“Đu sóng” sốt đất

Trước những cơn sốt đất liên tục diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố, “bất động sản” nơi đang được xem là từ khóa có sức tìm kiếm lớn trong giai đoạn hiện nay. Song liệu nắm giữ cổ phiếu (CP) bất động sản (BĐS) có là một trong những lựa chọn sáng suốt?

Bất chấp diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động rộng khắp đến nền kinh tế khiến nhiều ngành nghề điêu đứng, giá BĐS, nhà ở trong năm 2020 vẫn tăng chóng mặt. Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, sự biến động càng bất thường hơn khi nhiều địa phương ghi nhận hiện tượng giá đất tăng bất thường, không theo quy luật nào cả.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, qua khảo sát cho thấy, giá đất ở nhiều nơi tăng trung bình 10% sau một tháng, thậm chí một số nơi tăng hai đến ba lần chỉ trong một hai tháng. Nhiều người dân bỏ kinh doanh, sản xuất để lao vào đầu tư đất, tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đầu tư BĐS. 

Còn trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều người có số vốn ít hơn đã lựa chọn đầu tư vào CP BĐS. Đây cũng được xem là hình thức “đón sóng” sốt đất.

Thực tế, trước sức nóng của BĐS, nhiều CP BĐS cũng đã bất ngờ bật tăng mạnh mẽ trái với diễn biến giằng co chung của TT, đặc biệt là nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Điển hình nhất cho sự “làm mưa, làm gió” trên TTCK thời gian qua phải kể đến nhóm CP “họ” FLC, mà nổi bật là mã FLC của Tập đoàn FLC và ROS của FLC Faros.

Kể từ đầu tháng 3 đến nay, FLC đã ghi nhận mức tăng mạnh mẽ từ vùng giá hơn 6.000 đồng/CP lên 9.180 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 23-3), tương đương tăng 53%. Tương tự,  kể từ đầu tháng 3 đến nay, ROS - “người anh em” của FLC, cũng kịp thời tăng tới hơn 31% giá trị, với thanh khoản ở mức vài chục triệu đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên bất chấp sự cố nghẽn lệnh diễn ra liên tiếp trên HoSE.

Không có thanh khoản đột biến như ROS hay FLC, nhưng mã VHD lại là “quán quân tăng giá”. Trong những ngày giao dịch vừa qua của tháng 3, VHD đã ghi nhận mức tăng hơn 143% từ mức giá 6.500 đồng lên 15.800 đồng/CP.

Nhiều CP của các công ty BĐS có quỹ đất lớn khác như: NVL, HDG, DXG… cũng ghi nhận mức tăng trung bình khoảng 10% kể từ đầu tháng 3 tới nay.

Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, trong đó có TT BĐS, kéo theo đa số các doanh nghiệp (DN) BĐS niêm yết phải đối mặt với khó khăn khi doanh thu và lợi nhuận đều giảm, thậm chí thua lỗ. Khi DN gặp khó khăn thì CP trên TTCK cũng khó khởi sắc. Thực tế, năm 2020 được đánh giá là năm “đại thắng” của TTCK nhưng dường như nhóm CP BĐS lại khá trầm lắng. Tuy nhiên, cục diện đã thay đổi khi bước vào những tháng đầu năm 2021, đặc biệt là những ngày đầu tháng 3 khi “cơn sốt đất” quay trở lại tại hầu hết các địa phương trên cả nước.

Điều này được kỳ vọng có thể làm tiền đề cho CP BĐS trên TTCK bứt phá, đặc biệt là những DN có quỹ đất lớn. Tuy nhiên, xu hướng của TT BĐS năm 2021 vẫn chưa được xác định rõ ràng và tùy thuộc vào nhiều giả thiết cùng những biến động thực tế của nền kinh tế chung chứ không do những “cơn sốt đất ảo” tạo ra. 

Các chuyên gia vẫn đánh giá cao tiềm năng dài hạn của nhóm CP BĐS, nhưng khó có thể xem đây là lựa chọn tốt nhất, bởi cơ hội không chia đều cho tất cả. Thực tế, ở nhóm ngành nào cũng có những DN tốt và chưa tốt, quyết định đầu tư hay không đều phụ thuộc vào “khẩu vị” rủi ro và sự hiểu biết về DN đó của mỗi NĐT. 

Trên TTCK có câu “đu sóng thường chìm theo sóng”. Thế nên, dù các CP BĐS trên sàn đang tạo sóng, NĐT vẫn cần cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa ra quyết định đầu tư của mình.