IR đẩy giá

Hoạt động quan hệ nhà đầu tư (investor relations - IR) thường được nhắc đến với nhiều ảnh hưởng tích cực cho doanh nghiệp (DN), cổ đông hay giá cổ phiếu (CP). Nhưng ít ai nhắc đến những rủi ro tiềm ẩn từ IR mà nếu trở thành hiện thực cũng để lại những hệ lụy không nhỏ.

Bài học đắt giá

Nhiều người hẳn không quên vụ lãnh đạo Công ty cổ phần Dược Viễn Đông (DVD) làm giá CP và đây là vụ làm giá đầu tiên bị xử lý hình sự gần chục năm trước. Khi DVD tăng giá vùn vụt, CEO Lê Văn Dũng của DVD cũng thường xuyên xuất hiện trước công chúng để nói về các kế hoạch mua bán, sáp nhập (M&A) của DN mình, và được tiếng là… cởi mở với nhà đầu tư (NĐT).

Tương tự, cách đây ba năm, scandal thiếu hụt gần 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho sau khi được kiểm toán lại của Gỗ Trường Thành (TTF) cũng gây sốc trên thị trường chứng khoán (TTCK) bởi hai lý do:

Thứ nhất, TTF đã tăng giá rất mạnh, tính bằng lần (khoảng 5 lần), trước khi scandal xảy ra, và được xem là CP triển vọng. Thứ hai, TTF là đơn vị được đánh giá khá tốt về hoạt động IR, lãnh đạo cũng thường xuyên gặp gỡ NĐT và được đánh giá là thân thiện.

Chưa kể, báo cáo thường niên của DN này có năm còn được đánh giá là ấn tượng. IR là công cụ tốt, nhưng nếu sử dụng sai mục đích thì cũng có thể góp phần trong việc bơm đẩy giá CP và gây ra rất nhiều thiệt hại. Do tự thân IR không thể là công cụ duy nhất để đẩy giá CP mà phải có sự phối hợp nhiều công cụ khác như tạo cung - cầu ảo, xào nấu báo cáo tài chính... nên nó ít khi được xem là nguyên nhân chính. Nhưng cũng chính vì vậy mà IR có thể trở thành điểm nhấn cho những kế hoạch làm giá tinh vi.

Công cụ tinh vi

Thước đo cho hoạt động IR của DN hiện nay thường nằm ở các tiêu chí như sự cởi mở của các lãnh đạo, tốc độ chuyển tải và chất lượng thông tin. Với hai yếu tố đầu tiên, phần lớn các DN có đội ngũ chuyên thực hiện IR đều đã thực hiện khá tốt, thậm chí lãnh đạo DN có kém thân thiện thì khi gặp NĐT cũng phải xởi lởi, vui cười, việc công bố thông tin kịp thời cũng là điều bắt buộc bởi không làm sẽ bị cơ quan quản lý xử phạt. Nhưng chất lượng thông tin lại là một yếu tố chứa đựng nhiều rủi ro.

Khi tiếp cận thông tin từ DN chia sẻ, nhiều NĐT, trong đó có cả NĐT tổ chức thường bị cuốn vào đó bởi… cách kể chuyện hơn là nội dung câu chuyện. Đã từng có câu chuyện rằng, một chuyên viên phân tích phụ trách ngành cao-su nhưng khi đi thực tế tại rừng lại không nhận diện được cây cao-su.

Với các NĐT tổ chức, không phải đơn vị nào cũng có sự am hiểu sâu sắc trong mọi ngành nghề, có những đơn vị chỉ vững về nghiệp vụ tài chính. Đây cũng chính là “cơ hội” hoặc cũng là “kẽ hở” cho những câu chuyện “hay hay” có thể chinh phục được những NĐT tổ chức, dù rằng với dân trong nghề nghe có vẻ không hiệu quả, thậm chí phi lý. Với những chiến lược 2 - 3 năm hay 5 - 10 năm phải cần nhiều thời gian thì rất khó để kiểm chứng.

Đó cũng là lý do mà đôi khi chỉ cần DN chịu khó gặp NĐT từ lớn đến nhỏ lẻ, từ tổ chức đến cá nhân để kể chuyện cho thật hùng hồn, chỉ cần một vài NĐT đầu tiên tin và hành động thì sẽ kéo theo nhiều người khác. Và từ đây, nếu có một ý đồ sử dụng IR, chia sẻ thông tin nhằm đẩy giá CP thì nó sẽ rất tinh vi và khó bị nhận diện.