Dòng tiền tốt nâng đỡ thị trường

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 4-9, diễn biến giảm mạnh bất ngờ của thị trường (TT) quốc tế đã ảnh hưởng nhiều đến TT trong nước. Tuy vậy, lực cầu bắt đáy đã giúp TT ổn định lại khá nhanh. Phiên này, việc trụ được trên mốc 900 điểm là kết quả rất tích cực giúp TT trong nước vượt qua được những ảnh hưởng từ bên ngoài và giao dịch ổn định.

Nhà đầu tư vẫn tích cực giao dịch khi VN Index vào vùng kháng cự.
Nhà đầu tư vẫn tích cực giao dịch khi VN Index vào vùng kháng cự.

Trước đó, thanh khoản trong phiên giao dịch ngày 3-9 đổ dồn vào nhóm blue chip đã đẩy chỉ số VN30 Index tăng 1,4%, mạnh nhất trong bảy phiên. VN Index cũng hưởng lợi đáng kể, tăng 1,37% lên mốc 903,97 điểm. Đóng cửa phiên này, VN Index đã vượt qua ngưỡng tâm lý 900 điểm và cũng là mốc đóng cửa cao nhất kể từ đầu tháng 6-2020. Tuy vậy nếu tính về dao động thì đỉnh cũ tháng 6 nằm trong khoảng 900 - 905 điểm. Thực tế mức cao nhất VN Index đạt được ngày 8-6 là 905,65 điểm. Vì vậy TT đang đi thẳng tới thời điểm chinh phục đỉnh cũ. Mức tăng 12,24 điểm của VN Index phiên này cũng là mạnh nhất bảy phiên. Đóng góp lớn nhất dĩ nhiên vẫn là các trụ: VCB tăng 3,86%, VIC tăng 1,94%, BID tăng 1,93%, VHM tăng 1,14%, VNM tăng 1,22%, SAB tăng 2%.

Trong số này, VNM đã ghi dấu ấn bằng phiên vượt đỉnh cao đầu tháng 6 và xác lập mức cao nhất kể từ đầu năm. VCB tuy tăng rất mạnh nhưng vẫn thấp hơn đỉnh tháng 6 khoảng 3,79%. Kể từ đáy gần nhất ngày 27-7 vừa qua, VNM đã tăng tổng cộng 20,6%, lọt vào nhóm blue chip mạnh nhất TT. Thanh khoản cũng tăng vọt trong nhóm VN30, xác nhận có dòng tiền quay lại tương xứng sự bùng nổ về giá. Nhóm này khớp lệnh tăng 33% so phiên kề trước, đạt 3.171 tỷ đồng, mức cao nhất 28 phiên. 

Với sức mạnh từ các blue chip giao dịch sôi động trở lại, cơ hội để VN Index thoát khỏi vùng đỉnh tháng 6 là rất cao. Hiện đang có sự đồng thuận từ các cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn nhất TT. Trong bảy CP vốn hóa lớn nhất TT (bảy mã vốn hóa hơn 100.000 tỷ đồng) thì phiên này chỉ sót lại GAS tăng nhẹ 0,53%. Nếu mở rộng ra top10 vốn hóa thì cũng chỉ có thêm CTG giảm và HPG tăng khá yếu 0,81%, còn lại đều tăng hơn 1%.

Với ngưỡng đóng cửa 903,97 điểm, VN Index chỉ cần tăng rất nhẹ phiên cuối tuần qua là sẽ thoát hẳn ra khỏi vùng đỉnh cũ. Đây sẽ là tín hiệu mạnh mẽ thôi thúc các nhà đầu tư (NĐT) còn do dự mua vào. Mặc dù VN Index phiên này tiến thẳng vào vùng kháng cự 900 - 905 điểm nhưng NĐT vẫn rất hào hứng giao dịch. Tổng giá trị chuyển nhượng hai sàn lên tới hơn 8.238 tỷ đồng, trong đó thỏa thuận 1.563 tỷ đồng. Như vậy mức khớp lệnh vẫn trong khoảng 6.675 tỷ đồng, tăng 25,3% so phiên kề trước và duy trì ổn định trên ngưỡng 6.000 tỷ đồng. Thanh khoản duy trì mức rất cao sang phiên thứ 8 liên tục, nhưng vẫn chưa xuất hiện sự đột biến nào. Thông thường, nếu hoạt động xả hàng ồ ạt diễn ra thì thanh khoản sẽ nổi bật như ở thời điểm tháng 6 có phiên vượt 8.000 tỷ đồng, thậm chí lên 10.000 tỷ đồng…

Sang phiên giao dịch cuối tuần qua, diễn biến giảm mạnh bất ngờ của TT quốc tế đã ảnh hưởng nhiều đến TT trong nước. Tuy vậy, lực cầu bắt đáy lúc giảm đã giúp TT ổn định lại khá nhanh. VN Index phiên này giảm nhẹ nhất so các TT khác trên thế giới.

TT trong nước đã chịu tác động không nhỏ từ diễn biến chung. Ban đầu áp lực bán tăng cao khiến VN Index giảm 1,12% ngay vài phút sau khi mở cửa. Lực cầu sau đó giúp chỉ số này phục hồi khá, nhưng suốt cả buổi sáng, VN Index chật vật xoay quanh ngưỡng 900 điểm. Phải đến chiều 4-9, TT mới ổn định được dù điểm số vẫn giảm. Kết phiên VN Index mất 2,43 điểm, tương đương 0,27%, xuống 901,54 điểm.

Sàn HoSE lúc đóng cửa cứ một CP giảm chỉ có 0,55 CP tăng, nghĩa là số lượng mã giảm áp đảo. Tuy vậy mức giảm đã được thu hẹp rất nhiều. VN Index bớt giảm tới gần 1% so với đáy, VN30 Index cũng bớt giảm 0,84%. Chỉ số của nhóm blue chip đóng cửa giảm nhẹ 0,37% và đã có được bảy CP vượt lên trên tham chiếu, 21 mã khác vẫn đang giảm. 

Vài trụ đã quay đầu tăng tốt giúp nâng đỡ các chỉ số khá hiệu quả. Tiêu biểu là VHM quay đầu tăng 0,5% so tham chiếu, VNM tăng 0,24%, VRE tăng 1,42%, MSN tăng 1,62% và CTG tăng 0,19%, SSI tăng 0,98%. Mức tăng dù rất nhẹ nhưng nếu so với đáy, tất cả các CP này đều đang rất nỗ lực. VCB và GAS là hai mã lớn yếu nhất phiên, đóng cửa giảm tương ứng 1,51% và 1,58%. SAB, VIC, BID giảm nhẹ. Các chỉ số giảm chủ yếu vì số lượng CP giảm giá nhiều, sức ép từ các trụ lớn là không rõ rệt.

Nhìn chung, TT đã không xảy ra tình trạng bán tháo trong phiên cuối tuần qua, thậm chí các CP đầu cơ cũng khá ổn định. Nhóm giảm sàn chỉ có HAP là đáng chú ý vì vẫn bị bán sàn rất lớn. Phần nhiều các mã đầu cơ chỉ giảm từ ngưỡng 3% trở xuống, mức giảm bình thường đối với nhóm này. 

Trụ được trên mốc 900 điểm trong phiên này sau một thời gian dài lao dốc trong phiên là kết quả rất tích cực. TT trong nước đã vượt qua được những ảnh hưởng từ bên ngoài và giao dịch ổn định. Điều này vẫn mở ra khả năng VN Index vượt qua ngưỡng 900 - 905 điểm.

Nếu phiên này TT sụt giảm mạnh hoặc bị bán tháo thì cũng không phải là bất thường. Tuy nhiên giao dịch lại không như vậy. Áp lực giảm chủ yếu là diễn ra trong những phút đầu. Nhịp phục hồi cuối phiên cho thấy khả năng nâng đỡ của dòng tiền vẫn tốt và đây là cơ sở cho cơ hội tăng trong các phiên tới nếu như TT chứng khoán quốc tế không rối loạn thêm nữa.