Dự báo Việt Nam tăng trưởng tích cực nhờ khả năng chống chịu cao

Trong Báo cáo bán niên cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam công bố ngày 21-12, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, Việt Nam tăng trưởng đạt gần 3% năm 2020 dù phải đối mặt cú sốc lớn nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua. 

Toàn cảnh buổi công bố báo cáo. Ảnh: THÙY DƯƠNG/BNEWS/TTXVN
Toàn cảnh buổi công bố báo cáo. Ảnh: THÙY DƯƠNG/BNEWS/TTXVN

WB nhận định, Việt Nam có kết quả này là nhờ khả năng chống chịu của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại. Không những kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết liệt và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi. Triển vọng của Việt Nam là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo.

Cân nhắc trong việc phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử

Sáng 23-12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo thông tư hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử” nhằm lắng nghe ý kiến góp ý từ các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) chịu tác động trực tiếp của dự thảo thông tư, bảo đảm tính hợp lý, khả thi của các quy định trong thông tư khi được triển khai thực tế, đồng thời không làm phát sinh thêm gánh nặng về chi phí và thủ tục hành chính cho DN.

Tại hội thảo, một số đại diện DN đã bày tỏ băn khoăn về sự cần thiết của việc thay đổi tem. Việc cải tiến các phương thức quản lý và áp dụng khoa học - công nghệ trong hoạt động quản lý nhà nước là cần thiết, nhưng cũng cần nghiên cứu và cân nhắc kỹ về sự cần thiết, tác động và thời điểm áp dụng của chính sách mới đối với DN...