Nhịp điều chỉnh cần thiết

Phiên giao dịch ngày 26-1, thị trường chứng khoán (TTCK) giảm điểm từ rất sớm. Diễn biến đúng như lo ngại của giới đầu tư, một phiên rũ bỏ đã xảy ra dù mức độ không lớn như phiên ngày 19-1, nhưng cũng đủ để lấy mất toàn bộ hưng phấn về một đợt tăng dài của TT. Điều này cũng có thể tạo ra cảm hứng cho một “game” mùa công bố kết quả kinh doanh…

Nhà đầu tư có lời sẵn sàng bán ra khi thị trường diễn biến xấu. Ảnh: NAM HẢI
Nhà đầu tư có lời sẵn sàng bán ra khi thị trường diễn biến xấu. Ảnh: NAM HẢI

Trước đó, TTCK tiếp tục đón nhận lượng hàng T+3 giá rẻ về tài khoản trong ngày 25-1 và lực bán vẫn đủ lớn để ngăn giá tăng lên. Trọn phiên, VN Index chỉ trồi sụt quanh tham chiếu do mất đi lực đỡ từ nhóm cổ phiếu (CP) dẫn dắt. Thêm rất nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh dịp cuối tuần này, nhưng không phải tin nào cũng đủ sức đẩy giá CP lên. Sàn HoSE chứng kiến tình trạng giằng co kéo dài khi số lượng mã tăng và giảm gần tương đương nhau. Đặc biệt, các blue chip quan trọng trong nhóm tài chính vẫn chìm trong sắc đỏ.

Không có bất kỳ CP ngân hàng (NH) nào tăng giá trong phiên này, chỉ là giảm ít hay nhiều mà thôi. Những CP càng mạnh thời gian qua dường như càng bị bán nhiều và giảm sâu. Đặc biệt, những CP có lượng hàng T+3 lớn và giá thấp về tài khoản bị bán ồ ạt. Nhóm CPNH là yếu tố chính cản trở cơ hội tăng của chỉ số. VN Index tuy giảm rất nhẹ 0,73 điểm nhưng nhóm dẫn dắt đang là vấn đề lớn ảnh hưởng tính bền vững của khả năng phục hồi. Hiện tượng chốt lời đã xuất hiện từ phiên cuối tuần trước và tiếp diễn trong phiên đầu tuần này. Lợi thế của lượng hàng bắt đáy vẫn còn và là rủi ro treo lơ lửng trên đầu nhiều CP.

Kết quả kinh doanh ở nhóm CPNH đã không còn đem lại lực đẩy cho giá và tính đầu cơ cao đang khiến nhóm CP này chịu tác động ngược. Cần nhấn mạnh rằng kỳ vọng là yếu tố được viện dẫn nhiều nhất trong những tháng tăng cuối năm 2020 ở nhóm CPNH. Chỉ trong vài tuần yếu tố cơ bản không hề thay đổi, nhưng kỳ vọng thì thay đổi. Nhà đầu tư (NĐT) chốt lời dẫn đến CP giảm giá, bất chấp kết quả kinh doanh của DN tốt. Yếu tố kết quả kinh doanh vẫn đang tạo điều kiện cho dòng vốn đầu cơ hoạt động mạnh ngoài các mã blue chip.

Sức ảnh hưởng của thông tin kết quả kinh doanh lại tạo sóng mạnh nhất ở nhóm Midcap, một phần vì CP nhóm này vừa có tính đầu cơ như các mã nhỏ, vừa có yếu tố cơ bản nhất định. Hàng loạt CP bắt đầu bứt phá sau vài tuần tích lũy từ đầu năm 2021. Các CP này đã trải qua một đợt chốt lời sớm và đến nay bùng nổ chờ đón tin lợi nhuận.

Mùa công bố kết quả kinh doanh là thời điểm mà CP tăng giá không giống nhau và dòng tiền cũng thay đổi. Những tháng cuối năm 2020 hầu như CP nào cũng tăng, nhưng đây là thời điểm kiểm chứng kỳ vọng mức tăng có hợp lý hay không. Kết quả kinh doanh cả năm sẽ góp phần định giá CP đắt hay rẻ. Do đó, các mã đã tăng quá nhanh thường sẽ bị chốt lời nhiều và điều chỉnh. Ngược lại, các mã gây bất ngờ về lợi nhuận có thể tạo sóng ngắn trước khi giá lên nhanh, đi lại “vết xe đổ” của các CP đã bị xả sớm.

Sang phiên giao dịch ngày 26-1, TT giảm điểm từ rất sớm và đúng như lo ngại của giới đầu tư, một phiên rũ bỏ đã xảy ra dù mức độ không lớn như phiên “thứ ba đen tối”, ngày 19-1. Nhưng phiên sáng 26-1 cũng đủ để cắt toàn bộ hưng phấn về một đợt tăng dài của TT và đủ để tạo ra cảm hứng mới về một “game” mùa công bố kết quả kinh doanh có thể sớm bắt đầu. Với nhiều NĐT chuyên nghiệp hoặc lâu năm, diễn biến phiên sáng 26-1 là điều cần phải có, tức là TT cần có thêm những nhịp điều chỉnh, thậm chí là những phiên rũ bỏ.

Về mặt tâm lý, những phiên rũ bỏ dễ xảy ra bởi sau một chuỗi tăng dài thì nhiều NĐT có lời, họ sẵn sàng bán ra khi TT diễn biến xấu. Điều này sẽ tạo áp lực bán mạnh hơn trong giai đoạn TT lình xình đi ngang.

Chỉ có một điều khó nắm bắt là dòng tiền mới. Với công nghệ hiện đại của các NH và bản thân các công ty chứng khoán (CTCK), việc chuyển tiền mua CP từ tài khoản thanh toán NH sang tài khoản CK để đặt lệnh được tính bằng giây. Điều này khác với trước đây, khi NĐT mua CP thường phải chuyển tiền sang tài khoản tương ứng, nên với những người thạo tin có thể ước tính được dòng tiền đổ vào TT. Giờ đây ước tính khó khăn hơn.

Tuy nhiên về dòng tiền, việc căng margin đã lộ dần. Đang có những nghi ngờ về việc cố tình giảm margin trong phiên giảm điểm ngày 19-1, cho thấy lượng margin không phải là vô hạn và nhiều mã, nhiều CTCK đã đến ngưỡng giới hạn về khả năng cung ứng tiền vay cho NĐT. Quá nhiều yếu tố cộng lại đã dẫn đến nhận định về một đợt điều chỉnh, trong đó có những phiên giảm sốc, nhưng cần thiết như sáng 26-1. Giảm để TT bền vững hơn, nhưng giảm cũng có nghĩa là một “game” mới được mở ra.

Sau phiên sáng lao dốc, ngay khi mở cửa trở lại phiên chiều 26-1, dòng tiền khá mạnh chảy vào TT kéo VN Index hồi phục hơn 10 điểm so mức kết phiên sáng. Tuy nhiên, áp lực bán mạnh đã nhanh chóng trở lại khiến chỉ số lùi lại gần 1.125 điểm sau hơn nửa giờ giao dịch. Tại đây, thanh khoản TT chậm dần và nghẽn lại. Ở phiên giảm mạnh này, thêm một lần thanh khoản bị ách tắc vào đầu giờ chiều, đúng thời điểm TT có dấu hiệu hồi phục đã gây tác động tâm lý xấu đến NĐT.

Chốt phiên, trên sàn HoSE, VN Index giảm 29,93 điểm, xuống 1.136,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 821,38 triệu đơn vị, giá trị 17.518,2 tỷ đồng, tăng 16% về khối lượng và 11% về giá trị so phiên giao dịch đầu tuần. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 39,1 triệu đơn vị, giá trị 1.244 tỷ đồng.