“Mái vòm sắt” của Israel

Ngày 11-12 vừa qua, tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm ngắn Iron Dome (Mái vòm sắt) của quân đội Israel đã ngăn chặn thành công một quả tên lửa được phóng đi từ phía dải Gaza của Palestine. Vụ đánh chặn thành công này một lần nữa cho thấy sự hiệu quả của Iron Dome trong chiến lược quốc phòng Israel.

Biếm họa của HARTFORD COURANT
Biếm họa của HARTFORD COURANT

Lưới lửa ba tầng

Hệ thống Iron Dome nổi tiếng của Israel do Công ty phát triển hệ thống phòng thủ Rafael sản xuất. Iron Dome không phải là một mái vòm bằng sắt bao phủ lãnh thổ Israel mà thực chất là hệ thống phòng thủ tên lửa gồm ba tầng. Ngoài cấu phần phòng thủ tên lửa tầm ngắn, hai cấu phần khác bao gồm hệ thống phòng không David’s Sling, vẫn đang được phát triển nhằm bắn hạ các mục tiêu (tầm trung) trong khí quyển, bao gồm cả khu vực Địa Trung Hải, và hệ thống tên lửa Arrow, được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm xa trong không gian.

Với khả năng bao quát một diện tích rộng tới 150 km2, mỗi tiểu đoàn Iron Dome bao gồm một trạm radar đa nhiệm (phát hiện, theo dõi, dẫn bắn), trung tâm chỉ huy hỏa lực và ba bệ phóng với 20 tên lửa đánh chặn Tamir cho mỗi bệ. Tổ hợp vũ khí này có thể tính toán được điểm rơi của tên lửa mục tiêu và tiêu diệt trong khoảng thời gian rất ngắn. Điểm đặc biệt của Iron Dome nằm ở chỗ, nếu tên lửa mục tiêu không hướng vào các khu dân cư và địa điểm quan trọng, nó sẽ không kích hoạt tên lửa đánh chặn.

Tháng 3-2011, Lục quân Israel đã triển khai tổ hợp Iron Dome đầu tiên ở ngoại vi thành phố Beer Sheba, phía đông nam Israel. Chỉ vài ngày sau khi triển khai, tổ hợp này đã đánh chặn thành công một quả rocket Grad phóng tới từ dải Gaza. Tính tới thời điểm hiện tại, quân đội Israel đã triển khai ít nhất ba tiểu đoàn Iron Dome và dự kiến sẽ cần từ 15-20 tiểu đoàn tên lửa đánh chặn loại này để có thể bao quát toàn bộ lãnh thổ Israel.

Không chỉ thiết kế Mái vòm sắt trên đất liền, tháng 5-2016, Hải quân Israel cũng đã thử thành công hệ thống tên lửa đánh chặn có tên “Mái vòm sắt trên biển”, hay còn được gọi là Tamir-Adir. Theo Reuters, hệ thống này tương tự hệ thống Iron Dome trên đất liền, nhưng có thể được lắp đặt trên các tàu chiến và có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo trong khi tàu chiến đang di chuyển ở tốc độ cao. Quân đội Israel tiết lộ, sử dụng Mái vòm sắt trên biển để bảo vệ các tài sản kinh tế trên Địa Trung Hải.

Theo tờ Le Monde của Pháp, Israel có các mỏ khí đốt lớn ngoài khơi bờ biển phía bắc nước này và đang xây dựng các cơ sở hạ tầng có giá trị để khai thác nguồn nhiên liệu đưa vào đất liền. Thí dụ như mỏ khí đốt Tamar phát hiện vào năm 2009 và bắt đầu được khai thác từ năm 2013, có trữ lượng ước tính lên đến 238 tỷ m3. Hay mỏ khí Leviathan phát hiện năm 2010 và bắt đầu sản xuất vào năm 2019, có trữ lượng ước tính lên tới 535 tỷ m3 khí tự nhiên cùng 34,1 triệu thùng khí ngưng tụ. “Tất cả các mỏ đều nằm trong tầm bắn của tên lửa từ căn cứ thuộc phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon. Do vậy, việc triển khai hệ thống Mái vòm sắt trên biển là rất cần thiết để bảo vệ các tài sản chiến lược trên biển của Israel”, đại tá Ariel Shir, phụ trách các hệ thống hoạt động của Hải quân Israel, cho biết.

“Mái vòm sắt” của Israel ảnh 1

Hệ thống Iron Dome khai hỏa đánh chặn rocket phóng đi từ dải Gaza. Ảnh: IBTIMES

“Hàng nóng” trên thị trường vũ khí

Từ khi được đưa vào sử dụng, Iron Dome đã đánh chặn thành công 80% số vụ tiến công bằng tên lửa từ bên ngoài vào lãnh thổ Israel. Theo quân đội Israel, trong cuộc chiến kéo dài 50 ngày hồi năm 2014, hệ thống Iron Dome đã phát huy hiệu quả đánh chặn, khi chỉ để lọt 70 quả rocket trong tổng số 4.954 quả rocket và đạn cối từ dải Gaza bắn vào lãnh thổ Nhà nước Do Thái.

Kể từ ngày 6-12 vừa qua, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, lãnh thổ Israel liên tục bị tiến công tên lửa từ dải Gaza. Ngày 11-12, hãng tin Pháp AFP dẫn các nguồn tin quân đội Israel cho biết, các tay súng ở dải Gaza đã phóng ít nhất hai quả tên lửa sang Israel, trong đó hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome đánh chặn thành công quả thứ hai. Sau vụ việc trên, quân đội Israel đã triển khai xe tăng và máy bay tiến công các cơ sở quân sự của phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas tại phía bắc dải Gaza.

Sự thành công của hệ thống tên lửa Iron Dome ở dải Gaza đã khiến nó trở thành “hàng nóng” trên thị trường vũ khí. Mỹ, đồng minh thân cận của Israel, đã bày tỏ sự quan tâm đối với Iron Dome. Năm ngoái, hãng chế tạo các hệ thống quốc phòng tiên tiến Rafael của Israel và hãng Raytheon của Mỹ đã đạt thỏa thuận trên nguyên tắc nhằm phối hợp sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome trên đất Mỹ. Theo thỏa thuận trên, quân đội Israel sẽ đầu tư trang bị thêm các khẩu đội tên lửa Iron Dome thông qua khoản viện trợ quân sự hằng năm của Mỹ cho Israel, vào khoảng ba tỷ USD, vốn từ trước tới nay chỉ được chi tiêu cho các hệ thống vũ khí và đạn dược do Mỹ sản xuất.

Văn bản trên đã dọn đường cho Rafael và Raytheon cùng tiếp thị hệ thống tên lửa đánh chặn này ở Mỹ và một số nước khác có quan tâm, như Ba Lan, Ukraine và Hàn Quốc. Ngoài Mỹ, Hàn Quốc, Singapore và nhiều quốc gia khác cũng đang bày tỏ sự quan tâm hệ thống Iron Dome. Cuối năm 2016, Azerbaijan cũng đạt được thỏa thuận để mua hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome của Israel.

Mặc dù quân đội Israel khẳng định hệ thống phòng thủ Iron Dome của mình là hữu hiệu, minh chứng qua chiến dịch “Trụ cột phòng vệ” tiến hành vào tháng 11-2012, song trên thực tế, hệ thống này vẫn còn một số điểm yếu “chết người”. Hạn chế lớn nhất của Iron Dome là hệ thống không thể phản ứng với các cuộc tiến công liên tiếp trong phạm vi ngắn. Các tính toán cho thấy, hiệu quả của Iron Dome phụ thuộc vào khoảng cách tên lửa, đạn pháo của đối phương. Theo đó, Iron Dome chỉ đạt hiệu quả đánh chặn cao với các đạn pháo, tên lửa trong tầm bắn 10 - 70 km. Với những loại tên lửa nhỏ hiện đại như Fajr-5, mà nhóm Hamas bắt đầu được trang bị, “Mái vòm sắt” sẽ gặp lúng túng. Thậm chí, các chuyên gia còn tiết lộ, Iron Dome không thể bắn hạ các quả rocket trong phạm vi dưới 5 km. Điều này được giải thích rằng, Iron Dome được thiết kế để chống lại các mục tiêu có vận tốc không quá lớn, nên nếu như mục tiêu xuất phát từ cự ly gần thì bộ xử lý của hệ thống không đủ thời gian để phản ứng.

Thêm vào đó, chi phí cho Iron Dome khá đắt đỏ. Theo tính toán của quân đội Israel, mỗi cú đánh chặn bằng tên lửa Tamir tiêu tốn khoảng 60.000 USD, cao hơn rất nhiều so một quả đạn pháo bắn đi từ dải Gaza với giá chỉ khoảng 1.000 USD.

Tuy nhiên, các kiến trúc sư của công trình này khẳng định đã tiết kiệm cho Israel hàng tỷ USD thiệt hại vật chất và tác động kinh tế, cũng như bảo vệ sinh mạng cho người dân. Vì thế, chính phủ của Thủ tướng B. Netanyahu không ngần ngại chi tiền tỷ để đầu tư vào Iron Dome, tạo ra bức tường sắt vững chắc bảo vệ lãnh thổ Israel khỏi các vụ tiến công từ bên ngoài.