Ổn định nguồn lực kiều hối

Sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước, sự linh hoạt của điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và cơ chế tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã góp phần tạo môi trường kinh doanh (MTKD) hấp dẫn nguồn kiều hối chuyển về nước. Đến thời điểm này, việc đồng VND ổn định là điểm sáng trong kêu gọi đầu tư từ nước ngoài, trong đó có nguồn kiều hối.

Nguồn dự trữ ngoại tệ tăng rất mạnh trong thời gian qua có một phần quan trọng được chuyển hóa từ kiều hối. Ảnh: NG.NAM
Nguồn dự trữ ngoại tệ tăng rất mạnh trong thời gian qua có một phần quan trọng được chuyển hóa từ kiều hối. Ảnh: NG.NAM

Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) đánh giá, từ năm 2006 đến năm 2017, kiều hối chảy về Việt Nam chiếm 6-8% GDP mỗi năm, cao hơn các nước phát triển khác (bình quân chiếm 1-2% GDP). Kiều hối đã góp phần hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, làm tăng dự trữ ngoại hối và cân đối cán cân vãng lai của đất nước. Hiện nay, lượng kiều hối từ người Việt Nam đang định cư ở các nước như: Mỹ, Canada, Đức và Pháp gửi về nước đang đóng góp tới 80-90% tổng kiều hối. Tỷ lệ kiều hối từ lao động xuất khẩu gửi về nước hiện chiếm một lượng nhỏ (6-7%) tổng lượng kiều hối.

Thực tế, thời gian qua, dòng kiều hối về Việt Nam không bị tác động bởi chênh lệch lãi suất đồng USD tại Việt Nam và quốc tế cũng như chính sách lãi suất USD của NHNN. Điều này cũng trái với nhận định của các chuyên gia và đơn vị dự báo kinh tế - xã hội về những tác động bên ngoài như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất, chính sách siết nhập cư của Mỹ và chính sách mậu dịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump…

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2016, kiều hối gửi về TP Hồ Chí Minh chiếm đến 50% tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam. Trong đó, 70% được chuyển sang hoạt động kinh doanh và 20% cho bất động sản. Ước tính, nguồn kiều hối về Việt Nam vẫn tăng trong 10 tháng đầu năm 2018. Tính riêng, TP Hồ Chí Minh đạt 3,8 tỷ USD, tăng đáng kể so mức 2,9 tỷ USD vào cuối tháng 7-2018.

Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 ước đạt 13,81 tỷ USD, cao nhất từ trước đến thời điểm đó và tăng 1,9 tỷ USD, tương ứng 16% so năm 2016. Cho đến thời điểm này, gần cuối năm 2018, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam vẫn tăng bất chấp tác động từ nhiều yếu tố bên ngoài. Với tình hình hiện nay và dự báo tăng trong mùa cao điểm cuối năm, kiều hối về TP Hồ Chí Minh khả năng đạt hơn 5,2 tỷ USD trong năm 2018.

Trên thực tế, trong 11 tháng năm 2018, FED đã có ba lần nâng lãi suất lên mức 2%- 2,25% làm tăng áp lực tỷ giá tới VND và là một trong những nguyên nhân khiến NHNN vẫn duy trì chính sách lãi suất tiền gửi ngoại tệ 0% (áp dụng từ 18-12-2015) nhằm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong nước.

Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia kinh tế, tài chính và doanh nghiệp đã đề xuất nên tăng lãi suất huy động USD tại các NHTM để tạo động lực kéo nguồn ngoại tệ nhàn rỗi trong dân trở lại hệ thống NH, tránh tình trạng đem ngoại tệ gửi ở nước ngoài. Bên cạnh đó, những biện pháp giới hạn nhập khẩu (NK) của các nước vào thị trường Mỹ cũng đã được thể hiện qua việc Mỹ áp dụng chính sách tăng thuế NK đối với hàng trăm mặt hàng từ Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa hàng hóa NK ở Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, Việt kiều sẽ phải chi tiêu nhiều hơn, ít “dư dật” để gửi USD về cho thân nhân hay đầu tư.

Từ những phân tích trên, một số chuyên gia nhận định, nếu lạc quan, kiều hối từ Mỹ về Việt Nam có thể giữ mức ổn định, cũng không loại trừ khả năng có thể có tác động ngược lại làm giảm kiều hối. Tuy nhiên, trên thực tế, những yếu tố trên đã không thể “cản lối” kiều hối trở về Việt Nam.

Đại diện Vụ Ngoại hối (NHNN) cho biết, hiện nay, kiều hối chuyển về nước không chỉ nhằm hỗ trợ thân nhân, gia đình, mà phần lớn để đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách lãi suất 0% đã có nhiều tác động tốt, tạo nền tảng ổn định cho VND. Đó là một trong những lý do khiến nhiều người không có ý định cất giữ ngoại tệ mà đã đổi từ USD ra VND để gửi tiết kiệm nhằm hưởng lãi suất. Gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 6 - 13 tháng với mức lãi suất khoảng 7 - 8%/năm, cộng thêm cả biến động tỷ giá, từ các biến số đó tích hợp lại có thể thấy ngay nguồn kiều hối USD chỉ riêng gửi tiết kiệm VND không thôi đã có lãi lớn.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu, sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước, sự linh hoạt của điều hành CSTT và cơ chế tỷ giá mới của NHNN đã góp phần tạo MTKD hấp dẫn kiều hối chuyển về nước ngày càng tăng. Đến thời điểm này, nhờ chính sách tỷ giá linh hoạt, hiệu quả, đồng VND ổn định là điểm sáng trong kêu gọi đầu tư từ nước ngoài, trong đó có nguồn kiều hối.

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV về việc thực hiện những giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ phù hợp nhằm chuyển hóa các nguồn vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng nêu rõ, quan điểm nhất quán trong chỉ đạo của Chính phủ và NHNN trước hết là phải tạo lập được môi trường vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát ở mức thấp và duy trì những chính sách cải thiện MTKD để người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hoặc gửi tiết kiệm bằng VND thay vì nắm giữ các tài sản như vàng hay ngoại tệ. Những kết quả tích cực trên thực tế cho thấy, các biện pháp chính sách mà Chính phủ và NHNN đang theo đuổi là rất kiên định, nhất quán và đúng hướng. Minh chứng là nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng rất mạnh trong thời gian qua có một phần quan trọng được chuyển hóa từ ngoại tệ, bao gồm cả ngoại tệ từ nguồn kiều hối trở về, của người dân.