Sôi động thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp (DN) qua kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tăng cao, trong khi sức cầu của thị trường (TT), đặc biệt với sự tham gia của đông đảo nhà đầu tư (NĐT) cá nhân đã giúp TT này sôi động trong thời gian qua.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang khá sôi động.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang khá sôi động.

Trong khi lãi suất tiết kiệm có xu hướng giảm, NH giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, thì lãi suất TPDN vẫn duy trì mức cao. Mặc dù mục đích của tiết kiệm và TPDN khác nhau, song giống nhau ở một điểm là khách hàng muốn được hưởng lợi tức cao, nhất là trong bối cảnh Covid-19. Vì thế, sau những lời chào mời của nhân viên NH, không ít khách hàng đã chọn mua TPDN hoặc chứng chỉ quỹ được phát hành qua NH.

Đơn cử, tại VietA Bank, theo thông tin giao dịch tại quầy, lãi suất tiền gửi cao nhất đang được NH này áp dụng là 7,9%/năm cho kỳ hạn 13 tháng qua hình thức tiền gửi online. Nếu gửi tại quầy, lãi suất cao nhất là 6,6%/năm cho kỳ hạn trên 13 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Tuy nhiên, nếu khách hàng chọn đầu tư trái phiếu của SAM Holdings (HoSE: SAM) được VietA Bank phân phối, thì lãi suất lên đến 9,03%/năm cho kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng và 10,45%/năm cho kỳ hạn từ 12 đến 24 tháng. Khách hàng mua trái phiếu SAM Holdings do VietA Bank phân phối phải có ít nhất một tỷ đồng…

Trước đó, SAM Holdings đã thông báo kế hoạch phát hành tiếp trái phiếu, với tổng giá trị khoảng 300 tỷ đồng, để bổ sung nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh. Thời gian dự kiến là trong tháng 8 và tháng 9-2020. Trái phiếu có kỳ hạn dự kiến là 24 tháng, lãi suất đến 11%/năm. Phương thức thanh toán lãi là sáu tháng/lần và gốc sẽ trả khi đáo hạn.

Thực tế cho thấy, việc phát hành trái phiếu huy động vốn lãi suất cao của DN đang ngày càng nở rộ. Báo cáo tình hình phát hành TPDN bảy tháng đầu năm nay của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, giá trị phát hành TPDN lên đến 179.500 tỷ đồng, với kỳ hạn phát hành bình quân 3,97 năm. Trong đó, chỉ riêng tháng 7-2020, giá trị phát hành của tổ chức tín dụng là 8.134,9 tỷ đồng, chiếm 40,79%; các DN bất động sản là 6.993,9 tỷ đồng, chiếm 35,07%. Giao dịch qua các đại lý vẫn chiếm đa số. Không chỉ làm trung gian phân phối, các quỹ đầu tư TPDN gia tăng đáng kể số mở mới và cả tài sản quản lý.

Mua TPDN được bảo lãnh thanh toán của công ty chứng khoán (CTCK), NH đang là lựa chọn của nhiều NĐT. Một NĐT có thâm niên đầu tư TPDN tại Hà Nội cho rằng, TPDN được chia thành hai loại: “TPDN được bảo đảm” và “TPDN không bảo đảm”. Cụ thể, với “TPDN được bảo đảm”, lãi suất trái phiếu của DN có thể lên tới 14 - 15%/năm được CTCK hoặc NH bảo lãnh, các trái chủ sẽ nhận về lãi suất thấp hơn (khoảng 8 - 9%/năm). Tuy nhiên, trái chủ sẽ được bảo đảm nếu DN không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Còn với “TPDN không bảo đảm”, đến ngày thanh toán mà DN không thực hiện được nghĩa vụ thì NĐT phải chịu nhưng sẽ được hưởng lãi suất rất cao.

NĐT này cũng cho biết, dù biết rõ những rủi ro khi mua loại trái phiếu này nhưng lãi suất cao nên vẫn ham, đặc biệt là trái phiếu của các DN bất động sản và không có quy định gì của Nhà nước thì mình cứ mua và chấp nhận nếu có rủi ro thì mình mất tiền.

Về phía DN phát hành TPDN, đại diện một tập đoàn bất động sản cho biết, thực tế hiện nay, DN này thường chỉ huy động được vốn qua phát hành CP hoặc trái phiếu. Bởi thực tế, DN vay vốn NH hiện nay được cho biết có thể hưởng lãi suất với mức khoảng 10%/năm, nhưng để được vay với lãi suất này phải nói là vô cùng khó, bởi nhiều lý do. DN thậm chí muốn vay NH với lãi suất cao cũng không được chấp nhận. Trong khi đó, DN khi phát hành TPDN được thực hiện bởi CTCK hoặc NH có uy tín với lãi suất cao khoảng 15 - 16%/năm lại khá thuận lợi. Cứ phát hành TPDN khi cần vốn và phát hành liên tục để bù đắp phần thiếu hụt vốn.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và TT vốn HSBC nhìn nhận, trong những năm gần đây, TT TPDN Việt Nam có sự phát triển mạnh. Quy mô của TT TPDN đã tăng mạnh từ mức tương đương 9,01% GDP cả nước trong năm 2018 lên mức 11,3% vào năm 2019. TT phát triển mạnh chứng tỏ TPDN đã thật sự trở thành một phương thức huy động vốn hiệu quả. Kênh trái phiếu hỗ trợ DN huy động vốn để phát triển kinh doanh, giảm dần sự phụ thuộc nguồn vốn tín dụng NH, hỗ trợ các NHTM và DN mọi ngành nghề huy động vốn dài hạn đáp ứng tiêu chí an toàn vốn; giảm áp lực huy động vốn cho hệ thống NHTM; định hướng đầu tư trung và dài hạn, thay vì gửi tiết kiệm ngắn hạn. Nhiều DN đã sử dụng TT trái phiếu làm kênh huy động vốn vì họ không cần đáp ứng những yêu cầu khắt khe như huy động vốn qua kênh phát hành CP hay vay vốn NH. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là NĐT cá nhân khi đầu tư TPDN cần hiểu rõ về bảo lãnh phát hành và bảo lãnh thanh toán để tránh rủi ro.

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, quyền Giám đốc khối phân tích CTCK VN Direct, bảo lãnh phát hành là DN không tự phát hành trái phiếu, mà thông qua một CTCK hay NH bảo lãnh để phát hành và bảo đảm khối lượng trái phiếu phát hành. Nếu phát hành không hết số lượng cam kết thì CTCK hoặc NH sẽ đứng ra mua lượng trái phiếu đó. Nếu nghĩa vụ nợ thuộc về DN sẽ có, nghĩa là CTCK hoặc NH chỉ bảo đảm việc phát hành thành công trái phiếu cho DN và hưởng phí phát hành. Còn bảo lãnh thanh toán nghĩa là bên đứng ra bảo lãnh trái phiếu sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi trái phiếu đến hạn mà DN không trả được nợ cho trái chủ. TT TPDN cần có văn bản pháp lý quy định, hướng dẫn để việc thực thi được chặt chẽ hơn nhằm tránh rủi ro cho các trái chủ, bảo đảm an toàn TT và nền kinh tế.