Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

Nếu ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước chưa thể phát triển đúng mức thì dù Việt Nam có thu hút được các tập đoàn đa quốc gia (TĐĐQG) dịch chuyển chuỗi sản xuất, các doanh nghiệp (DN) trong nước cũng khó có thể trở thành đối tác “vệ tinh” của họ. Câu chuyện nội địa hóa của ngành ô-tô minh chứng rõ nét, khi sau nhiều năm ngành CNHT vẫn chỉ dừng ở các sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp.

Doanh nghiệp của Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: HẢI NAM
Doanh nghiệp của Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: HẢI NAM

Quy mô nhỏ, thiếu hoàn chỉnh

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) Trương Thị Chí Bình, có thông tin và nhận định rằng, sau đại dịch Covid-19, các TĐĐQG có thể chuyển sản xuất hoặc mua hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia thứ ba và đây là cơ hội tốt của Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các DN CNHT có được rất ít thông tin lạc quan từ thị trường. Một vài DN sản xuất linh kiện nhựa và cơ khí nhận được thêm đơn hàng từ khách hàng tại Việt Nam, do việc cung ứng từ Trung Quốc khó khăn trong thời gian trước. Ngay khi Trung Quốc phục hồi sản xuất, các đơn hàng này đã giảm dần và có thể sẽ dừng hẳn.

Thực tế, việc chuyển sản xuất/mua hàng sang quốc gia thứ ba ngoài Trung Quốc đã được các DN trong mạng lưới sản xuất của các TĐĐQG tìm kiếm từ vài năm trở lại đây. Hiệp hội CNHT và các DN đã tiếp rất nhiều các khách hàng như vậy. Tuy nhiên, CNHT của Việt Nam hầu như chưa đáp ứng được các yêu cầu để chuyển giao. Trong khi đó, có nhiều quốc gia có lợi thế hơn hẳn Việt Nam trong việc nhận chuyển giao này như: Thái-lan, Indonesia, Ấn Độ...

Không chỉ các TĐĐQG công nghệ hàng đầu thế giới đang chọn Việt Nam làm đích đến, mà các TĐĐQG chuyên sản xuất linh kiện phụ tùng cũng không bỏ qua cơ hội này. Điều này cho thấy đã và đang có nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyên sản xuất linh phụ kiện chọn Việt Nam là một đích đến. Cơ hội này đặt Việt Nam trước vấn đề là làm thế nào để phát triển CNHT trong nước, kịp đón cơ hội từ làn sóng thu hút FDI đang diễn ra mạnh mẽ. 

Bà Trương Thị Chí Bình lý giải, lý do chính là quy mô DN CNHT Việt Nam rất nhỏ, nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời, chỉ một vài DN có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Trong khi khách hàng chuyển từ Trung Quốc luôn cần sản lượng lớn hoặc sản phẩm phải là cụm linh kiện hoàn chỉnh. Mặt khác, số lượng DN CNHT đạt yêu cầu về chất lượng rất ít. Để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với sản phẩm là cụm linh kiện hoàn chỉnh, chuỗi phải đầy đủ công đoạn, như thế cần có nhiều DN đảm nhận các khâu. Hơn nữa, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là ngay cả khi đã đạt yêu cầu về chất lượng và chủng loại sản phẩm, DN Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá do chi phí cao. Trong khi đó, các hỗ trợ của Chính phủ về đất đai, công nghệ, vốn, nhân lực mới chỉ thể hiện ở chính sách, hầu như DN CNHT chưa tiếp cận được, hoặc chưa đem lại hiệu quả. 

Bà Dương Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Dự án USAID LinkSME (Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ) cũng đánh giá, năng lực của các DN nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam chưa đạt yêu cầu của các DN đầu chuỗi. Trong khi với xu hướng chuyển dịch trên toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, DN của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Vật lộn với “cuộc chiến” giành khách hàng

Thực tế, nhu cầu về CNHT không bao giờ thiếu, nhưng vấn đề vẫn nằm ở phía DN Việt Nam. Chúng ta đi sau thì phải giỏi hơn người ta thì mới có thể chen chân được vào chuỗi sản xuất của họ. Ngành xe máy được xem là một trong những ngành thành công nhất về tỷ lệ nội địa hóa, khi đạt hơn 90%. Từ một xưởng gia công cơ khí, thiết kế chế tạo và gia công chuyên dụng vào năm 2000, đến nay Công ty CP Technokom đã lớn mạnh thành một DN chuyên cung cấp phụ tùng, linh kiện bằng thép phục vụ lắp ráp xe máy cho các DN: Honda, Yamaha... nhưng thực tế chính Technokom cũng đang phải vật lộn với “cuộc chiến” giành khách hàng trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Tại sự kiện “Kết nối ngành công nghiệp chế tạo 2020”, Giám đốc điều hành Technokom Nguyễn Thị Thu Hoa cho biết, cuộc cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh phụ kiện cho các tập đoàn lớn sản xuất xe máy rất khốc liệt. Điều đó buộc mỗi DN đều phải đưa ra một kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm cách giảm giá thành, cải tiến mẫu mã cũng như cung cấp được đơn hàng với số lượng lớn. Chỉ khi đáp ứng được những yêu cầu trên, DN mới có thể vượt qua đối thủ để có được đơn hàng. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo bà Trương Thị Chí Bình, một khảo sát do Hiệp hội CNHT Việt Nam thực hiện vào đầu quý II-2020 cho thấy, đơn hàng đang là mối lo của DN. Nhiều DN rơi vào tình cảnh rất khó khăn do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thực tế, nhu cầu về sản phẩm CNHT luôn có, nhưng vấn đề nằm ở năng lực của DN Việt Nam còn khá yếu. Điều đó làm người bán và người mua khó kết nối với nhau. Trong chuỗi cung ứng luôn có những “ông lớn” làm sẵn rồi, mình muốn chen chân vào chuỗi của họ thì mình phải giỏi hơn người ta. Đó là sản phẩm phải đạt chất lượng, giá bằng hoặc rẻ hơn đối thủ. Có như vậy mới gạt người ta ra được. Đây là câu chuyện không dễ chút nào.

Ở góc độ là nhà mua hàng, Phó Giám đốc Phòng Kinh doanh linh kiện phụ tùng của Công ty CP Ô-tô Trường Hải (Thaco) Võ Trung Chính cho biết, qua quá trình làm việc với các DN CNHT Việt Nam, việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và thời gian giao hàng, giá cả cạnh tranh đang là điểm yếu của nhiều DN. Bên cạnh nâng cao chất lượng, DN CNHT cần phải cắt giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, từ đó sản phẩm mới có thể cạnh tranh được với các DN khác, cũng như các loại linh kiện, phụ tùng nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái-lan...

Chính sách cần thiết thực, kịp thời và đủ mạnh 

Trước thực trạng trên, các DN CNHT Việt Nam kiến nghị, Chính phủ cần tạo thị trường, kích cầu tiêu dùng nội địa; hỗ trợ DN tìm kiếm và tiếp cận các khách hàng tiềm năng tại Việt Nam và các thị trường xuất khẩu. Chính phủ cần có các chương trình đặc biệt, hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành. Đây là điểm DN quan tâm nhất hiện nay, không chỉ với CNHT các ngành công nghiệp chế tạo (CNCT) mà với tất cả các ngành sản xuất. Liên quan CNHT và khả năng chuyển sản xuất/mua hàng từ các TĐĐQG có thể di dời khỏi Trung Quốc, bà Trương Thị Chí Bình đề xuất Chính phủ cần có tiếp cận để đàm phán cụ thể với các TĐĐQG này. Ngoài ra, để phát triển ngành CNHT, các ngành CNCT cần phát triển các tập đoàn nội địa sản xuất sản phẩm cuối cùng, các tổ hợp DN, cụm liên kết công nghiệp để làm chủ “cuộc chơi” CNCT và có thể ưu tiên DN Việt Nam trong cung ứng. 

Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cũng đánh giá CNHT kém phát triển đang là một trong những điểm yếu lớn nhất của Việt Nam trong việc thu hút và “giữ chân” dòng vốn FDI, nhất là các dự án FDI yêu cầu cao về trình độ sản xuất và công nghệ.  Phó Cục trưởng Công nghiệp Phạm Tuấn Anh cho rằng, việc tập trung phát triển CNHT để thu hút và giữ dòng vốn FDI có bài học kinh nghiệm thành công điển hình của Thái-lan. Nếu không có các chính sách thiết thực, đủ mạnh và kịp thời để thúc đẩy sự phát triển của CNHT, Việt Nam sẽ có nguy cơ bỏ lỡ các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp. Để ngành CNHT Việt Nam phát triển trong giai đoạn hiện nay cần có những chính sách tạo thuận lợi cho các DN đứng đầu chuỗi cung ứng nếu hợp tác với các DN Việt Nam.

Về những vấn đề này, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, yêu cầu cấp thiết ngay lúc này là cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững, đặc biệt là một số ngành CNCT lớn của Việt Nam. Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV, tăng cường liên kết giữa các DN FDI với DN trong nước. Đồng thời, đẩy nhanh xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Chúng ta phải tận dụng cơ hội này khi có sự thay đổi chuỗi cung ứng, đồng thời phải có kế hoạch, chương trình hoạt động thu hút đầu tư, hình thành chuỗi cung ứng, tạo nên nền kinh tế tự chủ hơn. 

 Trước thông tin DN tại Việt Nam xuất khẩu linh phụ kiện ô-tô trị giá hàng trăm tỷ USD mỗi năm, song các DN ô-tô trong nước vẫn nhập lượng lớn linh kiện từ nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ phát triển CNHT, nhất là lĩnh vực linh kiện, phụ tùng ngành ô-tô.