Khi dòng tiền chảy vào các mã “nóng”

Sau ba phiên giảm liên tiếp, nhất là phiên sụt mạnh đầu tuần (ngày 11-11), thị trường (TT) đã phục hồi nhờ lực kéo của nhóm cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH) và CP dầu khí (DK) trong phiên giao dịch ngày 12-11. Trong đó, phải kể tới việc VHM tăng giá khi chưa có CP lớn nào thay thế nâng đỡ VN Index. Tuy nhiên, nếu VHM gia nhập nhóm các blue chip lớn nhất điều chỉnh giảm, VN Index sẽ khó cưỡng lại được đà giảm.

Không ít nhà đầu tư cho rằng thị trường sẽ có sự điều chỉnh ngắn hạn sau khi vượt mốc 1.000 điểm. Ảnh: NG.ANH
Không ít nhà đầu tư cho rằng thị trường sẽ có sự điều chỉnh ngắn hạn sau khi vượt mốc 1.000 điểm. Ảnh: NG.ANH

Tốc độ giảm đã gia tăng trong phiên đầu tuần, ngày 11-11, khi nhóm CP vốn hóa lớn kéo VN Index thoái lui. Phần lớn CP cũng lũ lượt giảm theo. Trong số các CP vốn hóa lớn đưa VN Index vượt 1.000 điểm, phiên này vẫn còn VHM tăng 0,2%. CP này cũng chỉ tăng được ở phút đóng cửa và nhờ đó, duy trì lực đỡ nhỏ đối với chỉ số. Nếu không có VHM, mức giảm chắc chắn sẽ lớn hơn 5,74 điểm. Thực tế vẫn còn một vài mã nữa tăng, nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều lắm tới TT.

CP tăng bất thường nhất là ROS, đóng cửa vọt lên trên tham chiếu 1,6%. ROS cũng gần như SAB, rất khó biết lúc nào sẽ biến động giật cục kiểu như vậy. Trong phiên ROS toàn giảm, chỉ khi đóng cửa mới được kéo lên. Các blue chip còn lại phần lớn là giảm, với sức ép lớn nhất đến từ VIC. CP này sụt giảm 1,33%, mức mạnh nhất kể từ đầu tháng 10. Nhóm CP được kỳ vọng nhất là CPNH, khả dĩ thay thế các CP lớn khác, thì giao dịch quá yếu.

Ba CP lớn khác giảm rất sâu là SAB giảm 1,88%, MSN giảm 2,99%, GAS giảm 1,32%. Chỉ số VN30 Index đại diện các blue chip sàn HoSE đóng cửa giảm 0,53%, xác lập mức giảm mạnh nhất trong 15 phiên. Đặc biệt số CP giảm giá nhiều gấp 2,4 lần số CP tăng. Với phần lớn blue chip giảm, VN Index giảm là điều không bất ngờ. Tuy nhiên, nhà đầu tư (NĐT) sẽ cảm thấy khó chịu hơn vì có quá nhiều CP khác giảm theo, bất kể là trước đó giá có tăng theo VN Index vượt 1.000 điểm hay không. Các mã đầu cơ dĩ nhiên chịu tác động rõ nhất vì nhóm này chỉ khỏe khi TT chung tích cực hoặc đi ngang.

Mất 5,74 điểm phiên này, VN Index bước sang phiên giảm thứ 3 liên tiếp, nhưng thực tế hai phiên trước mức giảm quá nhỏ, không tạo nhiều cảm giác điều chỉnh. Phiên này mức giảm vừa mạnh hơn, vừa kéo theo rất nhiều CP giảm giá. Do đó, ấn tượng về phiên điều chỉnh cũng trở nên sâu sắc hơn, mặc dù so các phiên giảm tháng 8, tháng 9 vừa rồi, hơn 5 điểm không phải là nhiều. Việc VN Index được kéo mạnh qua mốc 1.000 điểm nhờ các CP vốn hóa lớn luôn tạo cảm giác lo lắng cho NĐT vì “lỡ” các mã này quay đầu, TT chung sẽ bị ảnh hưởng. Có thể thấy hàng trăm CP giảm giá phiên này không nhất thiết là bám sát nhịp tăng của các mã trụ. Mặc dù không ít NĐT cảm thấy TT có nguy cơ điều chỉnh ngắn hạn sau khi vượt xa mốc 1.000 điểm, nhưng diễn biến điều chỉnh bình thường sẽ trở nên khó khăn hơn khi các CP không tăng thì bây giờ cũng giảm.

Thông thường, sau khi vượt được một mức kháng cự mạnh như ngưỡng 1.000 điểm TT rất dễ điều chỉnh để kiểm định lại, biến mốc kháng cự trước đó thành mức hỗ trợ. Nhiều phân tích từ các công ty chứng khoán cho rằng “điều chỉnh là cần thiết”, nhưng với các NĐT chưa được hoặc được hưởng rất ít cảm giác tăng tuần trước thì có thể lại là thiệt hại. Vì vậy, cảm giác đón nhận việc TT rời đỉnh để đi vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn sẽ rất khác nhau.

Trong phiên giao dịch ngày 12-11, khi chưa có CP vốn hóa lớn nào thay thế, VN Index bớt xấu vẫn là nhờ VHM tăng giá. CP này sau tám phiên tăng mạnh liên tục, cuối tuần trước mới giảm 1,01% thì phiên này lại tăng 0,2%. Nếu VHM gia nhập nhóm các blue chip lớn nhất điều chỉnh giảm, VN Index sẽ khó cưỡng lại được đà giảm nhanh hơn.

Sau ba phiên giảm liên tiếp, nhất là phiên sụt mạnh đầu tuần này, TT đã phục hồi nhờ lực kéo của nhóm CPNH và dầu khí trong phiên này. Mức tăng rất nhẹ 1,58 điểm cho thấy đà phục hồi vẫn kém tin cậy. Nhóm CPNH phiên này thực tế vẫn phân hóa tăng giảm đáng kể, nhưng xuất hiện CP xuất sắc là BID. Tăng 1,94% mạnh nhất nhóm, BID cũng xác lập mức tăng mạnh nhất sáu phiên.

Nhóm CPDK có hai CP chính tăng là GAS tăng 0,67% và PLX tăng 0,85%. Đây cũng là hai trường hợp cá biệt giống CPNH. Các mã CPDK khác tăng không đáng kể hoặc không tăng. VIC tăng 0,42%, MSN tăng 0,67% là tất cả những gì còn lại của nhóm trụ. Như vậy, bản chất phiên phục hồi tăng điểm của VN Index vẫn chỉ tập trung vào các CP vốn hóa lớn. VN30 Index tăng hầu như không đáng kể (0,01%) cũng phần nào thể hiện sự phân hóa và tình trạng yếu của nhóm blue chip nói chung. Đặc biệt, VHM giảm 0,91%, VNM giảm 1,39% đã khiến VN Index chịu ảnh hưởng đáng kể.

VN Index tăng 1,58 điểm là quá nhẹ đối với một ngày đảo chiều phục hồi nhưng nhóm đầu cơ bất ngờ thu hút chú ý của dòng tiền. Khá nhiều CP giao dịch rất nóng ở giá kịch trần và thanh khoản lớn. Hiện tượng các CP đầu cơ đột nhiên tăng rực rỡ trong khi các blue chip vất vả trụ giá giữ chỉ số là tín hiệu thường thấy khi dòng tiền thoát khỏi nhóm blue chip để hướng vào các mã CP “nóng”. VN Index sau khi rời khỏi đỉnh cao 1.029 điểm vẫn chưa cho thấy khả năng đã kết thúc điều chỉnh hay chưa. Các CP lớn còn sót lại cho đến lúc này chỉ là BID, với thông tin hỗ trợ mới nhất vừa công bố.