Hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ

Hơn 10 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này vẫn cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy ngành CNHT, nếu không sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu trở thành nước CN vào năm 2020 cũng như gia tăng giá trị (GTGT) cho ngành CN Việt Nam.

Sản xuất phụ kiện ngành da - giày. Ảnh: LAM ANH
Sản xuất phụ kiện ngành da - giày. Ảnh: LAM ANH

Năm 2018, số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong lĩnh vực CNHT trên cả nước là khoảng 2.000 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 DN sản xuất vật liệu cho ngành dệt - may, da - giày (chiếm gần 4,5% tổng số DN của ngành CN chế biến, chế tạo). Các DN CNHT tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, tương đương với 8% số lao động toàn ngành chế biến, chế tạo với doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh trong năm 2018 ước đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.

Bên cạnh đó, năng lực sản xuất sản phẩm CNHT trong nước dần được cải thiện. Cụ thể, vào thời điểm tháng 11-2018, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm CNHT, bao gồm linh kiện ô-tô, phụ tùng điện tử, nguyên vật liệu dệt - may da - giày đạt 35 tỷ USD, tăng trưởng 16% so cùng kỳ năm 2017. Riêng trong năm 2018, một trong những sự kiện rất được chú ý là việc một DN lớn hàng đầu Việt Nam triển khai DA sản xuất ô-tô với những bước đi rất nhanh nhưng không kém phần bài bản.

Theo đánh giá của các DN CNHT, là địa phương đi đầu cả nước, gần đây nhiều giải pháp để phát triển CNHT đã được chính quyền TP Hồ Chí Minh điều chỉnh phù hợp thực tiễn của DN, nhất là các DN nhỏ và vừa (NVV). Chẳng hạn, Ðề án Phát triển CNHT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 đang thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho ngành CNHT để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm gia công, lắp ráp và giảm nhập khẩu.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, nhằm hỗ trợ các DN khai thác hết tiềm năng để hình thành nền CNHT theo hướng hiện đại và mang lại hiệu qủa kinh tế cao trong tương lai, hiện tại UBND TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi tối đa về vốn, công nghệ, mặt bằng, kết nối hợp tác đầu tư nhằm giúp các DN phát triển ngành CNHT nhanh, bền vững. Cụ thể, với chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực CNHT giai đoạn 2018-2020 theo Nghị quyết số 16 của HĐND TP Hồ Chí Minh, các DN CNHT được hỗ trợ lãi vay trong thời gian bảy năm, mức vốn vay tối đa là 200 tỷ đồng/dự án (DA) để đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất mới. Đến nay, Sở đã hỗ trợ hơn 30 DN tham gia chương trình kích cầu đầu tư, tiếp nhận 16 hồ sơ DA, thẩm định chín DA với tổng vốn đầu tư hơn 943 tỷ đồng, trong đó hai DA đã được chính quyền thành phố phê duyệt gần 222 tỷ đồng tổng vốn đầu tư.

Công ty CP Sản xuất nhựa Duy Tân là một trong 30 DN tham gia chương trình kích cầu đối với ngành CNHT của TP Hồ Chí Minh theo Quyết định số 15/2017/QÐ-UBND. Đại diện Công ty CP Sản xuất nhựa Duy Tân cho biết, từ sự hỗ trợ của chương trình kích cầu, công ty đã đầu tư sản xuất khuôn chính xác tại xưởng Cơ khí mẫu và chế tạo máy với diện tích 5.000 m2 ở Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân. Sản phẩm do nhà máy sản xuất được chọn là sản phẩm chủ lực của TP Hồ Chí Minh và sẽ gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phương Đông cho rằng, việc công bố sản phẩm CNHT tiêu biểu không chỉ là sự tôn vinh các sản phẩm, nhóm sản phẩm CN và CNHT mà từng bước xây dựng, hình thành danh mục các sản phẩm CN và CNHT tiêu biểu để làm cơ sở cho các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực CN, CNHT trong thời gian tới.

Đánh giá về ngành CNHT, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh thẳng thắn chỉ rõ, nhìn chung, ngành CNHT tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Cụ thể, chất lượng sản phẩm phụ tùng linh kiện ô-tô cung ứng trên thị trường còn kém. Phần đông DN trong nước về CNHT chỉ cung ứng sản phẩm cho lắp ráp ô-tô trong nước. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến chín chỗ ngồi đạt thấp, đạt bình quân khoảng 7 - 10%. Hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô-tô lắp ráp hiện nay vẫn do các công ty mẹ hoặc từ công ty xuyên quốc gia ở nước ngoài cung cấp. Trong khi, để làm một chiếc ô-tô phải cần từ 30.000-40.000 linh kiện.

Nhằm phát triển CNHT Việt Nam trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cần quá trình kiên trì lâu dài. Nhà nước đóng vai trò là bà đỡ, đặc biệt hỗ trợ cho DNNVV và siêu nhỏ trong việc bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí gia nhập thị trường thấp, khuyến khích nguồn vốn tư nhân xã hội. Các giải pháp tập trung là tiếp tục xây dựng hoàn thiện chính sách, thúc đẩy một số ngành CN ưu tiên phát triển, có chính sách ràng buộc và khuyến khích các địa phương trong bố trí ngân sách phát triển CNHT; thúc đẩy phát triển thị trường cho các ngành hạ nguồn, chú trọng ngành ô-tô, điện tử, dệt - may, da - giày, ngành CN vật liệu, thu hút đầu tư. Cùng với đó là nâng cao năng lực DN trên cơ sở triển khai hiệu quả chương trình, bố trí vốn đầu tư xây dựng và phát triển ba trung tâm hỗ trợ; hỗ trợ tín dụng, vốn vay, tháo gỡ vướng mắc thuế, hỗ trợ xử lý môi trường... Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ tập trung đẩy mạnh hơn việc nâng cao năng lực DN CNHT thông qua triển khai hiệu quả các chương trình, đề án hỗ trợ DN, các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về tài chính.