Thoát hiểm nhờ lực cầu gia tăng

Lực bán gia tăng mạnh ngay đầu phiên giao dịch chiều cuối tuần qua, ngày 30-10, đã đẩy VN Index liên tục xuyên thủng đáy trong ngày. Tưởng chừng thị trường (TT) sẽ có một phiên giao dịch cuối tuần chìm trong sắc đỏ và VN Index có thể mất mốc 910 điểm thì đột biến đã xảy ra vào ít phút cuối phiên. Lực cầu bất ngờ gia tăng ở một số mã lớn đã tạo “cú huých” cho VN Index tăng vọt hơn 14 điểm, lên trên mốc 925 điểm khi chốt phiên.

Lực cầu bất ngờ gia tăng ở một số mã lớn giúp VN Index tăng hơn 14 điểm trong phiên chiều cuối tuần qua.
Lực cầu bất ngờ gia tăng ở một số mã lớn giúp VN Index tăng hơn 14 điểm trong phiên chiều cuối tuần qua.

Trước đó, TT quốc tế đêm 28-10 giảm cực mạnh nhưng đến sáng 29-10 lại phục hồi trên TT tương lai. Diễn biến khá tích cực này đã giúp TT trong nước bớt lo lắng khi bước vào phiên giao dịch ngày 29-10. Áp lực bán cắt lỗ vẫn xuất hiện khiến VN Index đã có tới hai nhịp sụt giảm dưới tham chiếu. Tuy nhiên, mức giảm sâu nhất cũng chỉ - 0,73%, rất nhẹ nếu so mức giảm 2,7% phiên kề trước. Nhiều cổ phiếu (CP) cũng quay đầu phục hồi giá.

May mắn nhất cho VN Index là trong số tăng đã có các CP vốn hóa lớn. Đó là VIC tăng 0,5%, VHM tăng 0,79% và VRE tăng 0,29%. Nhóm CP họ Vingroup tăng có ảnh hưởng lớn do đều là các mã vốn hóa hàng đầu. Ngoài ra, SAB trụ được ở tham chiếu và VNM cũng chỉ còn giảm nhẹ 0,47%.

Mức độ sụt giảm nhiều là nhóm CP ngân hàng (NH) dẫn dắt. CTG giảm 2,68%, BID giảm 1,65% trở thành hai cổ phiếu tệ nhất đối với chỉ số. VCB cũng giảm 0,71% và TCB giảm 2,68%. Cả bốn CPNH quan trọng này đều đang trải qua một tuần giảm sâu: TCB đã giảm liền bốn phiên mất tổng cộng 9,2%, CTG giảm 8,5%, BID giảm 9,7%, VCB giảm 4,5%. Đây là hệ quả của việc dòng tiền quá lớn đổ dồn vào đầu cơ trong ngắn hạn. Do có quá nhiều CP mắc kẹt trong các giao dịch lớn nên khi bán mạnh, mức giảm giá cũng rất nhanh. 

Ngoài nhóm CPNH dẫn dắt, MSN cũng phải chịu sức ép tương tự, dù CP này vẫn có lực mua mạnh bất ngờ. Trong phiên MSN có lúc giảm xuống giá sàn, nhưng vẫn được nâng đỡ về cuối. Giá CP này đóng cửa giảm 2,33% so tham chiếu và hai phiên liên tiếp giảm tổng cộng 4,44% giá trị.

Nhìn chung, TT phiên này phục hồi khá tích cực về mặt CP do có số lượng mã tăng, giảm cân bằng nhau. Ngay trong nhóm VN30 cũng có 14 mã tăng và 14 mã giảm. Diễn biến của chỉ số tuy giảm nhưng CP phục hồi khá tốt. HoSE có khoảng 100 CP tăng giá hơn 1% lúc đóng cửa, vài mã đầu cơ nhỏ như CSV, CVT, TNT còn kịch trần.

Sau các phiên giảm mạnh liên tiếp thì cơ hội phục hồi rất dễ xảy ra. Dù đà giảm mạnh nhưng trong các diễn biến ngắn hạn từng ngày, TT vẫn có thể cân bằng tương đối. Mặt khác, TT quốc tế cũng hứa hẹn phục hồi khi TT tương lai có dấu hiệu tăng mạnh. Tuy vậy nhu cầu cắt lỗ vẫn còn là một ẩn số. Phiên này thực tế là một ngày phục hồi bất thành khi VN Index đã có lúc tăng vượt tham chiếu 0,52%, VN30 Index cũng tăng 0,6%. Đến cuối phiên VN Index vẫn giảm 0,21% và VN30 Index giảm 0,25%.

Nhà đầu tư (NĐT) tranh thủ lúc TT tăng để bán ra được giá tốt hơn. Đây là nguyên nhân chính khiến các chỉ số nhanh chóng quay lại vùng điểm dưới tham chiếu. Nếu không có các CP vốn hóa lớn như VIC, VHM duy trì giá tăng đến hết phiên thì TT đã mất nhiều điểm hơn nữa vì hai mã này đã đỡ được gần 1,5 điểm. Thanh khoản cũng có dấu hiệu suy yếu với tổng giá trị giao dịch hai sàn giảm 15% so phiên kề trước và giá trị khớp lệnh giảm 14%. Mức khớp lệnh phiên này đạt 7.772,4 tỷ đồng, là thấp nhất trong vòng 5 phiên. 

Đặc biệt, khối NĐT nước ngoài đang tập trung vào công việc rút vốn ra. Giá trị bán ròng CP ở HoSE lại thêm 334,7 tỷ đồng nữa. Tính bốn phiên đầu tuần qua, mức bán ròng đã lên tới xấp xỉ 1.450 tỷ đồng và tính từ đầu tháng 10 là 6.664 tỷ đồng.

Bước sang phiên giao dịch sáng cuối tuần qua, ngày 30-10, lực mua kỹ thuật trong phiên ATO nhanh chóng kéo VN Index tăng lên hơn 925 điểm. Tuy vậy, sự phân hóa ở nhóm blue chip dần xuất hiện, theo đó đẩy VN Index lùi dần về tham chiếu sau hơn một giờ giao dịch. Trong số các mã trụ, MSN tiếp tục làm khó TT, khi đang giảm khá sâu hơn 3%, cùng VJC mất hơn 2%, trong khi phần còn lại chỉ biến động nhẹ. Giao dịch đáng kể nhất vẫn diễn ra ở TCB và HPG, khi thanh khoản dẫn đầu HoSE, cùng HDB khởi sắc nhất, nhích hơn 2%. 

Gần như đi ngang quanh tham chiếu với biên độ rất hẹp sau nửa đầu phiên sáng, chỉ số VN Index chỉ kịp nhích lên 920 điểm khi kết phiên. Tuy nhiên, điều đáng kể và bất ngờ là thanh khoản suy giảm đột ngột của TT. Có lẽ nguyên nhân đến từ việc phiên này là phiên cuối tháng 10, khi một số quỹ đầu tư theo bộ chỉ số VN30 và VNDiamond tái cơ cấu danh mục, đã khiến nhiều NĐT chọn cách đứng ngoài quan sát.

Lực bán gia tăng mạnh ngay đầu phiên giao dịch chiều cuối tuần qua đã đẩy VN Index liên tục xuyên thủng đáy trong ngày. Tưởng chừng TT sẽ có một phiên giao dịch cuối tuần chìm trong sắc đỏ và VN Index mất mốc 910 điểm thì đột biến đã xảy ra vào ít phút cuối phiên. Lực cầu bất ngờ gia tăng ở một số mã lớn, đặc biệt là lực kéo từ VIC đã tạo “cú huých” cho VN Index tăng vọt hơn 14 điểm, từ mức đáy của ngày 911,2 điểm lên trên mốc 925 điểm khi chốt phiên, dù số mã giảm nhiều hơn phiên sáng và thanh khoản sụt giảm mạnh so phiên kề trước. Chốt phiên, VN Index tăng 6,39 điểm, lên 925,47 điểm với 225 mã tăng và 181 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 312,8 triệu đơn vị, giá trị 6.557,7 tỷ đồng, giảm 28,3% về lượng và 18% về giá trị so phiên giao dịch ngày 29-10.