Liều thuốc tăng lực

Cuối tuần qua, tại phiên bế mạc Hội nghị mùa xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), định chế tài chính này đã kêu gọi tăng chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới.

Biếm họa của CARRIÓN CUEVA
Biếm họa của CARRIÓN CUEVA

Trong phát biểu ý kiến với báo giới, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã nhấn mạnh việc tiếp tục hỗ trợ là cần thiết nhằm giảm thiểu và hàn gắn những “vết sẹo” kinh  tế quá lớn. Các gói kích thích kinh tế được xem như những “liều thuốc tăng lực” trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trải qua “cơn bạo bệnh” mang tên Covid-19. Theo định chế tài chính này, đến nay đã có 16.000 tỷ USD được ghi nhận trong các khoản chi tiêu công toàn cầu trong thời kỳ đại dịch. 

Cũng tại hội nghị nêu trên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất tăng chi tiêu của IMF. Bà Yellen đã hối thúc các nền kinh tế lớn triển khai các gói chi tiêu mới với quy mô đáng kể nhằm bảo đảm đà phục hồi vững chắc của nền kinh tế thế giới sau đại dịch. Trong tuyên bố trước các nhà lãnh đạo của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh, dù triển vọng kinh tế thế giới đã khả quan hơn, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ổn và nguy cơ “vết sẹo” kinh tế kéo dài. 

Tại Hội nghị mùa xuân lần này, các nhà lãnh đạo IMF, WB và Bộ trưởng Tài chính Mỹ cùng có chung quan điểm về việc cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ các nước nghèo nhất thế giới, vốn đang phải chật vật đối phó cuộc khủng hoảng Covid-19 còn diễn biến phức tạp, cùng các nguy cơ khác như biến đổi khí hậu và “núi nợ” đang ngày một chồng chất. Theo đó, Bộ trưởng Yellen nhấn mạnh chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế hiện nay vẫn là ưu tiên trọng tâm nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế, đồng thời kêu gọi WB hỗ trợ các nước đang phát triển và bảo đảm họ được tiếp cận kịp thời vaccine ngừa Covid-19.

Kinh tế toàn cầu đang lấy lại đà phục hồi khi cuộc khủng hoảng Covid-19 dần qua đi. Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới vừa công bố, IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay lên 6%, thay vì 5,5% hồi tháng 1. Tuy nhiên, để bảo đảm đà phục hồi kinh tế nhanh chóng và không quốc gia nào bị “bỏ lại phía sau”, việc tăng cường chi tiêu và hỗ trợ các nước đang phát triển, nước nghèo là “việc cần làm ngay” lúc này của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển.