Làm giá với... O đồng vốn

Nói đến việc làm giá cổ phiếu (CP), nhiều nhà đầu tư (NĐT) hẳn sẽ nghĩ đến các “đội, nhóm” hay “cá mập” lắm tiền nhiều của tìm cách đẩy giá CP tăng mạnh, tạo thanh khoản “khủng”. Nhưng trên thực tế lại có cách làm giá hoàn toàn trái ngược khi đối tượng chẳng cần bỏ một đồng vốn nào.

Người từng là Chủ tịch HĐQT của một doanh nghiệp (DN) lớn kể lại, ông từng nhận được lời đề nghị từ một đội làm giá về việc… cho mượn khoảng một triệu CP để làm thanh khoản. Đề nghị được đưa ra là vị sếp này sẽ cho đội kia được sử dụng số CP để mua qua bán lại nhằm tạo thanh khoản, kèm theo đó là việc cung cấp một số thông tin khả quan để thu hút sự chú ý của CP. Còn muốn sử dụng một triệu CP mà không cần vốn cũng rất đơn giản, chỉ cần đem đi làm tài sản thế chấp tại công ty chứng khoán (CTCK) và vay tiền để “xào xáo” số CP này.

Sẽ có ý kiến cho rằng, việc mua bán CP sẽ phải chịu thêm phí giao dịch thì cũng không hẳn là “tay không bắt giặc”. Thực tế, phí này chỉ là chuyện nhỏ, vì giao dịch càng lớn, phí càng nhỏ, chưa kể tiền lãi từ làm giá dư sức bù đắp. Mô hình làm giá này được ví như “siêu lợi nhuận” và được đồn đoán là đã được áp dụng trong một số trường hợp. Nhưng lợi nhuận cao, đi kèm rủi ro lớn và những hậu quả nặng nề.

Thứ nhất, bên “cho mượn” CP đồng nghĩa với việc biến CP của mình trở thành hàng đầu cơ, qua đó có thể tổn hại đến uy tín, thương hiệu và hình ảnh DN. Một số người “cho mượn” có suy nghĩ rằng, giá trị CP có thể lớn với “đội lái”, nhưng khá thấp với mình, do mua với giá gốc (cổ đông nội bộ) nên lỡ có chuyện xảy ra thì thiệt hại kinh tế là không đáng kể. Nhưng cũng nên biết rằng, nếu để CP dính “phốt” chỉ một lần cũng có thể khiến DN khó tiếp cận các NĐT có xu hướng thận trọng, bài bản. Chắc chắn các quỹ lớn khi nghĩ đến việc hợp tác với DN sẽ phải đắn đo trước việc CP có khả năng bị biến thành hàng đầu cơ hay không.

Thứ hai, việc CTCK cấp margin, với những trường hợp CP thanh khoản cao, nhưng bị giảm sàn 30 phiên và mất thanh khoản như FTM thì CTCK là nơi lãnh đủ. Báo Thời Nay đã từng phân tích rằng, 200 tỷ đồng margin mà các CTCK cấp cho CP nếu chia cho khoảng 10 CTCK thì thiệt hại mỗi bên “chỉ” khoảng 20 tỷ đồng. Con số đó không phải là lớn so nguồn vốn của CTCK. Tuy nhiên, lỗ hổng về hệ thống quản trị, quy trình cũng như khả năng của đội ngũ quản lý lại bị đặt câu hỏi lớn.

Dân chứng khoán không lạ gì việc một số nhân sự cao cấp trong ngành bỗng dưng dịch chuyển sang đơn vị khác, hoặc nghỉ việc. Hay như một CTCK “nai lưng” để làm mới lãi được gần trăm tỷ đồng, bỗng nhiên dính một cú như FTM và mất một khoản lãi đáng kể. Một trong những nguyên nhân xuất phát từ việc những người này buông lỏng việc xét duyệt margin, để tạo ra những khoản nợ margin rất khó thu hồi như trường hợp của FTM. Những trường hợp như vậy ít được biết đến cũng do CTCK không muốn “tiếng dữ đồn xa”.

Đây cũng chính là mặt trái của việc chạy theo doanh số và các chỉ tiêu ngắn hạn mà CTCK khoán xuống cho đội ngũ môi giới.