Khi dòng tiền kém sôi động

Cuối tuần qua, thị trường (TT) trong nước chỉ diễn biến lình xình, thậm chí có thời điểm bị đẩy xuống dưới mốc tham chiếu trong bối cảnh dòng tiền kém sôi động. Trong khi nhóm cổ phiếu (CP) blue chip vẫn là điểm tựa chính giúp VN Index duy trì đà tăng điểm, thì ở nhóm CP TT đã nổi lên “game” mới tại FLC. 

Tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng trước bối cảnh không mấy khả quan của thị trường quốc tế. Ảnh: NG.ANH
Tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng trước bối cảnh không mấy khả quan của thị trường quốc tế. Ảnh: NG.ANH

Trước đó, mặc dù dòng tiền đổ vào TT phiên giao dịch ngày 12-11 đã yếu đi nhiều, nhưng TT vẫn tiến triển tốt về điểm số nhờ vai trò lớn của một số mã CP ngân hàng (NH). Nhóm CPNH sắp chuyển sàn tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư (NĐT). ACB và SHB trên HNX phiên này bùng nổ mạnh mẽ so các CPNH khác. Không thể nói các mã này tốt hơn VCB hay TCB, mà chỉ đơn giản là nhà đầu cơ (NĐC) đang đặt cược vào hiệu ứng chuyển sàn. 

Hiệu ứng chuyển sàn là điều đã từng xảy ra với nhiều CP, nhưng hầu hết chỉ là hiệu ứng sớm, tức là NĐC tự tạo giá tăng trước khi chuyển sàn do kỳ vọng. Sau khi sang HoSE, giao dịch trở lại bình thường, thậm chí là giảm. Chẳng hạn, LPB từ khi lên sàn HoSE ngày 9-11 vừa qua toàn giảm. Trước khi chuyển sàn, LPB đã có sóng tăng kéo dài gần ba tháng với mức tăng 61,5%. Nếu so giá cuối ở sàn HNX thì NĐT mua LPB mấy phiên gần đây đã lỗ hơn 7%.

Các CPNH còn lại phiên này tăng cũng không có nhiều ấn tượng. CTG tăng 1,64%, MBB tăng 2,47%, VCB tăng 1,77%, TCB tăng 1,36% đơn giản là hai phiên trước vừa giảm. Duy nhất MBB tăng giá đủ mạnh để quay trở lại gần đỉnh cao tháng 10, còn các CP khác vẫn đang lệt bệt ở đáy. Những mã như STB, HDB, EIB, VPB tăng không đáng kể. Những mã giao dịch tốt nhất TT phiên này lại không nằm trong nhóm CP vốn hóa lớn. Cụ thể, trong rổ VN30, REE, MWG, PNJ, SBT và VRE mới là mạnh nhất, đều tăng vượt 2%. Các CP tầm trung ở sàn HoSE cũng thể hiện sức mạnh đáng kể, với 12 mã tăng hết biên độ và khoảng 20 mã tăng trong mức 3 - 5%.

VN Index kết phiên đạt mức tăng 7,06 điểm, tương đương 0,74% và áp sát đỉnh cao cũ. Như vậy chỉ số này lại có cơ hội kiểm tra đỉnh lần nữa. Trong phiên 10-11, chỉ số này đã có một phiên kiểm định đỉnh, lên tới 963,47 điểm trước khi bị đánh bật lùi trở lại. Một điều khá bất ngờ trong phiên tăng mạnh của chỉ số là dòng tiền vào tương đối yếu. Giao dịch phiên này khác hẳn so phiên hưng phấn ngày 10-11, khi giá trị đạt tới hơn 10.000 tỷ đồng và khớp lệnh hơn 9.200 tỷ đồng.

Còn phiên này, giá trị khớp lệnh chỉ đạt 6.488 tỷ đồng và tổng giá trị chỉ hơn 6.900 tỷ đồng. Độ rộng tích cực của TT vẫn rất tốt khi sàn HoSE cứ một mã giảm có 1,49 mã tăng. Nhiều CP tăng giá thì không phải TT yếu. Tuy nhiên, nhu cầu mua đã suy giảm đáng kể mới dẫn đến thanh khoản thấp như vậy. NĐT mua ít đi ở thời điểm này có lẽ vẫn là do lo ngại TT kiểm định đỉnh cũ, CP sẽ bị chốt lời. TT đã một lần giao dịch như vậy hôm 10-11 khi ban đầu giá tăng rất cao, lôi kéo NĐT mua vào nhưng rồi sau đó lại xả cực mạnh. Vì vậy, trừ phi NĐT đã có sẵn CP canh chốt lời, còn các giao dịch mua mới đang được tiết giảm, vì nếu TT vượt đỉnh thành công, cơ hội mua sẽ lại tới.

Với những diễn biến và nhận định khá tích cực, TT đã duy trì đà tăng điểm khi bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần qua, ngày 13-11 và chỉ số VN Index dễ dàng chinh phục ngưỡng 960 điểm nhờ khoảng cách được rút ngắn đáng kể trong phiên giao dịch ngày 12-11. Mặc dù TT chưa tìm lại được sự sôi động như trước, nhưng lực cầu lan tỏa giúp sắc xanh mở rộng cùng nhiều blue chip giao dịch khởi sắc, đã hỗ trợ đà tăng của các chỉ số. Trong khi nhóm CP blue chip vẫn là điểm tựa chính giúp VN Index duy trì đà tăng điểm và chinh phục mốc 960 điểm, thì ở nhóm CP TT đã nổi lên “game” mới tại FLC.

Tuy nhiên, tâm lý NĐT khá thận trọng trước bối cảnh không mấy khả quan từ TT quốc tế khi Phố Wall có phiên lao dốc vào thứ năm, ngày 12-11 bởi những lo lắng trước sự lây lan của dịch Covid-19. Các NHT.Ư hàng đầu trên thế giới cũng đã đưa ra triển vọng thận trọng về nền kinh tế toàn cầu bất chấp những tiến triển trong điều chế vaccine Covid-19 khi số ca nhiễm tăng đột biến ở Anh, châu Âu và Mỹ. TT trong nước không thể bật cao và chỉ diễn biến lình xình, thậm chí có thời điểm bị đẩy xuống dưới mốc tham chiếu trong bối cảnh dòng tiền kém sôi động. Sau gần 80 phút giao dịch, nhóm CP blue chip đang là điểm tựa chính giúp thị trường giữ sắc xanh nhạt. Trong khi đó, ở nhóm CP TT, sau phiên giảm sâu trong phiên kề trước, FLC đã dậy sóng nhờ lực cầu sôi động, giao dịch quanh mức giá trần với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu TT, đạt hơn 17 triệu đơn vị.

Mặc dù có thời điểm bị đẩy về sát mốc tham chiếu nhưng nhóm CP blue chip vẫn là điểm tựa chính giúp VN Index duy trì đà tăng nhẹ. Chốt phiên sáng,  VN Index tăng 3,18 điểm, lên 962,46 điểm. Bước sang phiên giao dịch chiều cuối tuần qua, TT vẫn có biểu hiện thăm dò và diễn biến lình xình trên vùng giá này. Tuy nhiên, chỉ sau gần một giờ giao dịch, lực cầu gia tăng với tâm điểm hướng vào nhóm CP blue chip, đặc biệt là dòng CPNH, tiếp tục hỗ trợ tích cực giúp VN Index nới rộng biên độ tăng và xác lập mức giá cao nhất trong ngày. 

Mặc dù chưa chinh phục được mốc 970 điểm nhưng với giao dịch khởi sắc của TT và việc NĐT nước ngoài trở lại xu hướng mua ròng sau chuỗi ngày dài bán ròng, có thể là những tín hiệu kỳ vọng chuỗi tăng điểm sẽ tiếp tục kéo dài. Kết phiên, VN Index tăng 7,01 điểm, lên 966,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 457,83 triệu đơn vị, giá trị 8.021,83 tỷ đồng, cùng tăng hơn 33% cả về khối lượng và giá trị so phiên kề trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 38,15 triệu đơn vị, giá trị 847,85 tỷ đồng.