Tạo nguồn nhân lực thị trường cần

Việc chuyển đổi kinh tế số cộng với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã tạo “sân chơi lớn” trên đường hội nhập. Tuy nhiên, với năng suất lao động (NSLĐ) thấp, thiếu trình độ cao nên dễ bị thải loại, áp lực về tinh thần, thể chất… khiến cho nguồn nhân lực cũng như doanh nghiệp (DN) trong nước gặp nhiều thách thức trước các FTA.

Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao ngày càng gia tăng. Ảnh: N.NAM
Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao ngày càng gia tăng. Ảnh: N.NAM

Áp lực & rủi ro tay nghề thấp

Tại TP Hồ Chí Minh, ở bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu thì điện tử - công nghệ thông tin đang là nhóm ngành có nhu cầu nhân lực lớn nhất với hơn 22.260 việc làm trong năm 2019. Kế đến là nhu cầu nhân lực cho nhóm ngành cơ khí với 15.630 việc làm. Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (TTLĐ) TP Hồ Chí Minh nhận định, dự kiến sẽ phát triển các ngành tích hợp công nghệ cao (CNC) phù hợp công nghệ 4.0 như công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ kỹ thuật về công nghệ thông tin, an ninh mạng, thương mại điện tử, marketing điện tử, dịch vụ y tế, nông nghiệp CNC. Trong khi đó, các tác động của số hóa liệu có đe dọa rủi ro việc làm của người lao động (NLĐ) có tay nghề thấp vẫn là vấn đề đang được đặt ra.

Bàn về tương lai việc làm ở Việt Nam khi chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), TS Wendy Cuningham (chuyên gia của Ngân hàng Thế giới) cho rằng, có sự không tương xứng giữa công việc và kỹ năng, nhất là trình độ kỹ năng ngày nay không đáp ứng được công việc khi mà 70% số NLĐ mới chỉ hoàn thành bậc trung học cơ sở hoặc thấp hơn. Trình độ học vấn NLĐ là một trong ba trở ngại hàng đầu đối với hoạt động của DN. Công việc hiện nay ở Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ đòi hỏi kỹ năng thấp khi mà 46% là hộ gia đình nông nghiệp, 20% là chủ DN hộ gia đình. Hầu hết là các công việc bán kỹ năng, chỉ có 11% cần chuyên môn.

Theo chuyên gia Phùng Thị Yến (Trường đại học Ngoại thương), Việt Nam tham gia các FTA là thể hiện sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vì thế các DN Việt Nam cần có cái nhìn hiện đại về nhân sự và quan hệ LĐ. NLĐ, DN khi tham gia hội nhập sẽ chịu những bất lợi từ việc mở cửa thị trường.

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn đến cơ quan chức năng với đề xuất không tăng lương tối thiểu trong năm 2020 và giãn thời gian tăng lương tối thiểu từ 1 năm/lần lên 2 - 3 năm/lần. Bởi lẽ, mỗi lần tăng lương tối thiểu, bên cạnh việc tăng chi phí, các DN thủy sản còn mất rất nhiều công sức để tính toán, điều chỉnh các mức phí, mức trích nộp cho NLĐ, gây tốn kém nhân lực, thời gian, chi phí cho DN.

VASEP cho rằng, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam trong các năm qua là rất khiêm tốn và ở mức thấp khi so sánh NSLĐ bình quân của một số nước trong khu vực. Báo cáo “Năng suất và khả năng cạnh tranh của DN ngành công nghiệp chế biến - chế tạo của Việt Nam” được các tổ chức trong nước và quốc tế công bố hồi tháng 4-2019 nêu, trong các chỉ số hiệu suất công nghiệp chế biến, chế tạo, NSLĐ của Việt Nam tụt lại sau với các nước so sánh. Không chỉ vấn đề về NSLĐ, ngay như sức khỏe của nguồn nhân lực trong nước tại các DN cũng là điều đáng lưu tâm.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Một dự báo mới đây cho thấy, từ năm 2020 trở đi, trung bình mỗi năm, CPTPP sẽ tạo ra cho TTLĐ Việt Nam 17.000 - 27.000 việc làm mới, còn EVFTA tạo ra khoảng 18.000 - 19.000 việc làm. Theo đó, cơ hội việc làm sẽ chuyển dịch sang nhóm LĐ trình độ cao…

Còn theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin TTLĐ TP Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực trong sáu tháng cuối năm 2019 cần khoảng 155.000 chỗ làm việc, tập trung chủ yếu ở NLĐ đã qua đào tạo (chiếm 83,21%). Trung tâm này cho biết, nhu cầu tuyển dụng LĐ của DN có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao ngày càng gia tăng.

Nhóm nghiên cứu của Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, đối với TTLĐ của Việt Nam, EVFTA có thể đem lại nhiều tác động tích cực, mà một trong những dự báo thấy rõ nhất là cơ hội việc làm cho NLĐ sẽ gia tăng, các quyền của NLĐ được bảo đảm tốt hơn. Bên cạnh các FTA mới, cuộc CMCN 4.0 được đánh giá là sẽ tác động đến việc làm của nhân lực trong nước, khi mà có đến 86% số LĐ không có tay nghề sẽ bị ảnh hưởng.

Chuyên gia Phùng Thị Yến cho rằng, trong quá trình tham gia EVFTA, Việt Nam còn phải chịu thêm áp lực đổi mới hệ thống giáo dục - đào tạo, cải thiện chất lượng LĐ do chiến lược khai thác lợi thế giá nhân công rẻ của đầu tư trực tiếp nước ngoài, cải thiện việc làm cho các nhóm LĐ dễ bị tổn thương. CPTPP cùng với EVFTA có đặc điểm là nhấn mạnh nhiều đến quyền LĐ. Do đó, để bảo đảm quan hệ LĐ và điều kiện LĐ tốt hơn, bản thân cải cách nội bộ trong toàn bộ hệ thống LĐ của Việt Nam phải được tiếp tục, nếu không thì lực lượng thị trường quá mạnh, đẩy điều kiện LĐ càng ngày càng đi xuống.

Các yêu cầu mới dẫn đến nhu cầu phải điều chỉnh trình độ chuyên môn năng lực của NLĐ trong tương lai cho phù hợp. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề được các chuyên gia đặc biệt lưu ý nhằm giảm thiểu thách thức và tận dụng các FTA thế hệ mới, nhất là cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật LĐ cho tương thích với các FTA thế hệ mới. Đồng thời, phải đổi mới giáo dục nghề nghiệp, gắn kết với DN và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước để đáp ứng các FTA mới và cuộc CMCN 4.0.