Thị trường trong trạng thái cân bằng

Sang phiên giao dịch ngày 14-1, ảnh hưởng từ nhịp điều chỉnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng (CPNH) đã vơi bớt, một số mã thậm chí quay đầu tăng. Tuy vậy, do thị trường (TT) vẫn chưa tìm thấy nhóm CP dẫn dắt nào khác, nên đà tăng hầu như không đáng kể. VN index tăng 1,16 điểm trong phiên này, lấy lại gần một nửa mức giảm của phiên đầu tuần. Thực tế, cả hai phiên TT biến động rất ít do sức ảnh hưởng của các CP gần như không đáng kể.

Nhiều nhà đầu tư có xu hướng chốt lời để đón Tết. Ảnh: NAM ANH
Nhiều nhà đầu tư có xu hướng chốt lời để đón Tết. Ảnh: NAM ANH

Ngay trong phiên giao dịch ngày 13-1, nhóm CP dẫn dắt TT gần đây là CPNH đã bị nhà đầu tư (NĐT) bán ra khá mạnh. Nhóm này giảm kéo theo sự suy yếu nhẹ tại các blue chip. Mặc dù không tác động quá nhiều tới các chỉ số, nhưng phiên này vẫn là một phiên điều chỉnh. Việc các CPNH bị xả mạnh trong phiên không phải là điều gì quá bất ngờ. Những lo ngại về đà tăng giá của nhóm này đã có từ tuần trước, nhất là sau phiên áp chót tuần, phiên mà CPNH tăng đồng loạt và thanh khoản cũng cực lớn.

TT đang tiến đến những ngày cuối cùng của năm âm lịch, nên trong bối cảnh khó đạt lợi nhuận thì những con số nói trên là quá đẹp. NĐT có xu hướng chốt lời để đón Tết cũng là điều bình thường. Phiên này hầu hết các mã CPNH đều quay đầu giảm giá, các CP nào trước đó tăng mạnh thì phiên này cũng giảm mạnh.

CPNH có hai mã lớn đối với VN index là VCB và BID. VCB hiện chỉ đứng sau VIC còn BID vốn hóa vượt cả SAB. Phiên này VCB giảm khá nhẹ 0,11% nên sức ảnh hưởng tập trung vào BID. Diễn biến điều chỉnh của nhóm CPNH cũng chủ yếu tác động về mặt tâm lý. Nguyên nhân giúp VN Index chỉ giảm 2,7 điểm phiên này là VHM tăng giá rất cao, đóng cửa trên tham chiếu 2,13%. Do đó, tuy số blue chip giảm giá nhiều hơn số tăng giá thì chỉ số cũng không giảm quá mạnh.

Dòng tiền mấy ngày qua dồn nhiều vào nhóm CPNH. NĐT chốt lời ở CPNH được kỳ vọng sẽ luân chuyển dòng tiền sang các CP khác. VN Index giảm nhẹ 0,28% phiên này và tụt xuống 965,84 điểm, để lỡ cơ hội vượt ngưỡng 970 điểm lần nữa. ROS ghi dấu ấn với phiên giảm sàn thứ 4 liên tục xuống ngưỡng 11.300 đồng/CP. CP này đã mất thanh khoản buổi chiều và áp lực bán tháo vẫn còn rất cao, khoảng 4,5 triệu CP tranh bán giá sàn cuối phiên.

Dường như xu hướng bán ra ở các CP đầu cơ đem lại thiệt hại nhiều hơn là nhóm blue chip. Dòng tiền giao dịch với CPNH dễ có xu hướng chuyển sang các blue chip khác, còn dòng vốn đầu cơ thường có xu hướng nằm im ở thời điểm gần Tết. Phiên này thanh khoản rất kém với khoảng 2,142 tỷ đồng khớp lệnh hai sàn, giảm 35% so phiên thứ sáu tuần trước.

Sang phiên giao dịch ngày 14-1, ảnh hưởng từ nhịp điều chỉnh của nhóm CPNH đã vơi bớt, một số mã thậm chí quay đầu tăng. Tuy vậy, do TT vẫn chưa tìm thấy nhóm CP dẫn dắt nào khác, nên đà tăng hầu như không đáng kể. VN Index tăng 1,16 điểm trong phiên này, lấy lại gần một nửa mức giảm của phiên đầu tuần. Thực tế, cả hai phiên TT biến động rất ít do sức ảnh hưởng của các CP gần như không đáng kể.

Trong khi đó, nhóm CP đầu cơ lại rục rịch sớm hơn. Chỉ số của nhóm vốn hóa trung bình VNMidcap đóng cửa tăng tới 0,94%. Thậm chí nhiều CP đột biến bất ngờ với thanh khoản lớn. ROS là CP đầu cơ gây chú ý khi thoát khỏi điệp khúc giảm sàn liên tục và lại được kéo tăng kịch trần phiên này. Trước khi tăng hết biên độ, ROS giảm hết biên độ xuống 10.550 đồng/CP, chạm vào ngưỡng mệnh giá lần đầu tiên kể từ khi lên sàn. Giao dịch của ROS khá lớn với hơn 13,8 triệu CP và lại dư mua cực lớn. CP đầu cơ tuy không thể giúp các chỉ số tăng mạnh hơn hay tạo thanh khoản lớn, nhưng lại đem đến vẻ sôi động cho TT. Các mã đầu cơ khi tăng thường là tăng mạnh và thu hút được số lớn NĐT nhỏ lẻ tham gia. Chính vì vậy, không khí giao dịch sẽ bớt cảm giác trì trệ, vốn đang đè nặng lên nhóm blue chip.

Hai phiên điều chỉnh nhẹ khi VN index chưa vượt được ngưỡng 970 điểm trong ngày 10-1 trước đó là một phép thử. Hai phiên giảm đó gắn liền với áp lực chốt lời của CPNH và một số blue chip khác. Nếu TT vượt qua được phiên thử thách, cơ hội vượt 970 điểm vẫn còn. CPNH phiên 14-1 bắt đầu phân hóa tăng - giảm. Câu hỏi đối với nhóm này là liệu CPNH còn dư địa tăng cao hơn hay đã đạt đỉnh. Vì thế, lực cầu bắt đáy CPNH đưa nhiều CP tăng lên là một tín hiệu tốt.

VN index phục hồi thiếu rõ ràng trong phiên này có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, CPNH mới thoát khỏi một phiên giảm mạnh và phân hóa. Thứ hai, các blue chip lớn nói chung chưa tăng được. Dù vậy, TT nhìn tổng thể vẫn đạt trạng thái cân bằng. Chỉ số của nhóm blue chip thậm chí còn tăng tốt hơn VN index, đóng cửa trên tham chiếu 0,34% so 0,12% của chỉ số chính.

TT có phiên thứ hai liên tiếp đi ngang hẹp và điểm quan trọng là thanh khoản tụt xuống khá thấp. Cả phiên đầu tuần và phiên này giá trị khớp lệnh đều chỉ trung bình trên dưới 2.200 tỷ đồng. Cả phía mua lẫn phía bán đều đang nghe ngóng. Đối với NĐT cầm giữ CP, lựa chọn lúc này là có thể chốt lời hoặc giữ lại. Các lần TT tiến sát tới 970 điểm gần đây NĐT ưa thích chốt lời hơn nên thanh khoản đạt cao. Lần này áp lực chốt lời không lớn bằng và thanh khoản giảm. Rõ ràng nếu TT có cơ hội tăng cao hơn thì việc chốt lời sớm gần 970 điểm không phải lựa chọn hay. Ngược lại, NĐT cầm tiền có thể lựa chọn việc mua ngay ở nhịp điều chỉnh hoặc đợi TT tăng vượt 970 điểm rồi mới hành động. Thanh khoản nhỏ cũng thể hiện tâm lý chờ đợi đang áp đảo.