Mô hình hỗ trợ chống dịch châu chấu

Trong khi thế giới căng mình chống đại dịch Covid-19 thì các quốc gia khu vực Đông Phi cũng khốn đốn đối phó dịch châu chấu sa mạc đã bùng phát mạnh từ cuối năm ngoái. Nhiều giải pháp chống dịch đã được chính quyền các nước triển khai và nổi bật nhất là sử dụng mô hình khí quyển Hysplit trên máy tính để dự báo nơi xuất hiện, các hướng di chuyển của loài côn trùng xâm hại này.  

Một người đàn ông Kenya đang cố gắng ngăn chặn một đàn châu chấu tại trang trại. Ảnh: REUTERS
Một người đàn ông Kenya đang cố gắng ngăn chặn một đàn châu chấu tại trang trại. Ảnh: REUTERS

Đại dịch châu chấu sa mạc

Đến nay, con người vẫn chưa thể tìm ra được giải pháp ngăn chặn nạn châu chấu hoành hành. Năm 1937, trên những chuyến tàu lửa chậm chạp, Lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ (NGB) đã phải sử dụng súng phun lửa trong nỗ lực chế ngự tai họa đến từ các “binh đoàn” châu chấu băng qua bang Colorado của nước này. Tuy nhiên, súng phun lửa chẳng thấm vào đâu, không thể ngăn chặn triệt để được đàn châu chấu. Hàng triệu con châu chấu đã dễ dàng nuốt chửng những cánh đồng hoa màu của người dân Mỹ. Hơn 80 năm sau, những đàn châu chấu khổng lồ vẫn tiếp tục hoành hành. Tháng 12-2019, LHQ tuyên bố châu chấu sa mạc đã xuất hiện tại vùng Sừng châu Phi - một bán đảo thuộc Đông Phi lấn ra biển Arab vài trăm km và nằm dọc theo bờ phía nam của vịnh Aden. 

Trang Economist cho hay, hàng tỷ con châu chấu sa mạc từ bán đảo Arab bay đến và càn quét phía đông Ethiopia và bắc Somalia. Chúng ăn hầu như tất cả thảm thực vật trên đường bay. Với một đàn 40 triệu con thì lượng thức ăn của chúng tương đương số lương thực dành cho 35.000 người/ngày. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cho biết, đây là đại dịch châu chấu khủng khiếp nhất trong vòng 25 năm qua ở châu Phi, đặc biệt là khu vực Đông Phi, khiến 19 triệu người bị đói do mất đi mùa màng. Dịch châu chấu sa mạc có liên quan biến đổi khí hậu, đã đạt đỉnh vào tháng 5 vừa qua, nhưng dự báo làn sóng dịch châu chấu thứ hai có thể sẽ tăng gấp nhiều lần trong năm nay do có điều kiện sinh sản thuận lợi sau các cơn mưa nặng hạt. 

Theo tạp chí Nature của Anh, châu chấu sa mạc là loài nguy hiểm nhất trong số tất cả loài di cư gây hại vì khả năng sinh sản nhanh và tốc độ tàn phá mùa màng. Châu chấu trưởng thành có kích cỡ bằng ngón tay trỏ của người lớn. Châu chấu cái có thể đẻ hơn 150 quả trứng trong một bọc trứng. Sau hai tuần, trứng nở thành châu chấu non. Những châu chấu non không cánh phát triển trong một tháng trước khi có thể bay, trưởng thành rồi lại đẻ trứng theo vòng tuần hoàn. Châu chấu trưởng thành sống đơn độc, thân có mầu xanh lá cây hoặc nâu để phù hợp môi trường chung quanh. 

Khi nguồn thức ăn dồi dào, châu chấu sa mạc sinh sôi nảy nở và gia nhập giai đoạn sống bầy đàn. Giai đoạn này bắt đầu thì chúng chuyển sang mầu hồng. Sau đó, khi phát triển trở thành đàn lớn dày đặc hơn, chúng sẽ thay đổi hành vi để hoạt động theo nhóm. Một đàn có thể đạt số lượng tối đa 80 triệu con trên một km2 và di chuyển trong phạm vi rộng lớn. Vào thời điểm này, châu chấu đã trưởng thành hoàn toàn và đổi sang mầu vàng. Chu kỳ sinh sản từ trứng thành châu chấu trưởng thành mất gần ba tháng, có thể tăng đàn theo cấp số nhân. Con châu chấu trưởng thành có thể ăn số thức ăn trong thảm thực vật bằng trọng lượng của nó. 

Theo Ủy ban Cứu hộ quốc tế (IRC), những bầy châu chấu khổng lồ ở Đông Phi đang phá hủy nghiêm trọng thảm thực vật, cây nông nghiệp tại ít nhất tám quốc gia tại “lục địa đen”. IRC nhận định, đây là dịch châu chấu sa mạc nghiêm trọng nhất tại Đông Phi trong suốt mấy chục năm qua, cộng thêm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh từ đầu năm 2020 đến nay đã gây ra những rủi ro chưa từng có đối với khu vực này. Dự báo kịch bản xấu nhất trong năm nay sẽ có khoảng 40 triệu người ở các quốc gia bị châu chấu hoành hành đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.

Trước thực trạng trên, các quốc gia châu Phi đã ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó đại dịch châu chấu. Lực lượng quân sự, máy bay chuyên dụng được huy động để phun thuốc trừ sâu. Thậm chí, lực lượng cảnh sát sử dụng cả đạn hơi cay và súng máy để tiêu diệt châu chấu, trong khi người dân sử dụng biện pháp tạo ra âm thanh lớn để đuổi đàn côn trùng nguy hiểm này. Tuy nhiên, lượng mưa lớn, khí hậu ẩm ướt, thuận lợi cho châu chấu sinh sản khiến các đàn mới ngày càng tăng chóng mặt. Bên cạnh đó, việc lơ là và thiếu quyết liệt đối phó của một số nước Đông Phi cũng khiến hiệu quả chống dịch châu chấu không cao. Đặc biệt, các nước Đông Phi chưa tăng cường khả năng dự báo đường đi và sự phát triển đàn châu chấu để chủ động đề ra phương án phòng, chống dịch từ sớm. 

Giới chuyên gia cho rằng, đại dịch châu chấu có thể sẽ lan rộng sang cả Trung Quốc cũng như các nước châu Á khác nếu không được dự liệu chính xác để ngăn chặn kịp thời. Theo CNN, trong vài tháng gần đây, nhiều “binh đoàn” châu chấu sa mạc số lượng hàng tỷ con đã tiến công mạnh vào các khu vực mới ở Yemen, Pakistan và Ấn Độ. Nông dân và cả các nhà chức trách các nước trên đang lo ngại dịch châu chấu gây thiệt hại mùa màng, tàn phá môi trường và ảnh hưởng tới nguồn cung cấp lương thực, trong bối cảnh vẫn đang phải gồng mình đối phó với đại dịch Covid-19. 

Hy vọng từ giải pháp Hysplit 

Theo The Washington Post, ông Rick Overson, Điều phối viên nghiên cứu dự án “Sáng kiến châu chấu toàn cầu” (Global Locust Initiative) thuộc Đại học Arizona (Mỹ) cho biết, cách tốt nhất con người có thể làm để ngăn chặn đại dịch châu chấu hiện nay là thử nghiệm và dự đoán nơi đàn sẽ hình thành trước khi chúng bùng nổ. Đồng quan điểm trên, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm kiếm công cụ kiểm soát, theo dõi và dự báo sự xuất hiện của đàn châu chấu để có biện pháp ứng phó sớm khi chúng chưa di chuyển tới. 

Tín hiệu mừng xuất hiện khi mới đây các nhà khoa học thuộc Cơ quan Khí quyển & Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đã hợp tác với Keith Cressman, chuyên viên của FAO, phát triển một ứng dụng web có thể dự báo hướng gió khi đàn châu chấu di chuyển, điểm cốt lõi của nó là mô hình khí quyển Hysplit, vốn được biết đến là công cụ phát hiện các hạt ô nhiễm như tro bụi núi lửa, khí thải từ các nhà máy khi các hạt này lan rộng trong khí quyển. Khi tích hợp với hệ thống dữ liệu của NOAA, công cụ này có thể nhận biết được mọi thứ di chuyển trong không khí, gồm cả châu chấu - những con côn trùng cất cánh trong gió và được gió thổi bay khi dịch chuyển với tốc độ lên đến 150 km/ngày. 

Trước đây, chuyên viên Cressman từng sử dụng công cụ Hysplit này để dự đoán nơi những đàn châu chấu đang di chuyển dựa trên các quan sát thực địa. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng đại dịch châu chấu ở Đông Phi gia tăng vào mùa đông năm ngoái, ông đã nhận ra rằng chúng không di chuyển như bụi mà chúng bay và nghỉ ngơi theo cơ chế sinh học. Theo đó, châu chấu không bay 24 giờ một ngày mà cất cánh vào giờ nhất định là buổi sáng và hạ cánh trước khi mặt trời lặn để nghỉ ngơi lấy sức cho các chặng tiếp theo. Vì vậy, vào tháng 3-2020, Cressman đã tìm đến NOAA để đề xuất hợp tác phát triển ứng dụng web dự báo chính xác hướng gió khi đàn châu chấu di chuyển nhằm giúp công tác chống dịch đạt hiệu quả cao hơn. 

Không phụ sự mong đợi, thông qua Hysplit, các nhà khoa học trong nhóm chuyên gia NOAA có thể theo dõi hàng chục đàn châu chấu cùng lúc và dự đoán vị trí của chúng trước bảy ngày và cứ 5 phút báo cáo vị trí một lần, với độ chính xác cao. Đáng chú ý, NOAA còn tiếp tục cải thiện ứng dụng web trên, bổ sung tính năng dự báo cho các trường hợp đặc biệt, thí dụ như bầy châu chấu thực hiện các chuyến đi không ngừng nghỉ, bay liên tục nhiều ngày xuyên đại dương, từ Somalia qua Ấn Độ Dương và đến Pakistan. Kết quả là, thông qua việc tích hợp dữ liệu thu thập được từ Hysplit vào ứng dụng web, các quốc gia châu Phi có thể dựa vào đó để đưa ra được những biện pháp đối phó sớm, phù hợp và chủ động hơn trong công tác chống dịch châu chấu.

Ryan Neely, nhà khoa học khí quyển tại Đại học Leeds (Anh), không tham gia trực tiếp chương trình dự báo châu chấu của FAO, song gợi ý NOAA nên đưa những bức ảnh chụp đàn châu chấu bằng radar vào mô hình Hysplit để tăng tính trực quan. Các chuyên gia trong nhóm xây dựng ứng dụng đã tiếp nhận ý kiến này và tuyên bố, thời gian tới sẽ sử dụng ảnh chụp từ radar hoặc thậm chí dữ liệu vệ tinh để cung cấp thêm thông tin tới người dân các nước, hỗ trợ cải thiện khả năng dự báo của mô hình Hysplit.