Chuyển giao & chiến lược

Chỉ còn một năm nữa là đến thời điểm, theo quy định pháp quy, Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc (CEO). Như vậy, từ nay đến năm 2020 sẽ là thởi điểm chuyển giao vị trí đứng đầu tại nhiều doanh nghiệp (DN). Điều này dẫn đến sự thay đổi về chiến lược, vận hành… qua đó tác động đến cả sự phát triển, khả năng tăng trưởng về mặt dài hạn của DN.

Cuối tháng 3 vừa qua, ông Trần Kinh Doanh đã được bổ nhiệm làm CEO của Thế giới di động (MWG) thay cho ông Nguyễn Đức Tài, người đã kiêm nhiệm vị trí này và cả Chủ tịch HĐQT từ khá lâu.

Mới đây, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Chứng khoán SSI (SSI) cũng công bố năm nay là năm cuối ông ngồi ghế CEO và chuyển giao cho người khác vào năm 2020.

Hai trong số những DN niêm yết lớn, được đánh giá cao về mặt quản trị, đã tiến hành tách bạch hai chức danh quan trọng nhất về mặt chiến lược cũng như điều hành. Thực tế, đến năm 2020, dù muốn hay không, nhiều DN khác cũng phải tuân thủ quy định này của cơ quan quản lý. Dù vậy, vẫn sẽ có một loạt thách thức được đặt ra trong giai đoạn chuyển giao này cả về cốt lõi cũng như hình thức.

Trước tiên phải nói rằng, những nhân sự có thể kiêm nhiệm hai chức danh đã tạo ra những dấu ấn lớn về quản lý cũng như hình ảnh DN. Điều này cũng đồng nghĩa quá trình chuyển giao luôn dẫn đến những rủi ro, nghĩa là vị trí CEO khi được chuyển cho người khác, thì dù có đủ khả năng, bản lĩnh nhưng uy tín chưa chắc đã đủ, hoặc đơn giản là trong nội bộ hoặc bên ngoài chưa hẳn đã thích.

Ông Nguyễn Duy Hưng từng nói rằng, khi SSI mới thành lập thì ông chưa kiêm nhiệm vị trí CEO, nhưng vì một thời gian không chọn được người vừa hiểu được DN, đồng thời cũng có uy tín, mà chỉ đạt được một trong hai, nên ông mới ngồi vào cả hai vị trí.

Nhưng một con người cũng chỉ đóng góp được trong một giai đoạn phát triển nào đó của DN chứ không thể theo suốt, nên việc chuẩn bị cho bài toán chuyển giao là điều tất yếu.

Thực tế, hiện nay sự quan tâm từ phía nhà đầu tư (NĐT), cổ đông, hay chiến lược truyền thông về nhân sự của DN vẫn chưa thật sự được chú trọng. Tại các đại hội cổ đông, hiếm khi có những câu hỏi về mặt nhân sự, nếu có thì chỉ xoay quanh vấn đề phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP) thay vì chiến lược và hiệu quả của nó. Những nhân sự trong HĐQT hay ban giám đốc, có khả năng tiếp nối những chức vụ quan trọng không phải lúc nào cũng được giới thiệu rõ ràng. Điều này dẫn đến việc khi cổ đông, NĐT chưa quen, thì DN có nói người này tốt lắm, người kia giỏi lắm thì sự nghi ngờ vẫn hiện hữu.

Thiết nghĩ, một chiến lược chuyển giao cũng cần phải được công bố rõ ràng. DN không thể công bố theo kiểu đã chuẩn bị kỹ lưỡng, mọi việc vẫn ổn vì như vậy không giải quyết được những tò mò, thắc mắc từ bên ngoài. Hơn nữa, nếu không cẩn thận có thể tạo ra sự nghi ngờ.

Ở đây có hai cách thức: Thứ nhất, nếu DN không muốn, hoặc ngại chia sẻ cụ thể thì có thể cam kết bằng các chỉ tiêu kinh doanh. Chẳng hạn, cam kết hoạt động vẫn bảo đảm tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, cổ tức… Thứ hai, nếu có thể, tốt hơn nên công bố, chia sẻ một cách chi tiết về những cơ hội, cũng như rủi ro khi tách bạch các chức danh Chủ tịch HĐQT và CEO để có sự đồng cảm từ phía NĐT, cổ đông bên ngoài.