Bảo hiểm & minh bạch thông tin

Đề án 242 “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường bảo hiểm (TTBH) đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong phần giải pháp chung cho TTBH, giải pháp đầu tiên là hoàn thiện cơ sở pháp lý trong khi giải pháp quan trọng kế tiếp chính là “nâng cao tính minh bạch thông tin” rồi sau đó mới đến việc phát triển và chuyên nghiệp kênh phân phối, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra…

Cần biết rằng, thông tin, số liệu trong ngành BH không chỉ để công bố với cơ quan quản lý, cáo bạch ra TTCK, hay chia sẻ đến khách hàng mà còn chứa đựng cả bí quyết kinh doanh. Chính vì lẽ đó, doanh nghiệp (DN) BH công bố thông tin càng nhiều thì ngoài việc được đánh giá cao về mức độ minh bạch cũng đồng thời gặp không ít áp lực, vì lẽ các đối thủ trong ngành sẽ nghiền ngẫm số liệu, từ đó đưa ra những giải pháp cạnh tranh quyết liệt.

Thực tế, so các DNBH nước ngoài thì mức độ minh bạch thông tin của các đơn vị trong nước cao hơn hẳn vì rất nhiều đơn vị có tên tuổi đã niêm yết trên TTCK như: Bảo Việt (BVH) hiện đang thuộc nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất TT, PVI, Bảo Minh, Bảo hiểm BIDV - BIC, BH Quân đội - MIC… Lẽ dĩ nhiên các đơn vị này phải công bố doanh thu, chi phí, lợi nhuận, các tiêu chí tài chính khác đến với cổ đông. Nhưng từ đây cũng tạo ra không ít thách thức bởi lẽ đối thủ của các DNBH trong nước lại là các DN nước ngoài “lắm tiền nhiều của”, và không ngại đổ ra rất nhiều chi phí để cạnh tranh. Các DNBH nước ngoài hiện cũng không phải là công ty đại chúng nên tất nhiên không cần phải công bố thông tin như quy định.

Nhưng ở đây có thêm hai vấn đề cần lưu ý: Thứ nhất, hiện nay Bảo Việt, một đơn vị trong nước đang giữ thị phần ở tốp đầu trong cả hai mảng phi nhân thọ và nhân thọ và trong hai năm qua, tập đoàn này đã vượt qua không ít tên tuổi nước ngoài. Có rất nhiều nguyên nhân để kể ra ở đây nhưng việc minh bạch thông tin, chẳng hạn mới đây đã đạt giải báo cáo phát triển bền vững minh bạch nhất châu Á do tổ chức CSRWorks bình chọn, đã giúp Bảo Việt có cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài, nhờ đó sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động vốn, học hỏi kinh nghiệm… PVI hay BIC sau khi niêm yết cũng đạt được nhiều bước tiến đáng kể về quy mô, thị phần.

Thứ hai, hiện nay về số liệu của ngành BH, ngoài cơ quan quản lý thì có rất hiếm các báo cáo từ các công ty nghiên cứu TT trong và ngoài nước thực hiện. Tất nhiên ngành BH rất thận trọng về mặt số liệu, nhưng cũng phải nói thêm rằng, những số liệu tổng quan hoặc không cần quá bảo mật khi chia sẻ ra công chúng sẽ không có nhiều ảnh hưởng, trái lại còn tạo ra sự gắn kết với TT.

Đó cũng là lý do mà Đề án 242 đã nhấn mạnh mục đích của việc minh bạch thông tin chính là để người mua hiểu rõ về DNBH, các loại rủi ro tác động đến hoạt động của DN và cách thức quản lý rủi ro.