Khối lượng và giá trị giao dịch đều tăng

Việc bùng nổ một cách đầy bất ngờ giúp cổ phiếu (CP) STB trở thành tâm điểm của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 30-3, với mức khớp lệnh cao kỷ lục kể từ khi niêm yết xấp xỉ 100 triệu đơn vị. Cùng với sự tích cực của các blue chip như STB, VN index cũng tăng một mạch gần 11 điểm.

Cổ phiếu STB bùng nổ một cách đầy bất ngờ trở thành tâm điểm của TTCK. Ảnh: NG.ANH
Cổ phiếu STB bùng nổ một cách đầy bất ngờ trở thành tâm điểm của TTCK. Ảnh: NG.ANH

Tuần giao dịch áp chót quý I khởi động rất tích cực trong phiên giao dịch đầu tuần, ngày 29-3. Chỉ còn vài ngày nữa là khóa sổ danh mục quý I nên TT trông đợi một nhịp tăng khi các quỹ đầu tư muốn làm đẹp danh mục. Các CP ngân hàng (NH) sau một tuần khá bết bát đã phục hồi tốt trong phiên này nhờ lực cầu bắt đáy. Tuy nhiên, thiếu đi trụ VCB phần nào ảnh hưởng đến sức mạnh chung. VCB chỉ tăng 0,42% do tuần trước đó cũng chỉ đi ngang.

Nhóm CPNH còn lại rất mạnh, nổi bật là CTG tăng 2,43% so tham chiếu, một phiên tăng này xóa sạch hai phiên giảm trước đó. Nhờ mức tăng cao, CTG đóng góp tới gần một điểm cho VN index. Một CP gây bất ngờ khác là VNM. Đây là blue chip bị lãng quên gần hai tháng nay vì giá rơi vào xu hướng giảm liên tục. CP này rớt khoảng 11,2% giá trị kể từ đỉnh ngày 3-2 vừa qua. Tuy nhiên nhờ mức giảm khá mạnh, VNM lại quay về sát giá thấp nhất hồi cuối tháng 1-2021. Đây là mức hỗ trợ kỹ thuật khuyến khích nhà đầu tư (NĐT) bắt đáy. Phiên này, VNM bật tăng 1,64% so tham chiếu. Nhóm blue chip VN 30 phiên này có nhiều CP tăng mạnh, nhưng lại không phải là các trụ lớn nhất. 

VN30 index đóng cửa ghi nhận mức tăng 1,1% với 29 mã tăng, duy nhất PLX giảm 0,54%. VN index tăng 1,16% tương đương 13,47 điểm. Số lượng mã tăng giá nhiều gấp 5 lần số giảm, chứng tỏ một phiên phục hồi trên diện rất rộng. Một điều khá bất ngờ trong phiên này là TT tăng khá tốt và nhanh về cuối ngày, nhưng hệ thống của HoSE lại không nghẽn. Đợt ATC sàn này khớp khá cao với 317,6 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính là do thanh khoản chung có phần thấp. Giá trị khớp lệnh HoSE phiên này giảm mạnh 14% so phiên trước, chỉ đạt 12.190 tỷ đồng. Giao dịch tại đây phụ thuộc quá nhiều vào nhóm CPNH. Thanh khoản thấp trong phiên này là điều bất ngờ, vì cuối tuần trước CK thế giới bất ngờ quay đầu tăng rất mạnh. Mặt khác, TT trong nước hôm thứ sáu cũng có một đợt bắt đáy mạnh mẽ tại ngưỡng hỗ trợ. NĐT đã có thêm niềm tin vào khả năng giữ vững mốc 1.150 điểm. Tuy nhiên, không phải NĐT nào cũng hăng hái giải ngân, nên giao dịch tụt xuống ngưỡng thấp đáng kể so thông thường. NĐT nước ngoài phiên này cũng không bán nhiều nữa mà tăng mua trở lại. Cả sàn HoSE mức bán ròng chỉ là 153,6 tỷ đồng, còn trong rổ VN30 là 265 tỷ đồng. Vấn đề duy nhất là dòng tiền tỏ ra thiếu tin tưởng vào độ bền của nhịp tăng này. 

Bước sang phiên giao dịch sáng 30-3, sự thận trọng trong khoảng 30 phút đầu đã khiến VN index có nhịp đảo chiều quanh tham chiếu với biên độ hẹp. Tuy nhiên sau đó, lực mua tự tin hơn ở một số CP thanh khoản tốt, cùng một vài trụ đỡ lớn như VIC, CTG, BVH có mức tăng khá trên dưới 2% đã giúp VN index vọt lên trên mốc 1.180 điểm sau hơn một giờ giao dịch.

Nhóm CP TT sau những phút đầu được phủ nhiều sắc tím đã hạ nhiệt, đáng kể như ROS và thậm chỉ là cả CP nóng nhất sàn hiện nay là FLC. Tuy nhiên, lực cầu chảy mạnh ngay sau đó đã hấp thụ hết lượng cung chốt lời, khiến sức nóng của ROS và FLC trở lại khi cả hai tiếp tục lên mức giá trần. Ngoài cặp đôi ROS - FLC, thì DLG cũng đang tạo sóng lớn khi lên mức giá trần 2.300 đồng/CP, khớp hơn 18 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1,6 triệu đơn vị. 

Vượt lên hơn 1.180 điểm sau nửa đầu phiên, TT dần phân hóa hơn và bảng điện tử nghiêng hẳn về số mã giảm. Tuy vậy, với việc CP vốn hóa lớn nhất TT là VIC nới đà đi lên, cùng giao dịch ở các mã thanh khoản tốt vẫn khởi sắc đã thúc đẩy VN index nhích thêm đôi chút lên quanh 1.182 điểm khi kết phiên sáng 30-3.

Việc bùng nổ một cách đầy bất ngờ giúp STB trở thành tâm điểm của TTCK phiên này, với mức khớp lệnh cao kỷ lục kể từ khi niêm yết xấp xỉ 100 triệu đơn vị. Cùng với sự tích cực của các blue chip như STB, VN Index cũng tăng một mạch gần 11 điểm. Thực tế, STB đã giao dịch rất tích cực ngay khi mở cửa phiên này và dẫn đầu thanh khoản toàn TT trong phiên sáng với mức khớp gần 47 triệu đơn vị, tăng gần 4% lên 19.950 đồng/CP.

Song dường như sự tích cực của STB bị lu mờ trước sự ấn tượng của nhóm CP penny, khi nhóm CP này tiếp tục hút rất mạnh dòng tiền, giúp duy trì sự hưng phấn trên TT trước các nhịp rung lắc mạnh, trong đó nổi bật nhất chính là “phong độ” ổn định của các CP họ FLC. Tuy nhiên, bước sang phiên chiều 30-3, STB bỗng dưng như thỏi nam châm hút tiền, bao nhiêu CP được đưa vào thì bấy nhiêu CP lập tức được giao dịch, mỗi đợt khớp lên tới hàng triệu đơn vị và điều đáng nói là sự bùng nổ diễn ra chỉ trong một giờ giao dịch, từ 13 giờ đến 14 giờ. Sự bùng nổ đến ngỡ ngàng giúp STB ghi nhận phiên giao dịch kỷ lục kể từ khi niêm yết trên TTCK từ năm 2016 đến nay với 99,978 triệu đơn vị được khớp lệnh cùng mức giá tăng kịch biên độ (+7%) lên 20.500 đồng/CP, bên bán trắng lệnh và còn dư mua trần hơn sáu triệu đơn vị, vượt mặt nhóm CP họ FLC. Sự tích cực của STB còn lan tỏa sang các CPNH khác.

Đóng cửa, với 270 mã tăng và 165 mã giảm, VN Index tăng 10,68 điểm, lên 1.186,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 780,73 triệu đơn vị, giá trị 16.948,08 tỷ đồng, tăng 18% về khối lượng và 17% về giá trị so phiên 29-3.