Đi dạo trên Phố Wall

Nhà đầu tư (NĐT) tổ chức, dù có trở thành cổ đông (CĐ) lớn (sở hữu từ 5% cổ phần) hay không, vẫn luôn có những ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN niêm yết. Nhiều quyền lợi, nhưng trách nhiệm của NĐT tổ chức vẫn là một vấn đề gây nhiều băn khoăn.

Vấn đề này không chỉ có tại Việt Nam mà ngay cả những thị trường chứng khoán lớn trên thế giới vẫn tồn tại. Thậm chí, còn có cụm từ “thích đi dạo trên Phố Wall” để nói về việc các quỹ chỉ chú trọng mua bán cổ phiếu (CP) thay vì tham gia công tác quản trị tại DN.

Việc được các quỹ nước ngoài mua vào được xem là một trong những giá trị bảo chứng quan trọng của DN, dù rằng không phải lúc nào nhà đầu tư nước ngoài mua cũng chính xác. Nếu có một nhà đầu tư nước ngoài mua vào thì có thể dẫn đến nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác hành động theo, nhờ vậy giá CP tăng, DN thuận lợi hơn trong huy động vốn, chưa kể tài sản của lãnh đạo DN cũng tăng… Cũng chính vì vậy, các quỹ nước ngoài có nhiều ảnh hưởng, đặc quyền khi nắm giữ cổ phần của DN, thậm chí còn tạo ra những sự bất cân xứng về lợi ích.

Đơn cử, việc nắm bắt số liệu kinh doanh, các quỹ có thể nắm theo tháng, trong khi NĐT cá nhân thì phải chờ đến khi báo cáo tài chính quý hay năm được công bố. Thậm chí, trước khi diễn ra đại hội cổ đông (ĐHCĐ) chính thức, một số DN còn tổ chức một buổi gặp gỡ “trù bị” giữa các quỹ để thảo luận trước các vấn đề quan trọng. Trường hợp quỹ đầu tư “bơm” vốn mạnh, trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ các công cụ quản trị hoặc chiến lược để DN phát triển thì những đặc quyền trên là xứng đáng, song thực tế không phải lúc nào cũng như vậy.

Trở lại câu chuyện DN được quỹ nước ngoài mua vào, chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu hằng năm vẫn tăng trưởng đều đặn, cả hai đều dành những lời có cánh, thậm chí tâng bốc nhau, nhưng khi DN đối mặt thách thức thì tình thế lập tức thay đổi. Mặc dù không đóng góp được gì ngoài lĩnh vực tài chính, điều mà NĐT trong nước hay NĐT cá nhân vẫn có thể thực hiện, nhưng quỹ nước ngoài vẫn gây sức ép rất lớn khi DN công bố kết quả kinh doanh không như kỳ vọng.

Đầu tiên có thể là việc xả hàng trực tiếp trên sàn của một quỹ nào đó, khiến giá CP giảm mạnh, tài sản của lãnh đạo suy giảm, có thể kéo theo việc bán ra của nhiều quỹ khác. Không một lãnh đạo nào của DN thấy giá CP giảm liên tục mà yên lòng, và tất nhiên lúc này cả NĐT cá nhân cũng rơi vào trạng thái lo âu. Về dài hạn, ĐHCĐ của DN cũng có thể trở nên căng thẳng với những ý kiến phát biểu gay gắt từ phía các quỹ và thậm chí kêu gọi thay đổi đội ngũ điều hành của DN, yêu cầu nâng chỉ tiêu kinh doanh, tăng tỷ lệ chia cổ tức… Bị NĐT tổ chức can thiệp vào điều hành dù trước đó không tham gia, cũng không có trách nhiệm điều hành, đây là một trong những vấn đề nhức nhối của một số DN niêm yết.

Đó cũng là lý do mà lâu nay một số chuyên gia quản trị DN trên thế giới đã kêu gọi phải có giải pháp minh bạch trách nhiệm của NĐT tổ chức. Nghĩa là NĐT tổ chức phải công bố rõ có tham gia biểu quyết, điều hành DN hay không, ở mức độ như thế nào, và đưa ra những giải pháp nếu có rủi ro xảy ra.