Giao dịch giằng co

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội và không ít diễn đàn xuất hiện những “tuyên bố” thanh lý tài khoản và rút ra ngoài thị trường (TT). Điều may mắn có vẻ đang diễn ra khi những lo ngại kể trên là chưa quá lớn, một nhịp điều chỉnh sau là cơ hội mở ra một “game mới”. Phiên ngày 22-4, khi TT lao dốc thì lực cầu đã vào khá mạnh khiến thanh khoản của phiên tăng lên và sang phiên cuối tuần qua, khi TT cứ mỗi lần giảm điểm thì lực cầu lại xuất hiện.

Nhiều nhà đầu tư đang mạnh tay bán ra. Ảnh: SONG ANH
Nhiều nhà đầu tư đang mạnh tay bán ra. Ảnh: SONG ANH

Trước đó, bất chấp các thông tin lợi nhuận quý I - 2021 xuất hiện dồn dập từ ngày 20-4, trong phiên giao dịch ngày 22-4, nhà đầu tư (NĐT) vẫn hết sức cảnh giác trước việc quy mô margin đang lên cao kỷ lục. Nếu các công ty chứng khoán (CTCK) chạm ngưỡng giới hạn tức là dòng tiền không tăng thêm được.

Điểm thú vị nhất trong phiên này là TT phản ứng ngược hoàn toàn với những gì diễn ra cùng thời điểm. Thí dụ, HPG đại hội cổ đông công bố con số lợi nhuận tới 7.000 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kỳ. Giá HPG ban đầu tăng vọt 1,22% nhưng sau đó “tụt dốc” nhanh. Lực bán dâng cao cứ như thể NĐT chỉ chờ công bố số liệu là xả. HPG đóng cửa giảm tới 3,85% so tham chiếu, tức là riêng trong phiên này đã khiến NĐT “bốc hơi” 5,01% giá trị cổ phiếu (CP) hiện nắm giữ.

CP ngân hàng (NH) cũng không là ngoại lệ, vốn đã rơi từ tuần kề trước, đến phiên này, CPNH càng được dịp giảm mạnh thêm. Các CP trụ còn lại cũng không hơn gì: VIC giảm 3%, VHM giảm 5,06%, VNM giảm 1,31%, GAS giảm 2,5%, SAB giảm 1,41%, MSN giảm 6,92%...

Dưới sức nặng của quá nhiều blue chip, VN Index giảm tới 3,19% so tham chiếu, tương đương giảm 40,46 điểm. Phiên này, thanh khoản cũng bất ngờ khá thấp. Cụ thể, sàn HoSE khớp lệnh buổi sáng 22-4 chỉ đạt 9.391,7 tỷ đồng, thấp nhất từ đầu tháng 4. Đây là điều đáng chú ý vì khi kết quả kinh doanh xuất hiện hàng loạt, đáng lẽ thanh khoản phải tăng do người mua vào nhiều... 

Diễn biến nửa đầu phiên sáng có thể xem là lời cảnh báo, vì TT đang phản ứng ngược với suy luận thông thường. NĐT mua ít hơn, giá tăng ngắn ngủi đã gặp ngay khối lượng bán lớn. Khi TT suy sụp thì thanh khoản bắt đầu tăng vọt trong buổi chiều. Đó là do NĐT đã phải cắt lỗ mạnh tay hơn.

Rõ ràng phiên này đã khiến kỳ vọng kết quả kinh doanh quý I là lực đỡ mất hết hiệu lực. Lời lãi cuối cùng NĐT cũng biết, nhưng không còn coi trọng nó. Điều này dẫn tới một suy luận đáng ngại hơn, là nếu vài tuần tới không còn thông tin gì tốt hơn, TT có thể suy yếu hơn.

Mặt khác, con số cả trăm nghìn tỷ đồng margin đến cuối tháng 3 là mức cao đáng sợ. Cần phải thấy rằng tháng 3 là thời điểm TT đi ngang, VN Index còn chưa vượt được đỉnh 1.200 điểm. Sang tháng 4, khi số liệu không còn phản ánh vào báo cáo tài chính nữa, TT lại bùng nổ vượt đỉnh. Hoàn toàn có thể là mức sử dụng đòn bẩy còn cao hơn nữa, vì NĐT nghĩ rằng TT vào sóng tăng mới. Đây có thể là nguyên nhân đưa thanh khoản những ngày qua vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng liên tục. Trong tám phiên vừa qua (tính từ thời điểm HoSE tăng công suất) ngưỡng khớp lệnh bình quân phiên là 22.510 tỷ đồng. Trước đó, hai sàn chưa bao giờ vượt qua được con số khớp lệnh 19.000 tỷ đồng.

Nếu quả bóng margin đang được thổi quá căng thì tình thế sẽ trở nên nguy hiểm. Cũng phải chú ý là giá CP từ hơn 10 ngày trung tuần tháng 4 không có tiến triển gì nhiều, bất chấp VN Index tăng cao hơn. Do kéo trụ là chính nên CP còn lại không tăng. Lúc này đà giảm lại mạnh, sức ép thua lỗ đối với phần margin sẽ đột biến. 

Áp lực bán khá lớn khiến VN Index khó khởi sắc và diễn biến rung lắc quanh vùng giá 1.220 điểm trong suốt cả phiên giao dịch sang cuối tuần qua, ngày 23-4. Đáng chú ý, nhóm CP họ FLC đã có những tín hiệu tích cực, trong khi HAG vẫn bị bán tháo mạnh. TT vẫn đang tìm điểm cân bằng sau cú lao dốc rất sâu ngày 22-4. Điều may mắn là việc rớt điểm mạnh chỉ đơn thuần là nguyên tắc “lên nhanh thì giảm nhanh” chứ không kèm theo tin xấu.

Điểm tiếp theo là dòng tiền liệu có rút ra khỏi TT hay không, đây là điều không nên bỏ qua vì dòng tiền mới (F0) chính là động lực để VN Index lập đỉnh. Thời gian gần đây, trên mạng xã hội và không ít diễn đàn xuất hiện những “tuyên bố” thanh lý tài khoản và rút ra ngoài TT. Điều may mắn có vẻ đang diễn ra khi những lo ngại kể trên là chưa quá lớn, một nhịp điều chỉnh sau là cơ hội mở ra một “game mới”. Phiên ngày 22-4, khi TT lao dốc thì lực cầu đã vào khá mạnh khiến thanh khoản của phiên tăng, và sang phiên cuối tuần qua, khi TT cứ mỗi lần giảm điểm thì lực cầu này lại xuất hiện.

Trong phiên sáng 23-4, một số mã blue chip hồi phục đã giúp TT khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, đà tăng kém bền vững trước lực bán vẫn diễn ra trên diện rộng khiến VN Index nhanh chóng quay đầu ngay khi chạm mốc 1.230 điểm. Xu hướng bán mạnh tiếp tục dâng cao khiến hàng trăm mã chìm trong sắc đỏ. Chỉ số VN Index bị kéo tụt xuống dưới mốc 1.220 điểm và lại bật nẩy trở lại ngay khi thủng ngưỡng kháng cự này. TT không quá giảm sâu và giao dịch giằng co, liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu nhờ sự hỗ trợ tích cực của nhóm CP VN30 khi phần lớn đã đảo chiều hồi phục.

Phiên chiều cuối tuần qua diễn ra trong đà tăng mạnh của nhóm CP blue chip, đặc biệt là dòng CPNH đã giúp TT bật cao, chỉ số VN Index áp sát mốc 1.250 điểm khi tăng hơn 20 điểm. Chốt phiên, sàn HoSE có tới 305 mã tăng và chỉ 115 mã giảm, VN Index tăng 20,71 điểm, lên 1.248,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 716,52 triệu đơn vị, giá trị gần 20.090 tỷ đồng, giảm 6,98% về khối lượng và 2,77% về giá trị so phiên ngày 22-4.