Thành công trong điều hành chính sách tiền tệ

Năm 2020, Việt Nam gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19. Ngành ngân hàng (NH), với vai trò huyết mạch của nền kinh tế đã vào cuộc rất sớm với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; chủ động có giải pháp ứng phó tác động của dịch Covid-19, bão lũ, khắc phục khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế...  

Năm 2020, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
Năm 2020, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, đến ngày 18-12-2020, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 12,83% so cuối năm 2019 và tăng 14,62% so cùng kỳ năm 2019. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt. Tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã ba lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5 - 2%/năm lãi suất điều hành; giảm 0,6 - 1%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, tính đến tháng 11-2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Về điều hành tín dụng, Vụ trưởng Tín dụng Nguyễn Tuấn Anh cho biết, NHNN đã chủ động điều hành hợp lý tốc độ tăng trưởng tín dụng (TTTD) phù hợp mức độ hấp thụ của nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, lĩnh vực ưu tiên, theo chủ trương của Chính phủ, góp phần quan trọng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế sau dịch. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, các TCTD đã triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Đến ngày 21-12-2020, tín dụng tăng 10,14% so cuối năm 2019, tăng 11,62% so cùng kỳ năm 2019.

Để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành NH đã vào cuộc rất sớm và ban hành hai văn bản quan trọng là Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Chỉ thị 02/CT-NHNN chỉ đạo các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tiết giảm chi phí hoạt động, để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa. Đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ hơn một triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so trước dịch) với doanh số lũy kế từ ngày 23-1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390.000 khách hàng.

Đại diện Vụ Thanh toán cho biết, trong bối cảnh đại dịch, tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ ấn tượng với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu. Đến cuối tháng 10-2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch, với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng; số lượng giao dịch thanh toán qua internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng. 

Báo cáo của NHNN cũng nêu rõ, năm 2020 nợ xấu đã được kiểm soát và xử lý quyết liệt bằng nhiều giải pháp, trong đó giải pháp thu hồi nợ được các TCTD nỗ lực thực hiện đạt kết quả tích cực, chứng minh sự đúng đắn, hiệu quả của Nghị quyết 42. 

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN xác định năm 2020 là năm vô cùng quan trọng, có tính chất quyết định trong thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm. Do đó, bám sát chủ trương của QH, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô (KTVM), thị trường trong và ngoài nước, trong năm 2020, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa (CSTK) và các chính sách KTVM khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định KTVM, thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ phục hồi kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Mặc dù đến cuối tháng 10-2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã vượt 2%, nhưng đây là yếu tố khách quan và thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành NH trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm.

Trên cơ sở mục tiêu của QH, Chính phủ và diễn biến KTVM, tiền tệ trong và ngoài nước, thông tin về định hướng điều hành CSTT và hoạt động NH năm 2021, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, NHNN sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa CSTK và các chính sách KTVM khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế. Cụ thể, NHNN định hướng sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt phù hợp cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt; bảo đảm chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống NH…

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ NH năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, 5 năm qua, ngành NH có bước phát triển vượt bậc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Năm 2020, ngành NH, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế đã vào cuộc rất sớm với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; chủ động có giải pháp ứng phó tác động của dịch Covid-19, bão lũ, khắc phục khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế. Điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, khéo léo, góp phần duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.