Một mình một chiếu

Liên hiệp châu Âu (EU) cam kết áp dụng “các biện pháp thích hợp”, bao gồm cả trừng phạt trả đũa, nhằm chống lại việc Mỹ thực thi đầy đủ một đạo luật nhằm thắt chặt lệnh bao vây cấm vận kinh tế chống Cuba.

Biếm họa của LATUFF
Biếm họa của LATUFF

Từ ngày 2-5, Mỹ đã áp dụng đầy đủ Luật Helms-Burton được ban hành năm 1996 về cấm vận Cuba. Theo đó, đạo luật này cho phép các công dân Cuba có tài sản bị tịch thu hoặc quốc hữu hóa hồi năm 1959, sau khi nhập quốc tịch Mỹ, được quyền khởi kiện tại các tòa án Mỹ để đòi lại số tài sản đó hoặc đòi bồi thường. Hồi đầu tháng 4, Chính phủ Mỹ còn đề ra những biện pháp mới nhằm hạn chế đi lại và hoạt động chuyển tiền của kiều dân Cuba tại Mỹ cho người nhà ở quê hương (ở mức 1.000 USD/người/quý), cũng như một số thay đổi nhằm chấm dứt việc sử dụng các giao dịch có thể cho phép Cuba “né” các lệnh trừng phạt, tiếp cận ngoại tệ mạnh.

Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini khẳng định, đạo luật của Mỹ đi ngược lại luật pháp quốc tế, do vậy EU sẽ áp dụng mọi biện pháp thích hợp nhằm đối phó hậu quả của việc thực thi đạo luật dựa trên các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và luật riêng của EU”.

Quan hệ giữa Cuba và EU đang phát triển thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Cuba từ khi nước này mở cửa. Nay, việc Mỹ áp dụng đầy đủ đạo luật cấm vận Cuba khiến nhiều doanh nghiệp châu Âu đứng trước nguy cơ bị kiện. Chính vì thế, bà Mogherini cho biết EU đang cân nhắc áp dụng mọi biện pháp thích hợp nhằm giải quyết hậu quả của việc thực thi Luật Helms-Burton, bao gồm việc sử dụng Luật Ngăn chặn của EU, theo đó cấm các công ty EU tuân thủ một số trừng phạt của Mỹ, cho phép họ khôi phục thiệt hại từ các trừng phạt đó và vô hiệu hóa mọi vụ kiện tụng ra tòa chống lại họ ở nước ngoài.

Không chỉ EU mà nhiều nước khác trên thế giới cũng phản đối các biện pháp cấm vận mới của Mỹ với Cuba. Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đảo ngược các chính sách hàn gắn trước đó của người tiền nhiệm Barack Obama đã và đang đẩy Mỹ vào thế “một mình một chiếu” trên trường quốc tế, bởi việc tiếp tục chính sách bao vây, cấm vận là tư duy lỗi thời, đi ngược trào lưu phát triển tiến bộ của thế giới.