Nửa thập kỷ nội chiến ở Yemen

Cuộc xung đột giữa lực lượng phiến quân Houthi với quân đội Chính phủ Yemen và liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu đã bước sang năm thứ 5 mà chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết. Đất nước Yemen vẫn chìm trong nạn đói và bạo lực triền miên, mà theo báo cáo của LHQ, nếu xung đột tiếp tục kéo dài, Yemen sẽ trở thành quốc gia nghèo đói nhất thế giới.

Hàng triệu trẻ em Yemen đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Ảnh: GETTY IMAGES
Hàng triệu trẻ em Yemen đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Ảnh: GETTY IMAGES

Xung đột ngày càng leo thang

Kể từ khi lực lượng phiến quân Houthi chiếm giữ Thủ đô Sana’a vào cuối năm 2014, buộc Tổng thống Mansour Hadi phải lưu vong ở Saudi Arabia, Yemen đã chìm trong xung đột. Ngày 26-3-2015, liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu đã phát động chiến dịch nhằm vào phiến quân Houthi ở Yemen. Và kể từ khi Thủ đô Sana’a thất thủ, thành phố cảng Aden được coi là thành trì mới của Chính phủ Tổng thống Hadi được quốc tế công nhận.

Thời gian đầu cuộc chiến, lực lượng Houthi đồng ý bắt tay với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh, người có quan điểm chấp nhận đàm phán nhằm làm giảm xung đột. Tuy nhiên, do tranh giành quyền lực, ông Saleh nhiều lần tố cáo phiến quân Houthi gạt ông khỏi vòng đàm phán hòa bình do LHQ bảo trợ để chấm dứt nội chiến ở Yemen. Đến tháng 12-2017, ông Saleh bị Houthi sát hại, và liên minh Houthi - Saleh tan rã.

LHQ đã nỗ lực làm trung gian thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn giữa phiến quân Houthi và liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu. Song, nhiều thỏa thuận đã bị phá vỡ và khó có thể mở cánh cửa hòa bình cho Yemen. Với nỗ lực xây dựng hòa bình của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Tổng thống Hadi và đại diện Houthi từng nhiều lần tổ chức các vòng đàm phán kỹ thuật. Trước đó, hai bên cũng đạt được một số biện pháp xây dựng lòng tin, như trao đổi tù binh, ngừng bắn tại thành phố cảng chiến lược Hodeidah. Tuy nhiên, các lệnh ngừng bắn hầu như không có hiệu lực lâu dài như cam kết của mỗi bên.

Từ cuối tháng 9-2019, Saudi Arabia cũng tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức với Houthi, nhưng bạo lực vẫn không suy giảm. Cuộc xung đột leo thang khiến hàng chục nghìn người chết, đẩy đất nước Yemen rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Hiện, giới chức Riyadh một mặt tuyên bố duy trì các kênh đàm phán, một mặt khẳng định vẫn đáp trả các cuộc tiến công của phiến quân.

Trong bối cảnh đó, tranh giành quyền lực giữa các lực lượng mới nổi đã khiến tình hình thêm phức tạp. Hội đồng Chuyển tiếp miền Nam (STC), lực lượng từng tham gia liên minh chống Houthi nhưng sau đó rút lui, vừa giành quyền kiểm soát thành phố cảng Aden chiến lược. Như lời kêu gọi của Phó Chủ tịch STC Hani Braik, người từng giữ ghế bộ trưởng trong chính quyền Tổng thống Hadi, thì các lực lượng ủng hộ STC đã chiếm dinh tổng thống vốn đang bị bỏ trống ở Aden và kêu gọi lật đổ chính quyền của ông Hadi. Ông Braik cáo buộc ông Hadi và các lực lượng của nhà lãnh đạo này ủng hộ nhánh của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) ở Yemen. MB vốn là một phong trào chính trị bị Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và một số quốc gia Arab khác coi là một tổ chức khủng bố. UAE cũng đã công khai hậu thuẫn lực lượng STC trong các cuộc tiến công giành quyền kiểm soát thành phố Aden. Ðây được xem là đòn giáng mạnh vào mối quan hệ liên minh giữa Saudi Arabia và UAE trong chiến dịch quân sự chống Houthi đã kéo dài 5 năm qua tại Yemen.

Sau khi các tay súng ở miền nam được UAE hậu thuẫn giành quyền kiểm soát thành phố Aden, liên quân do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến công thành phố này để thể hiện sự ủng hộ Chính phủ Tổng thống Hadi được quốc tế công nhận, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục tiến hành các hành động quân sự nếu các tay súng ủng hộ STC không ngừng giao tranh và rời khỏi doanh trại quân đội mà họ chiếm giữ. Trong thời gian qua, Saudi Arabia đã thuyết phục STC và Chính phủ Yemen tổ chức đàm phán hòa giải, dẫn tới việc ký kết thỏa thuận thành lập một chính phủ kỹ trị mới có không quá 24 bộ trưởng. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai thực hiện thỏa thuận như thành lập chính phủ mới và đạt được ổn định lâu dài tại phía nam Yemen, vẫn chưa đạt được.

Các nhà quan sát cho rằng, Saudi Arabia từ vị thế dẫn đầu một liên minh quân sự can thiệp vào Yemen, hiện lại bị sa lầy trong chính cuộc chiến này. Thời gian qua, những nỗ lực nhằm củng cố chính quyền của Tổng thống Hadi đã không đạt được hiệu quả, ngay cả việc chặn đứng cuộc nổi dậy của Houthi cũng “giậm chân tại chỗ”. Lực lượng Houthi, được cho là nhận sự hậu thuẫn của Iran, đã chiếm thêm lãnh thổ gần biên giới Saudi Arabia, buộc Riyadh phải thay đổi chiến lược.

Báo Đức Dutsche Welle dẫn lời nhà nghiên cứu Ahmed Nagi tại Trung tâm nghiên cứu Trung Đông ở Beirut (Lebanon) cho rằng, hiện ưu tiên của Riyadh không còn tập trung vào mục đích khôi phục tính hợp pháp của Chính phủ Yemen như đã tuyên bố khi bắt đầu chiến dịch quân sự. Thay vào đó, Saudi Arabia tìm cách bảo vệ biên giới phía nam và duy trì liên kết với các phe phái địa phương để bảo đảm lợi ích của mình ở Yemen.

Giao tranh ở Yemen được ví như “cuộc chiến ủy thác”, giữa một bên là Chính phủ của Tổng thống Mansur Hadi được liên minh Arab do Saudi Arabia dẫn đầu hậu thuẫn, với phiến quân Houthi do Iran ủng hộ. Cuộc xung đột đó không chỉ là tranh giành lợi ích trong nước, mà còn nhằm cân bằng lực lượng giữa các phe phái trong khu vực, do đó càng trở nên phức tạp và khó hòa giải, đòi hỏi không chỉ thiện chí mà còn là nỗ lực chấm dứt xung đột của mỗi bên liên quan.

Hệ lụy từ cuộc chiến kéo dài

Quốc gia Tây Á rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng, trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho các hoạt động cứu trợ Yemen dần cạn kiệt. Ngày 25-3, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi thực thi một lệnh ngừng bắn tại Yemen trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lây lan mạnh. Dịch bệnh cũng đồng nghĩa với việc các nguồn lực quốc tế dành cứu trợ nhân đạo ở Yemen có thể không còn được như trước.

Trong một phản ứng, lực lượng Houthi đã hoan nghênh lời kêu gọi của ông Guterres. Chủ tịch Hội đồng chính trị tối cao của Houthi, ông Mahdi al-Mashat khẳng định, phong trào này sẵn sàng theo đuổi các sáng kiến hòa bình để tiến tới một giải pháp chính trị toàn diện cho Yemen. Liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu tham chiến tại Yemen cũng lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn của LHQ, đồng thời cổ vũ những nỗ lực của Đặc phái viên LHQ trong việc làm giảm căng thẳng và triển khai các bước đi thực chất để xây dựng lòng tin giữa các bên đối địch ở Yemen, thông qua hỗ trợ nhân đạo và kinh tế.

Tuy nhiên, cuộc chiến kéo dài nửa thập kỷ đã nhấn chìm quốc gia này trong bạo lực và nghèo đói. Theo số liệu của LHQ, cuộc xung đột leo thang ở Yemen khiến hàng chục nghìn người chết. Hiện có hơn 24 triệu người, chiếm khoảng hai phần ba dân số Yemen, cần viện trợ khẩn cấp. Do chiến tranh, số người nghèo đói tại Yemen đã tăng lên mức 47% dân số vào năm 2014 và được dự báo sẽ chiếm 75% dân số vào cuối năm 2019. Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) cảnh báo, nếu chiến sự tiếp tục kéo dài đến năm 2022, Yemen sẽ trở thành quốc gia nghèo đói nhất thế giới, với 79% dân số sống dưới mức nghèo khổ và 65% dân số xếp vào hạng nghèo đói cùng cực.

Mới đây, một báo cáo của Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SCF) cho thấy, xung đột tại Yemen đã buộc hai triệu trẻ em phải rời bỏ nhà cửa và khoảng hai triệu trẻ em không được đến trường. Hơn 7.522 thanh, thiếu niên đã chết hoặc bị thương trong hơn 5 năm qua, ngoài ra còn có 2,1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng. Những tác động tới trẻ em được chứng minh là còn kéo dài, trong khi chiến sự đã cản trở mọi nỗ lực trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Hệ lụy từ cuộc chiến đang khiến quốc gia này đứng trước tương lai khó đoán định.