Thị trường đã sôi động trở lại

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 8-5, thị trường (TT) xuất hiện phiên giao dịch sôi động nhất kể từ đầu năm. Nhà đầu tư (NĐT) hưng phấn và đổ tiền vào mua khi VN Index có dấu hiệu bứt phá vượt đỉnh. Điểm nhấn của phiên này là thanh khoản. Quy mô giao dịch hai sàn đạt kỷ lục 7.592 tỷ đồng, trong đó khoảng 756 tỷ đồng là thỏa thuận. Giá trị khớp lệnh đạt 6.837 tỷ đồng, mức cao nhất trong ba năm trở lại đây.

Nhà đầu tư đang chờ và quan sát diễn biến thị trường để mua vào cổ phiếu. Ảnh: NAM HẢI
Nhà đầu tư đang chờ và quan sát diễn biến thị trường để mua vào cổ phiếu. Ảnh: NAM HẢI

Trước đó, ngày 7-5, VN Index có thêm một phiên tăng cực mạnh nữa, đóng cửa lên mức 796,54 điểm. Mức đóng cửa cao nhất trong tháng 4 của chỉ số này là 794,97 điểm ngày 20-4. Blue chip duy nhất trong nhóm trụ tăng hết biên độ 6,96% trong phiên này là SAB, nhưng mã này vẫn phải xếp sau VCB về sức mạnh. SAB tăng kịch trần phiên này cũng là phiên tăng mạnh thứ hai liên tục sau khi đã tăng 2,4% trong ngày 6-5. Các trụ khác tăng tốt bao gồm VIC tăng 1,05%, VNM tăng 1,87%, VHM tăng 0,9%.

Hầu hết các cổ phiếu (CP) lớn nhất TT phiên này đều tăng đã giúp VN Index có được 13,95 điểm, tăng 1,87%. Chỉ số VN30 Index đóng cửa tăng 1,93% và cũng đóng cửa cao hơn đỉnh ngày 20-4. Như vậy cả hai chỉ số đều đã có một phiên kiểm định đỉnh cao ngắn hạn. TT tăng dựa nhiều hơn ở nhóm blue chip. Điều này thể hiện rõ ở số lượng CP tăng giá đã ít hơn phiên trước. Nhóm CP vừa và nhỏ cũng suy yếu: chỉ số VN Midcap chỉ tăng 0,93% và VNSmallcap tăng 0,8%. Vẫn có khá nhiều CP giao dịch sôi động ở mức giá trần như: VHC, VNE, CMX... Tuy nhiên, với mức tăng 1,93% ở VN30 Index, mức tăng tại các blue chip đã vượt trội so các nhóm CP khác.

Tính về mức đóng cửa thì phiên này cả VN Index lẫn VN30 Index đều đã chốt cao hơn đỉnh ngắn hạn tháng 4. Tuy nhiên, tính về dao động thì vẫn chưa. Mặt khác, ngưỡng kháng cự kỹ thuật thường được coi là một vùng điểm số chứ không phải một con số cụ thể. TT vẫn có cơ hội vượt đỉnh cũ. Hiện, tâm lý đang rất tích cực và thanh khoản có mức tăng trở lại khá rõ. Hai phiên ngày 6 và 7-5, giá trị khớp lệnh hai sàn đều hơn 3.800 tỷ đồng nhờ sự góp sức đáng kể cho thanh khoản đến từ các blue chip.

Sự lạc quan là yếu tố quan trọng để giúp TT tăng. Hai phiên đó TT trong nước đều mạnh hơn thế giới. Khả năng đi ngược dòng này là nhờ nhóm CP lớn phục hồi. Nếu các mã này vẫn còn tăng thì không khó để VN Index bứt lên trên đỉnh cao cũ. Tuy chỉ số có thể vượt đỉnh cao nhưng phần lớn các CP blue chip vẫn chưa vượt được đỉnh tương ứng với chỉ số.

NĐT nước ngoài bán ra không còn lớn như trước cũng là yếu tố hỗ trợ đúng thời điểm. Phiên 6-5, mức bán ròng qua khớp lệnh trên sàn HoSE khoảng 222 tỷ đồng. Phiên 7-5, tổng giá trị bán ròng của HoSE chỉ còn 121 tỷ đồng. Nhóm blue chip VN30 chỉ còn bị bán ròng không đáng kể.

Sang phiên giao dịch ngày 8-5, TT xuất hiện phiên giao dịch sôi động nhất kể từ đầu năm khi NĐT hưng phấn cao độ và đổ tiền vào mua khi VN Index có dấu hiệu bứt phá vượt đỉnh. Từ mức tăng 3,66%, chỉ số đóng cửa còn tăng 2,16% cho thấy cũng có lực bán rất lớn.

TT ngày cuối tuần qua đã có một phiên mang tính quyết định, đó là có vượt được hay không đỉnh cao tháng 4. Nếu VN Index đột phá thành công, NĐT sẽ tin tưởng vào cơ hội bứt phá lên cao hơn nữa. Rất nhiều NĐT đang chờ và quan sát diễn biến đột phá này để xuống tiền mua.

Ngay từ khi mở cửa, VN Index đã vượt 800 điểm và đó là tín hiệu đầu tiên. Trong suốt nửa đầu phiên sáng, TT tiếp tục tăng và thanh khoản cũng rất tốt. Điều này đã khiến NĐT không chờ đợi thêm được nữa ào ạt đổ tiền vào mua. VN Index tăng vùn vụt và đạt đỉnh 825,72 điểm trong 30 phút đầu phiên chiều 8-5. Sau đó, TT xuất hiện một đợt chốt lời cũng rất mạnh và đẩy giá CP tụt dần xuống. Đóng cửa VN Index còn tăng 2,16% so tham chiếu, tương đương trả lại TT mức tăng khoảng 1,5%.

Điểm nhấn của phiên này là thanh khoản. Quy mô giao dịch hai sàn đạt kỷ lục 7.592 tỷ đồng, trong đó khoảng 756 tỷ đồng là thỏa thuận. Giá trị khớp lệnh đạt 6.837 tỷ đồng, mức cao nhất trong ba năm trở lại đây. Mức giao dịch này lớn gấp đôi bình quân hai tuần trở lại đây, thậm chí vượt xa cả các phiên kỷ lục hồi đầu tháng 4. Điều này xác nhận NĐT đã tung tiền ra mua và cũng có rất nhiều NĐT bán chốt lời. Kỷ lục giao dịch xuất hiện tại sàn HoSE, với tổng giá trị khớp tới 6.292 tỷ đồng và tổng giá trị giao dịch hơn 7.000 tỷ đồng.

TT tăng hoàn toàn dựa trên diễn biến mang tính kỹ thuật của ba phiên gần nhất. VN Index tăng mạnh liên tục 6,5% chỉ trong ba ngày đã đưa chỉ số này vượt qua ngưỡng kháng cự là đỉnh cao tháng 4. NĐT dựa trên phân tích kỹ thuật sẽ chờ đợi để mua vào. Có thể thấy sau khi VN Index bứt xa lên trên 810 điểm, thanh khoản bắt đầu tăng rất cao và giá CP cũng tăng mạnh. Ở phía bán, rõ ràng phải có rất nhiều NĐT xả hàng ra chốt lời thì mới đạt quy mô giao dịch gần 7.600 tỷ đồng. Lực bán này đã ngăn cản đà tăng của TT ngay từ đầu phiên chiều và sau đó đẩy giá đi lùi xuống khá sâu.

Do rất nhiều CP đóng cửa vẫn tăng mạnh, sức ép của người chốt lời đã bằng sức mua. Nếu lượng tiền mua vẫn đủ lớn, TT hoàn toàn có cơ hội tăng tiếp dù sẽ còn phải đối diện với các đợt chốt lời mạnh tiếp theo. TT chỉ quay đầu giảm nếu tất cả NĐT đã mua hết tiền trong phiên này. Bên cạnh đó, khối NĐT nước ngoài cũng chấm dứt bán ròng là tín hiệu hỗ trợ tốt.