Xu hướng tác chiến trên không gian vũ trụ

Hơn 30 năm kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đưa ra “Sáng kiến phòng thủ không gian” (SDI), giờ đây, nước Mỹ chính thức có lực lượng vũ trụ. Và lực lượng này trở thành quân chủng thứ sáu của quân đội Mỹ nhằm giữ vững thế tiên phong trong lĩnh vực khám phá không gian mà Mỹ đang nắm giữ. Tuy nhiên, các cường quốc khác trên thế giới cũng tích cực đẩy mạnh nghiên cứu và thành lập lực lượng vũ trụ quốc gia, qua đó thách thức vị thế của Mỹ.

Trạm Không quân Cape Canaveral thuộc Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ. Ảnh: REUTERS
Trạm Không quân Cape Canaveral thuộc Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ. Ảnh: REUTERS

Thực trạng phát triển vệ tinh

Theo trang Topwar.ru, những năm gần đây, các nước lớn trên thế giới đang tích cực đẩy mạnh nhiều kế hoạch tham vọng để chiếm lĩnh lợi thế trong cuộc đua ngoài không gian. Mỹ là quốc gia đi đầu cuộc đua hiện nay, với việc sở hữu 803 vệ tinh các loại, trong đó có 200 vệ tinh quân sự và 31 vệ tinh định vị toàn cầu (GPS). Tuy nhiên, theo CNN, tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 11-2-2019 đã đưa ra cảnh báo, nhiều loại vệ tinh của Nga và Trung Quốc, gồm các hệ thống tác chiến điện tử, vũ khí năng lượng định hướng, tên lửa chống vệ tinh động học có thể phá hủy, làm suy yếu hoặc gây tổn thương các vệ tinh không gian của Mỹ. 

Trước tình hình trên, tháng 2-2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành “Chính sách vũ trụ”, giao cho Bộ Quốc phòng hợp nhất với các lực lượng khác thành lập “Lực lượng vũ trụ”. Tháng 8-2019, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố thành lập Bộ Tư lệnh Không gian (SpaceCom), bao gồm 87 đơn vị được chia thành các bộ phận nhỏ dựa theo chiến lược địa - chính trị của Mỹ, như đơn vị SpaceCom ở Trung Đông, Ấn Độ - Thái Bình Dương... Bộ Tư lệnh không gian Mỹ có bốn chức năng chính, đó là cung cấp định vị dẫn đường vệ tinh; kịp thời thông tin, cung cấp kỹ thuật và bảo đảm an ninh cho lực lượng bộ binh Mỹ; bảo vệ tài sản Mỹ trên quỹ đạo không gian, ngăn chặn nước ngoài phá hoại vệ tinh của Mỹ; giám sát và cảnh báo hoạt động phóng tên lửa của các nước khác. 

Mới đây Reuters cho biết, tháng 4-2020, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố kế hoạch lập căn cứ trên Mặt trăng có tên “Chương trình Artemis”, đưa ra ba chiến lược chủ đạo với các mục tiêu là quỹ đạo Trái đất tầm thấp, Mặt trăng và sao Hỏa. Mục đích của chương trình này là thúc đẩy thương mại hóa quỹ đạo Trái đất tầm thấp, khuyến khích các công ty tư nhân sử dụng không gian làm địa điểm nghiên cứu. Tháng 5-2020, Mỹ phóng thành công tên lửa Falcon 9 và tàu vũ trụ Crew Dragon 2, đưa hai phi hành gia lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), dự kiến trong năm nay tiếp tục phóng thêm hai tàu có người lái mới là Boeing CST-100 Starliner và Dream Chaser.

Trung Quốc là quốc gia vận hành vệ tinh nhiều thứ hai thế giới, với 204 vệ tinh. Tháng 12-2015, nước này đã thành lập Lực lượng chi viện chiến lược, với mục tiêu là nhất thể hóa sức mạnh hàng không và vũ trụ, tăng cường khả năng tác chiến phòng thủ, tiến công đồng thời trên không gian vũ trụ; dành khoản ngân sách 13 tỷ USD/năm để phục vụ việc nghiên cứu. 

Lực lượng vũ trụ Nga từng tồn tại trong khoảng thời gian 1992 - 1997 và tái lập năm 2015 như một nhánh của Lực lượng Không quân - Vũ trụ của nước này. Mặc dù về tiềm lực, Nga khó có thể cạnh tranh với Mỹ trong không gian vũ trụ, tuy nhiên Nga không thể từ bỏ vị thế vốn có, bởi hình ảnh nước Nga - quốc gia đầu tiên phóng vệ tinh nhân tạo đưa con người lên vũ trụ vẫn mang tính biểu tượng cao. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Bộ Quốc phòng Nga tiếp tục phát triển các loại vũ khí chống vệ tinh tiên tiến trên cơ sở công nghệ chống vệ tinh của Liên Xô (trước đây), các loại vũ khí laser, tên lửa dẫn đường tiêu diệt vệ tinh từ mặt đất.

Nhiều quốc gia khác cũng đang tham gia cuộc đua không gian, đơn cử như Pháp. Tháng 7-2019, nước này thông qua “Học thuyết quân sự và không gian mới” do Bộ Quốc phòng đề xuất và kế hoạch thành lập “Bộ Chỉ huy Lực lượng vũ trụ” nhằm củng cố và phát triển năng lực không gian. Tháng 9-2019, Liên hiệp châu Âu (EU) thành lập cơ quan chuyên về phòng thủ và không gian, giúp tài trợ, phát triển và triển khai lực lượng vũ trang cho khối. Cơ quan này sẽ được cấp khoản ngân sách 13 tỷ euro (khoảng 15,34 tỷ USD) từ ngân sách EU dành cho nghiên cứu, phát triển và mua sắm quốc phòng. Tháng 12-2019, NATO chính thức công nhận không gian là lĩnh vực tác chiến, động thái này một phần là để Mỹ biết liên minh này có hướng đến và thích nghi với các mối đe dọa mới khi thành lập SpaceCom.

Tháng 5-2020, Nhật Bản thành lập “Lực lượng phòng vệ trên không”, có trụ sở tại căn cứ không quân ở Fuchu, phía tây Thủ đô Tokyo; dự kiến chi 484 triệu USD ngân sách quốc phòng năm 2020 để tăng cường năng lực vũ trụ. Lúc đầu, Nhật Bản lên kế hoạch thành lập lực lượng này vào năm 2022, song sau đó quyết định đẩy nhanh tiến trình nhằm tránh bị tụt hậu. Hiện, Nhật Bản còn nghiên cứu một hệ thống theo dõi không gian trên mặt đất, bao gồm các radar có độ nhạy cao và kính viễn vọng quang học. 

Lo ngại về quân sự hóa vũ trụ

Theo SCMP, Mỹ, Trung Quốc, Nga và các cường quốc quân sự khác còn đang đẩy nhanh xu hướng sản xuất nhiều loại vũ khí tác chiến mới có khả năng vô hiệu hóa, gây nhiễu vệ tinh cao. Mỹ đã phát triển nhiều hệ thống tiến công tiêu diệt vệ tinh như tên lửa ASM-135, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), hệ thống phòng thủ tầm trung SM-3, GBI... Thời gian tới, Mỹ dự kiến chi hàng trăm triệu USD phục vụ dự án động cơ nhiệt hạt nhân cho tàu vũ trụ, chương trình nghiên cứu và phát triển vũ khí laser, vũ khí chùm hạt trong không gian, cùng các hệ thống phòng thủ tên lửa mới. Ngoài ra, Mỹ còn lên kế hoạch sử dụng vệ tinh và vũ khí đánh chặn để phát hiện và tiêu diệt tên lửa đối phương từ ngoài không gian. Không quân Mỹ vạch ra bốn thay đổi kỹ thuật mang tính cách mạng, giúp Mỹ giành lợi thế trong cuộc chiến không gian tương lai, bao gồm công nghệ tự động hóa, vũ khí đa dạng hóa, tình báo thông minh hóa và thông tin cộng hưởng hóa. 

Theo trang Defense News, Trung Quốc đang sở hữu tên lửa chống vệ tinh trên mặt đất, có thể tiến công các vệ tinh ở quỹ đạo thấp. Trong khi đó, Nga đã lộ diện một số loại vũ khí diệt vệ tinh như hệ thống phòng thủ A-235 Nudol, có thể đánh chặn bất kỳ vệ tinh nào trên quỹ đạo Trái đất. A-235 Nudol có khả năng bay 2.000 km chỉ trong 15 phút, tiến công các mục tiêu không gian trong bán kính 1.500 km và ở độ cao tới 800 km. Tiếp đó là tên lửa phòng không S-500 Prometey, được thiết kế cho nhiệm vụ phòng không và phòng thủ tên lửa để thay thế hệ thống đánh chặn A-135 (với mục tiêu bảo vệ Thủ đô Moscow) và tăng độ dày lưới phòng không bảo vệ các cứ điểm quan trọng cùng hệ thống phòng thủ S-400. Bên cạnh đó, nước này còn sở hữu hệ thống vũ khí laser A-60 được trang bị radar độ chính xác cao, có thể xác định vị trí, tiến công làm tê liệt hoặc phá vỡ vệ tinh của đối phương.

Pháp cũng đang nghiên cứu các vệ tinh quân sự mới và phát triển vũ khí laser diệt vệ tinh để tự vệ. Dự án này sẽ bổ sung thêm 780 triệu USD vào bốn tỷ USD hiện có cho chương trình quân sự giai đoạn 2018 - 2025. Trong khi đó, các nước EU tiếp tục đóng góp kinh phí để phát triển vũ khí không gian mới. Còn Nhật Bản đang có kế hoạch nghiên cứu các phương tiện có khả năng vô hiệu hóa vệ tinh quân sự thông qua việc sử dụng sóng điện từ và tiến công công nghệ cao và dự kiến ra mắt vệ tinh đánh chặn vào cuối năm 2020. 

Xét từ quan điểm an ninh quốc gia, vũ trụ được coi là lĩnh vực chiến lược, đặc biệt trong thời đại kỹ thuật và công nghệ phát triển như vũ bão. Việc các cường quốc thành lập lực lượng vũ trụ, phát triển nhiều loại vũ khí mới làm dấy lên lo ngại về việc quân sự hóa vũ trụ, đe dọa sự ổn định chiến lược, thậm chí bùng nổ chiến tranh không gian. Nếu vũ khí hạt nhân được triển khai trên vũ trụ, nhân loại có thể đối mặt thảm họa diệt vong. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, vòng xoáy mới của cuộc đua vũ trang trong không gian ở quy mô lớn là điều không thể tránh khỏi.