Chờ ngay trước cửa!

Chuyến thăm Mỹ lần đầu của tân Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab hồi tuần trước được đánh giá “rất thành công”. Trong loạt vấn đề đồng thuận, nổi bật là lời hứa của Washington sẵn sàng ký Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với London ngay khi tiến trình Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, hoàn tất.

Biếm họa của JOSE NEVES
Biếm họa của JOSE NEVES

Là đồng minh thân thiết lâu đời, Mỹ và Anh đồng thời là những đối tác thương mại quan trọng của nhau. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Anh và Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ năm của Mỹ. Cả Mỹ và Anh đều có lý do thúc đẩy sớm cho ra đời FTA song phương. Không giấu sự ủng hộ Brexit, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn luôn phàn nàn rằng tư cách thành viên EU của London “cản trở” thương mại Mỹ - Anh. Theo ước tính của ông Trump, giá trị thương mại Mỹ - Anh thời “hậu Brexit” sẽ tăng gấp ba, bốn, thậm chí năm lần so mức hiện tại. Với tân Thủ tướng Anh Boris Johnson, lo ngại “Brexit cứng” (Anh rời EU mà không có thỏa thuận) tàn phá thương mại Anh, ông chủ mới của Nhà số 10 phố Downing ở London vội cử nhà ngoại giao hàng đầu tới Washington để đặt nền móng cho một FTA với Mỹ.

Bởi thế, tại các cuộc làm việc ở Nhà trắng, dành những lời lẽ ấm áp đáp lại tuyên bố của Bộ trưởng Dominic Raab khẳng định London không thay đổi kế hoạch đưa Anh đứng ngoài EU sau ngày 31-10 tới, Tổng thống Trump cam kết thúc đẩy hai nước ký FTA ngay khi Anh không còn ràng buộc với các quy định của “mái nhà chung EU”. Khẳng định triển vọng sớm có FTA Mỹ - Anh, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn viện tới hình ảnh bóng bẩy khi nói với người đồng cấp Anh rằng, Washington “chờ ngay trước cửa với cây bút trên tay” để ký thỏa thuận thương mại với London.

Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận thương mại nào của Mỹ đều cần sự đồng ý của Quốc hội. Một FTA với Anh còn phải vượt qua “cửa ải” các nghị sĩ Mỹ gốc Ireland, vốn phản đối Brexit không thỏa thuận, ảnh hưởng tới đường biên giới giữa Ireland với vùng Bắc Ireland của Anh. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng cảnh báo, kể cả khi Anh rời EU suôn sẻ, thì một FTA Mỹ - Anh cũng cần tới 10 năm để đàm phán!

Mong muốn và tâm thế sẵn sàng của các nhà lãnh đạo ở hai “xứ cờ hoa và sương mù” là vậy, song với những cảnh báo trên thì mục tiêu “FTA sớm” không dễ thực hiện.