul, với con số 4,7 tỷ USD.

Biếm họa của SHADI GHANIM
Biếm họa của SHADI GHANIM

Ban đầu, lãnh đạo Nhà trắng còn dự trù đòi Hàn Quốc trả chi phí cho năm 2020 gấp năm lần mức một tỷ USD hiện tại, để Mỹ duy trì binh sĩ đồn trú tại bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Trump hạ xuống đôi chút nhờ nỗ lực thuyết phục của giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ. Tổng thống Trump gọi đây là “khoản chia sẻ giữa đồng minh”. Cái lý ông đưa ra là, chi phí hiện diện quân sự trên toàn cầu không thể là gánh nặng dành riêng cho người đóng thuế ở “xứ cờ hoa”. Đây còn là trách nhiệm mà các đồng minh, đối tác của Mỹ phải chia sẻ.

Mỹ hiện duy trì tại Hàn Quốc hơn 28.000 binh sĩ đồn trú cùng khí tài nhằm bảo đảm an ninh cho quốc gia đồng minh. Khởi động đàm phán từ tháng 3-2018, đến nay Washington và Seoul đã trải qua 10 vòng thương lượng, với đòi hỏi của Mỹ muốn Hàn Quốc tăng mạnh đóng góp tài chính. Mỹ cảnh báo, nếu hai bên không đạt thỏa thuận, từ năm 2020, khoảng 8.700 nhân viên Hàn Quốc làm việc cho lực lượng Mỹ sẽ không được trả lương.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Trump bất ngờ đưa ra cái giá cao chót vót khiến đồng minh không kịp trở tay. Lập tức, giới chức và dư luận Hàn Quốc tỏ rõ bất bình, đặt câu hỏi liệu Mỹ có còn giữ cam kết với đồng minh, liệu Mỹ có rút quân nếu Seoul không đồng ý, hoặc không thể đáp ứng đòi hỏi của Washington? Thậm chí, có ý kiến chỉ rõ, đề xuất mức giá cao như vậy không thích hợp cho mối quan hệ đồng minh.

Không chỉ đồng minh nổi giận, mà dư luận nội bộ Mỹ cũng xôn xao. Cả Lầu năm góc lẫn giới nghị sĩ đều lo lắng. Nếu phải thực hiện đòi hỏi trị giá 4,7 tỷ USD của ông Trump, các quan chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ phải “vắt chân lên cổ” để điều chỉnh sổ sách, văn bản cho phù hợp, khi năm 2020 đang đến rất gần.

Cái giá của “chiếc ô an ninh” mà ông Trump bất thình lình đưa ra có vẻ thiếu thuyết phục. Có thể, đây chỉ là đòn gây sức ép mà lãnh đạo “xứ cờ hoa” sử dụng, nhằm sớm kết thúc đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự?