Nhộn nhịp sàn giao dịch việc làm

Mỗi năm, trên địa bàn thành phố Hà Nội, hàng trăm nghìn người lao động có nhu cầu tìm việc làm mới, nhất là lao động vùng thu hồi đất, vùng nông thôn. Thời gian gần đây, các sàn và điểm giao dịch việc làm vệ tinh hoạt động khởi sắc đã tạo thêm cơ hội tiếp cận thông tin chính thức, tránh được các rủi ro trong quá trình tuyển dụng.

Một phiên giao dịch việc làm tại Nhà Văn hóa quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: SONG ANH
Một phiên giao dịch việc làm tại Nhà Văn hóa quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: SONG ANH

Từ sàn giao dịch việc làm vệ tinh…

Nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm của người lao động (NLĐ), chỉ riêng trong quý II-2017, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp các quận, huyện mở sàn giao dịch việc làm (GDVL) vệ tinh tại hai huyện Đông Anh và Ba Vì.

Đông Anh hiện đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, tập trung nhiều cụm công nghiệp (gần 3.000 doanh nghiệp (DN) trong đó có 11 DN của nhà nước, hơn 2.000 DN tư nhân, hơn 100 DN có vốn đầu tư nước ngoài), và có tới hơn 166.000 LĐ, trong đó lực lượng LĐ đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ 71,23%. Sự vận hành của sàn GDVL là cơ hội lớn để NLĐ tại huyện có thể chuyển dịch cơ cấu LĐ, tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập.

Chị Nguyễn Thúy Hồng, xã Kim Chung (Đông Anh), 35 tuổi, vừa tham gia phiên giao dịch việc làm dành cho LĐ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại sàn GDVL vệ tinh Đông Anh, để tìm việc. Qua thông tin và phỏng vấn tại sàn, chị đã tìm việc làm phù hợp trong thời gian nuôi con nhỏ.

Anh Lê Văn Túc, 32 tuổi, ở phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) cũng đến sàn GDVL vệ tinh huyện Đông Anh để tìm việc. Anh Túc cho biết: “Vùng ven nội đô và nông thôn rất thiếu thông tin về thị trường lao động, cho nên việc mở các sàn và điểm GDVL vệ tinh đã góp phần đưa thông tin thị trường lao động về vùng ven, nhất là địa bàn có nhiều DN tại các KCN như Đông Anh”. Anh Bùi Văn Đức, 35 tuổi (quê Hải Dương) cho biết: “Tôi đã đăng ký thông tin, nghe tư vấn về công việc phù hợp với chuyên môn và tiếp cận DN trực tiếp tại sàn GDVL Đông Anh. Tôi hy vọng qua đây có thể tìm kiếm một công việc mới tốt hơn”.

Đã diễn ra phiên chuyên đề thứ hai dành cho lao động hưởng BHTN tại sàn GDVL vệ tinh huyện Đông Anh. Việc mở phiên chuyên đề này dựa trên nhu cầu nhiều LĐ trên địa bàn thất nghiệp cần tìm việc làm mới. Ông Hải Anh, Phó trưởng Phòng BHTN (Trung tâm DVVL Hà Nội) cho biết: “Qua gọi điện khảo sát nhu cầu, sàn GDVL vệ tinh huyện Đông Anh đã mời 16 DN có nhu cầu tuyển LĐ thương mại, dịch vụ, kỹ thuật… Nhờ vậy, hàng chục việc làm mới được kết nối”. Theo bà Bùi Thị An, đại diện sàn GDVL vệ tinh huyện Đông Anh, từ hôm khai trương sàn vào cuối tháng 5-2017 đến nay, sàn đã tổ chức 26 phiên GDVL với sự tham gia của 136 lượt DN và một nghìn LĐ, gần 200 LĐ đã tìm được việc làm phù hợp.

… đến các điểm giao dịch việc làm

Trong năm 2016, Trung tâm DVVL Hà Nội đã tổ chức 102 phiên GDVL. Trong đó có 96 phiên định kỳ tổ chức vào ngày thứ ba và thứ năm hằng tuần, sáu phiên lưu động tại các quận, huyện nơi có thị trường lao động phát triển. Đặc biệt, Trung tâm đã triển khai năm điểm GDVL vệ tinh tại các quận, huyện, như Gia Lâm, Sóc Sơn, Long Biên, Nam Từ Liêm và Mê Linh. Tại các điểm này luôn có chỉ tiêu tuyển dụng hằng ngày cho người dân địa phương, giúp giải quyết việc làm nhiều hơn.

“Điểm GDVL là một hình thức mới trong GDVL, là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu LĐ trên địa bàn thành phố và giúp rút ngắn khoảng cách về địa lý giữa DN và NLĐ khi tham gia các phiên GDVL thông qua phỏng vấn online”, ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm nói.

Năm điểm GDVL đã góp phần thống nhất được cơ sở dữ liệu của sàn GDVL Trung tâm, khái quát được số lượng cung - cầu lao động trên toàn thành phố. Từ đó, NLĐ cũng như DN dễ dàng tham gia vào các phiên GDVL, không cần phải phân biệt là tham gia sàn hay điểm vệ tinh, vì tất cả đều có bản chất hoàn toàn giống nhau. Chính điều đó đã tạo thêm nhiều hình thức kết nối hiệu quả, góp phần nâng cao được chất lượng các phiên GDVL.

Mới đây, ngày 23-9, tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Bắc Từ Liêm, Trung tâm DVVL Hà Nội phối hợp Phòng LĐ-TB&XH quận Bắc Từ Liêm tổ chức điểm GDVL lưu động dành cho NLĐ trên địa bàn. Có 42 đơn vị tham gia tuyển dụng LĐ thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ, sản xuất viễn thông, công nghệ thông tin, xây dựng y tế..., trong đó có ba đơn vị tuyển LĐ là người khuyết tật. Về thu nhập, tại phiên GDVL lần này, các nhà tuyển dụng đưa ra mức khá cao, phổ biến ở mức từ 5-7 triệu đồng và dưới 15 triệu đồng. Kết quả đã có hơn 1.000 vị trí được tuyển dụng tại phiên GDVL quận Bắc Từ Liêm.

Chị Nguyễn Thị Vân (24 tuổi, trú tại Mỹ Đình) chia sẻ: “Tôi đang cần tìm công việc đúng chuyên ngành kế toán của mình nên đến điểm GDVL Bắc Từ Liêm nghe tư vấn. Khi tới đây, tôi bất ngờ về cách làm việc nhiệt tình của các nhân viên tư vấn, họ cung cấp cho tôi thông tin DN cần tuyển vị trí mà tôi muốn. Sau đó, hướng dẫn tôi cách liên hệ và phỏng vấn, họ hứa sẽ đồng hành cùng tôi trong quá trình tìm kiếm công việc. Tôi thấy những điểm GDVL này rất hữu ích đối với những LĐ cần tìm việc. Điều này càng trở nên quan trọng khi trên thực tế, nhiều người phải mất phí nhưng chưa chắc đã tìm được công việc như ý”.

Nhộn nhịp sàn giao dịch việc làm ảnh 1

Các phiên lưu động tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: HẢI NGUYỆT

Kết nối thành công 31,36% cung - cầu lao động

Theo Trung tâm DVVL Hà Nội, mặc dù hoạt động của các DN còn nhiều khó khăn, nhưng bằng nhiều giải pháp chủ động kết nối cung - cầu LĐ, sàn GDVL Hà Nội đã đạt hiệu quả kết nối cung - cầu LĐ (số LĐ trúng tuyển/số LĐ được phỏng vấn) với tỷ lệ 31,36%.

Ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội cho biết: Trước những thách thức của thị trường LĐ, phát triển trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, Trung tâm tiếp tục duy trì tần suất tổ chức phiên GDVL định kỳ hai phiên/tuần vào ngày thứ ba và thứ năm hằng tuần tại 215 phố Trung Kính, Yên Hòa và 144 Trần Phú, Hà Đông.

Từ năm 2016 đến nay, trung tâm đã phối hợp với các quận, huyện mở sàn GDVL vệ tinh tại huyện Đông Anh và Ba Vì; đồng thời mở bảy điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận Nam Từ Liêm, Long Biên và các huyện Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn, Ứng Hòa và Hoài Đức. Từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ có thêm năm sàn và một điểm giao dịch việc làm vệ tinh được thành lập ở khu vực ngoại thành.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã thực hiện một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn GDVL như: Bố trí cán bộ có trình độ, năng lực và có trách nhiệm cao làm nhiệm vụ tư vấn trực tiếp cho NLĐ theo trình độ chuyên môn đã được đào tạo trước khi tham dự phỏng vấn tuyển dụng tại DN. Sau khi cán bộ tư vấn tìm hiểu thông tin cá nhân và sơ tuyển hồ sơ của NLĐ, sẽ giới thiệu cho DN những LĐ đáp ứng đúng yêu cầu của DN nhằm nâng cao tỷ lệ kết nối trực tiếp cung - cầu LĐ tại phiên GDVL. Nhờ hình thức giao dịch đa dạng, kịp thời, thông tin về thị trường LĐ tại các sàn GDVL vệ tinh đang đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm việc tại chỗ của NLĐ, giúp họ không phải đi xa; đồng thời có thể kết nối với sàn trung tâm và các điểm giao dịch khác khi có nhu cầu.

Theo thống kê của Trung tâm DVVL Hà Nội, sau hơn một năm hoạt động, các sàn và điểm GDVL vệ tinh tổ chức được hàng trăm phiên GDVL; tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng chục nghìn lượt LĐ. Trên cơ sở thông tin đa dạng về thị trường LĐ từ các sàn và điểm GDVL vệ tinh, Trung tâm Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường LĐ. Căn cứ vào nguồn dữ liệu này, các cơ quan chức năng và NLĐ, người sử dụng LĐ sẽ có giải pháp kết nối cung - cầu hiệu quả.