Mối lo của “đế chế” bán lẻ SEJ

Mô hình cửa hàng tiện lợi ngày càng phát triển trong cuộc sống hiện đại. Nó đáp ứng mọi sản phẩm sinh hoạt bất cứ khi nào bạn cần, kể cả giữa đêm khuya. Ở Nhật Bản, nơi mà ngày nay các cửa hàng tiện lợi có mặt ở hầu khắp các đường phố hay con ngõ, cách đây 46 năm, doanh nghiệp đầu tiên có công mở ra hướng “tiện lợi” trong ngành kinh doanh bán lẻ nước này là Công ty Seven Eleven Japan (SEJ).

Hiện nay ở Nhật Bản có hơn 21.000 cửa hàng 7-Eleven.
Hiện nay ở Nhật Bản có hơn 21.000 cửa hàng 7-Eleven.

Khởi đầu và phát triển

Cuối những năm 60 thế kỷ trước, trong các cuộc thương lượng với Công ty Southland của Mỹ (sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven), ông Toshifumi Suzuki, phụ trách bộ phận Phát triển kinh doanh của Công ty Ito-Yakodo nhận thấy đây sẽ là một loại hình kinh doanh bán lẻ mới đối với Nhật Bản. Song khi đó, nhiều người trong ban lãnh đạo Công ty Ito-Yakodo và chuyên gia trong ngành bán lẻ cho rằng còn quá sớm để đưa loại hình này vào Nhật Bản, khi mà nơi này đã “tràn ngập” các cửa hàng bán lẻ theo kiểu truyền thống. Toshifumi Suzuki nỗ lực thuyết phục, và cuối cùng Công ty Ito-Yakodo đã mua nhượng quyền thương hiệu từ Công ty Southland vào năm 1973 để mở cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đầu tiên tại Tokyo.

Và Công ty Ito-Yakodo lập ra SEJ để phát triển loại hình kinh doanh mới này. Được giao quyền điều hành SEJ, ông Suzuki nhận thấy nếu “áp nguyên xi” phương pháp kinh doanh cửa hàng tiện lợi đang triển khai tại Mỹ vào thị trường Nhật Bản thì sẽ thất bại, vì thói quen tiêu dùng của người Mỹ và Nhật Bản khác nhau. Nhìn chung, người Nhật Bản “khắt khe” hơn về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, ít so đo hơn về giá, và muốn thay đổi sản phẩm nhiều hơn. Thêm nữa, không giống các cửa hàng tiện lợi ở Mỹ có thể dự trữ được một lượng lớn nhiều loại sản phẩm khác nhau, cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản chỉ nằm trên một diện tích nhỏ, khoảng 110 m², khả năng dự trữ hàng khó khăn. Nên theo ông Suzuki, cần ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin để dự đoán được chính xác nhu cầu của khách hàng, cung cấp những sản phẩm họ cần, có chất lượng cao; quản lý từng mặt hàng bán ra một cách hiệu quả để vừa không phải dự trữ nhiều, vừa không để hết hàng khi khách cần mua. Cách tiếp cận này tạo ra thay đổi cơ bản trong hệ thống bán lẻ ở Nhật Bản, chuyển từ định hướng theo sản xuất sang định hướng theo thị trường.

Chỉ trong thời gian ngắn, cửa hàng tiện lợi đầu tiên ở Nhật Bản đã đạt doanh số và lợi nhuận vượt xa kỳ vọng. Đến nay, chuỗi cửa hàng 7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật Bản với hơn 21.000 cửa hàng. Năm 1991, khi Công ty Southland lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn về tài chính, SEJ đã mua lại Công ty Southland và chuỗi 7-Eleven của nó. Đến cuối tháng 6 -2019, nếu tính cả số cửa hàng tại Nhật Bản nói trên thì đã có hơn 69.000 cửa hàng 7-Eleven tại 17 quốc gia.

Trong quá trình phát triển và trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất trên thế giới, SEJ đã tạo dấu ấn với những nét độc đáo trong chuỗi cung ứng sản phẩm nhằm tối đa hóa giá trị dành cho khách hàng và tối thiểu hóa tổng chi phí chuỗi cung ứng sản phẩm. Có hai yếu tố tạo nên thành công của SEJ, đó là đi đầu trong áp dụng công nghệ thông tin (IT) tiên tiến vào hoạt động kinh doanh, và hình thành các trung tâm phân phối kết hợp.

Vào năm 1982, SEJ đã trở thành công ty đầu tiên ở Nhật Bản áp dụng hệ thống thông tin tại điểm bán hàng (POS), đó là một phần trong hệ thống thanh toán mà giờ đã trở nên phổ biến ở hầu hết các điểm bán lẻ. Các hệ thống POS bao gồm sự kết hợp giữa phần mềm, phần cứng và các thiết bị quét đặc biệt để giúp nhân viên thu ngân nhập lượng hàng mua và thực hiện thanh toán. Tại quầy, nhân viên thu ngân cũng phải nhập các thông tin về giới tính, độ tuổi phỏng đoán của khách hàng, rồi vận hành POS. Thông tin từ mỗi lần thanh toán sẽ được chuyển tới máy tính của nhà quản lý cửa hàng, máy chủ của SEJ và tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Qua hệ thống POS, SEJ thu thập được dữ liệu bán hàng để có thể nhận biết được xu hướng tiêu dùng, những mặt hàng được ưa thích nhất, những đối tượng khách hàng cụ thể cho từng loại sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả bán hàng, bảo đảm cung cấp đủ các mặt hàng đang bán chạy, không để hết hàng khi khách cần mua.

Đến năm 1991, SEJ lại là công ty đầu tiên ở Nhật Bản áp dụng mạng số tích hợp đa dịch vụ giúp trao đổi dữ liệu với tốc độ nhanh hơn 30 lần trước đó, tạo điều kiện cho “tổng hành dinh” SEJ thu thập, phân tích dữ liệu POS trong ngày đối với từng mặt hàng cụ thể tại mỗi cửa hàng để sử dụng vào sáng hôm sau, một quá trình mà trước đó phải mất hơn một tuần mới hoàn thành. Điều này giúp nhà quản lý cải thiện khả năng đặt hàng chuẩn xác, qua đó luôn duy trì được trên kệ hàng những sản phẩm bán chạy trong lúc những cửa hàng đối thủ cạnh tranh đang chịu cảnh hết hàng.

Còn với việc hình thành các trung tâm phân phối kết hợp, thay vì hàng hóa được chuyển trực tiếp từ các nhà cung ứng tới các cửa hàng 7-Eleven, thì những mặt hàng từ các nhà cung ứng khác nhau được kết hợp lại tại trung tâm phân phối, rồi được vận chuyển chung tới các cửa hàng đã đặt hàng. Tại trung tâm phân phối, những sản phẩm tương tự từ các nhà cung ứng khác nhau (chẳng hạn như trứng, bánh sandwich...) sẽ được chuyển lên xe tải có kiểm soát nhiệt độ phù hợp tránh cho sản phẩm bị hư hỏng. Mỗi xe tải sẽ giao hàng tới nhiều cửa hàng bán lẻ. Với chiến lược “thống trị khu vực” của SEJ (tập trung vào một khu vực nhất định và nhanh chóng nhân rộng số cửa hàng trong khu vực đó), việc các sản phẩm cung ứng đi qua trung tâm phân phối cũng đem lại hiệu quả cao hơn khi tiết giảm được chi phí vận chuyển, thời gian vận chuyển và giảm được giá bán. Nó cũng giúp cho những thực phẩm ăn nhanh chiếm phần lớn trong mỗi cửa hàng 7-Eleven đến với khách hàng nhanh hơn và tươi hơn.

Những thách thức

Tuy nhiên, trong bối cảnh Nhật Bản hiện nay, theo GS Satoshi Inoue, chuyên gia về chuỗi cung ứng sản phẩm, giảng dạy tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, SEJ đang phải đối mặt khó khăn về tình trạng khan hiếm nhân lực nghiêm trọng tại nhiều cửa hàng tiện lợi.

Ngày 22-3 vừa qua, lần đầu một cửa hàng 7-Eleven tại Tokyo đã phải đóng cửa vào ban đêm, từ 1 giờ đến 5 giờ, thay vì mở cửa 24/24 giờ suốt bao năm qua. Điều này đã làm ngỡ ngàng những khách hàng thường xuyên đi làm về khuya tại khu vực đó. Điều đáng nói là chính sách mở cửa 24 giờ mỗi ngày tại các cửa hàng 7-Eleven được SEJ duy trì từ năm 1975 và đây chính là một yếu tố làm nên thương hiệu của công ty này.

Việc SEJ bắt đầu thử nghiệm việc rút ngắn thời gian hoạt động, khởi đầu với 10 cửa hàng có nhân viên là người cao tuổi, những người không đủ sức khỏe để làm việc vào ban đêm, đã cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề này. Theo kết quả cuộc điều tra về tình trạng thiếu nhân lực tại các cửa hàng tiện lợi do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tiến hành và công bố vào tháng 3 vừa qua, hơn 60% số nhà quản lý được hỏi cho biết, cửa hàng tiện lợi của họ đang đối mặt tình trạng thiếu lao động.

Theo GS Inoue, một vấn đề nữa là số dân ở nhiều thành phố của Nhật Bản đang giảm đi trong bối cảnh Nhật Bản đối mặt tình trạng dân số già hóa, tuổi thọ trung bình của người dân ngày càng cao, trong khi tỷ lệ sinh ngày càng giảm. Mà mô hình kinh doanh của SEJ lại dựa vào điều kiện là nằm ở khu vực thị trường, nơi bảo đảm có một lượng lớn người tiêu dùng.

“Hai thách thức này dường như sẽ buộc SEJ cũng như những đối thủ cạnh tranh của nó trong lĩnh vực kinh doanh cửa hàng tiện lợi phải tự đổi mới các nguyên tắc cơ bản mô hình kinh doanh của họ. Điều này không hề dễ, nhưng họ sẽ không có lựa chọn nào khác để có thể tồn tại trong thời gian tới tại Nhật Bản”, GS Inoue nhận định.