Áp lực chi phí thuê mặt bằng

Việc một loạt hệ thống bán lẻ lớn như: Thế giới di động, Vua nệm, PNJ… cũng như rất nhiều đơn vị kinh doanh đang đề xuất đối tác miễn hoặc giảm tiền thuê mặt bằng là điều rất bình thường trong hoàn cảnh hiện nay. Dù vậy, không phải đơn vị nào cũng gặp may khi các đề xuất tưởng chừng như hợp lý là giảm 30 - 50% hoặc miễn phí trong giai đoạn không hoạt động được chấp nhận.

Giám đốc điều hành (CEO) một hệ thống ẩm thực 5 sao có tiếng tại TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay chỉ hệ thống của Vincom là hỗ trợ đối tác trong việc miễn giảm tiền thuê mặt bằng, còn lại đều chưa đồng ý, thậm chí gây sức ép rất mạnh.

“Một đối tác cho thuê mặt bằng của chúng tôi lấy lý do giá cho thuê trước đây (khoảng hơn một tỷ đồng/tháng) đã “rẻ” nên hiện thời dù nhà hàng của tôi tại quận 1 (TP Hồ Chí Minh) không hoạt động nhưng vẫn không được giảm. Trong khi một nhà hàng khác tại quận Phú Nhuận lại nhận được đề xuất trả nhà và nhận trả lại tiền cọc, nhưng đây là “chiêu” chủ nhà cố tình “gài bẫy” vì chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng quá lớn, vẫn chưa kịp thu hồi vốn”, vị CEO này ngán ngẩm kể lại.

Anh Vũ, chủ một cửa hàng kinh doanh ẩm thực miền trung tại quận 1 cũng cho biết: “Ngay từ khi phải thu hẹp quy mô hoạt động, để đáp ứng đúng các quy định, chỉ được bán mang đi thì tôi cũng chuẩn bị luôn tinh thần không được giảm giá mặt bằng và quả thật đúng như vậy. Thành thật mà nói, đôi khi chủ mặt bằng cũng vào thế khó không thể giảm được và trên góc độ hợp đồng đã ký thì phải thực hiện”.

Và vẫn còn đó, nhiều trường hợp giữa người kinh doanh và chủ mặt bằng chưa tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết vấn đề mặt bằng và cả hai đều đang rơi vào thế khó. Hiện tại, một trong những lý lẽ được bên thuê mặt bằng đưa ra là dịch bệnh thuộc vào tình huống “bất khả kháng” và trong một số điều khoản hợp đồng sẽ có hướng giải quyết như miễn, giảm hoặc chấm dứt hợp đồng. Nhưng cũng về lý mà nói, tình huống “bất khả kháng” chỉ diễn ra trong giai đoạn giãn cách xã hội từ ngày 1 đến ngày 15-4, trong khi tình hình đã gặp thách thức từ tháng 2 và tháng 3. Đó cũng là lý do, một số chủ mặt bằng “chơi chiêu” bằng cách chấp nhận miễn phí trong giai đoạn giãn cách xã hội nhưng lại “lấy đủ” trong các tháng trước đây.

Thực tế, đến thời điểm này, giải pháp được xem là khả dĩ nhất tất nhiên là… ráng mà trả đủ. Trường hợp không thể trả, giữa bên thuê mặt bằng và chủ mặt bằng lại “ghìm nhau” bằng cách trả từng phần 50 - 70% và tìm phương án để tính tiếp.

Một chủ cơ sở kinh doanh hoạt động giáo dục (hiện đã đóng cửa) cũng chia sẻ rằng, thậm chí chấp nhận không giảm chi phí mặt bằng, chỉ cần chủ mặt bằng chấp nhận “khoanh” chi phí giai đoạn này, chấp nhận cho trả từng phần thì sẽ giải quyết được sau khi dịch bệnh chấm dứt, nhưng chủ nhà vẫn chần chừ.

Rõ ràng, chi phí thuê mặt bằng đang trở thành áp lực cho những đơn vị bám trụ hoạt động, thậm chí đã ngừng hoạt động để chờ đợi phục hồi sau dịch bệnh.