Huyền thoại làm thay đổi ngành hàng không thế giới

Igor Sikorsky được thế giới suy tôn là “cha đẻ” của máy bay lên thẳng, bởi ông đã phát minh và thiết kế thành công chiếc máy bay lên thẳng đầu tiên. Năm 1940, chiếc VS-300, mô hình cho tất cả các máy bay lên thẳng cánh quạt hiện đại đã đưa Sikorsky trở thành một trong những nhà thiết kế vĩ đại nhất ngành hàng không. Máy bay bốn động cơ lớn, máy bay lên thẳng đa năng hiện nay lần lượt ra đời nhờ đóng góp quan trọng của nhà thiết kế máy bay huyền thoại Sikorsky. 

Igor Sikorsky thử nghiệm chiếc máy bay lên thẳng đầu tiên của mình ở Bridgeport năm 1940. Ảnh: TASS
Igor Sikorsky thử nghiệm chiếc máy bay lên thẳng đầu tiên của mình ở Bridgeport năm 1940. Ảnh: TASS

Khởi nguồn từ niềm đam mê

Theo Nedcc.org, Sikorsky Igor Ivanovich sinh ngày 25-5-1889 ở Kiev thuộc đế quốc Nga (nay là Thủ đô của Ukraine). Thời thơ ấu, Sikorsky đam mê máy bay đến mức năm 12 tuổi đã tự thiết kế chiếc máy bay đồ chơi đầu tiên. Giai đoạn 1903 - 1906, ông theo học tại Trường cao đẳng Hàng hải St. Petersburg, nhưng bất ngờ đến năm 1907 chuyển hướng thi vào Học viện Bách khoa Kiev. Sikorsky từng chia sẻ: “Chỉ trong 24 giờ, tôi đã quyết định theo đuổi một lĩnh vực làm thay đổi cả cuộc đời mình. Tôi sẽ học ngành hàng không”. 

Năm 1909, Sikorsky đã trực tiếp hoàn thành chiếc máy bay lên thẳng đầu tiên của mình. Tuy nhiên, dù cánh quạt quay mạnh đến mức nào thì thiết bị cũng không thể di chuyển được. Sau đó, ông đã nỗ lực chế tạo được một máy bay hai tầng và nó đã nâng Sikorsky ngồi trên máy bay lên vài mét trong không trung. Trong 12 giây ngắn ngủi, Sikorsky được nếm thử mùi vị của thành công. Trong thời gian tiếp theo, Sikorsky nghiên cứu tạo ra các nguyên mẫu khác, thực hiện những chuyến bay ngắn và thường làm hỏng chúng. Tuy nhiên, không nản lòng trước thất bại, ông lại sử dụng các bộ phận còn nguyên vẹn để tiếp tục cải tiến mô hình.

Năm 1911, ông nhận bằng tốt nghiệp “phi công” của Aeroclub Imperial All-Russian. Năm 1912 đã đánh dấu sự chuyển biến lớn trong sự nghiệp “hàng không” của Sikorsky khi ông trở thành kỹ sư trưởng bộ phận máy bay của Công ty Russko-Baltiisky Vagonny ở St.Petersburg. Chỉ trong một năm, Sikorsky và nhóm của ông đã thiết kế, lắp ráp chiếc máy bay bốn động cơ đầu tiên trên thế giới. Ngày 10-5-1913, chiếc máy bay cỡ lớn “Sikorsky Russky Vityaz”, hay còn gọi là “Hiệp sĩ Nga”, thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên. Nhờ đó, Sikorsky đã được Sa hoàng Nicholas II tặng một chiếc đồng hồ bằng vàng khi đích thân đến kiểm tra chiếc máy bay. Sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, chính quyền mới ở Liên Xô quan tâm đến đội kỵ binh hơn là máy bay. Thời điểm đó, máy bay chưa được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh. Sikorsky mất tất cả số tiến đã đầu tư vào nhà máy vì chính quyền lúc bấy giờ đã quốc hữu hóa và tái sử dụng nhà máy để sản xuất phương tiện cơ giới chiến đấu. Ông đành rời Liên Xô và hướng ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội thực hiện ước mơ thiết kế máy bay của mình. 

Thành công lớn tại “xứ cờ hoa”

Trang Russia Beyond của Nga cho biết, sự kiện mang tính bước ngoặt đối với Igor Sikorsky là vào tháng 3-1919, khi ông chuyển đến Mỹ. Tại đây, bước đầu ông học cách kiếm tiền mưu sinh bằng việc dạy học cho những người nhập cư Nga. Sikorsky chia sẻ trong cuốn hồi ký của mình rằng: “Tôi đã từng trải qua những ngày tháng đói kém, vất vả ở Mỹ nhưng chưa ngày nào tôi đánh mất hy vọng và niềm đam mê với máy bay. Tôi tự nhủ với lòng mình rằng, nếu thất bại, tôi sẽ tìm cách thử lại”. 

Để thực hiện ước mơ phát triển máy bay, năm 1923, Sikorsky quyết định thành lập Công ty Sikorsky Aero Engineering Corporation tại thị trấn Roosevelt, New York (Mỹ). Đây là một công ty nhỏ, trong thời gian đầu hoạt động không mấy suôn sẻ. Rất may mắn, số tiền 5.000 USD lúc đó (tương đương khoảng 76.000 USD vào thời điểm hiện nay) mà nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff cho vay và một số quỹ bổ sung mà Sikorsky có thể tự huy động đã giúp công ty thoát khỏi nguy cơ phá sản. Năm 1924, công ty của ông cho ra mắt phiên bản Sikorsky S-29-A, loại máy bay hai động cơ đầu tiên lắp ráp tại Mỹ, có khả năng chở 14 hành khách và đạt tốc độ 185 km/giờ. Sau đó, công ty của ông bắt đầu sản xuất thủy phi cơ - loại máy bay có cánh cố định, có khả năng hạ và cất cánh trên mặt nước. 

Năm 1928, Igor Sikorsky chính thức trở thành công dân Mỹ. Năm 1929, Công ty tư nhân của Sikorsky quyết định chuyển đến Stratford, bang Connecticut, trở thành một phần của Tập đoàn máy bay và vận tải Mỹ (tiền thân của Tập đoàn United Technologies ngày nay). Sikorsky đã chế tạo American Clip - chiếc máy bay vận tải biển khổng lồ có kích thước gần gấp đôi các máy bay khác thời bấy giờ, cho hãng Pan American Airlines, giúp hãng này đi tiên phong trong lĩnh vực giao thông xuyên đại dương. Cuối năm 1931, phi công Charles Lindberg thực hiện chuyến bay đầu tiên từ Miami đến Panama. 

Sáu tháng sau, một chiếc Clip khác bay ra khỏi Alameda (California) và mở một tuyến đường hàng không đến quần đảo Hawaii. Từ đó, Pan American Airlines đã sử dụng những chiếc máy bay này để mở các liên kết trên không giữa Mỹ và Argentina, sau đó là những tuyến hàng không khác từ các quốc gia dọc theo bờ biển Thái Bình Dương đến New Zealand. Năm 1937, chiếc Clip tiếp theo thực hiện chuyến bay thường xuyên đầu tiên trên bắc Đại Tây Dương. Chiếc máy bay lớn này đã khởi đầu cho loạt thiết bị tương tự, mở ra các tuyến hàng không của Mỹ bay qua tất cả đại dương. Trong số đó, tốt nhất là loại máy bay C-42, được hoàn thành năm 1934, giúp phi công Lindberg lập tám kỷ lục thế giới về tốc độ và tải trọng. 

Giấc mơ trở thành hiện thực

Trong giai đoạn thành công trên đất Mỹ, Sikorsky không bao giờ quên ước mơ chế tạo một chiếc máy bay lên thẳng. Đó là thử thách thu hút tất cả trí thông minh, nguồn năng lượng và tình yêu máy bay của ông từ thuở thiếu thời. Mùa xuân năm 1939, ông bắt đầu nghiên cứu chế tạo máy bay lên thẳng. Chỉ khoảng nửa năm, những vấn đề khó khăn nhất đã được ông khắc phục. Ngày 14-9-1939, chiếc máy bay lên thẳng Vought-Sikorsky VS-300 đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm. Ngày 24-5-1940, chuyến bay tự do đầu tiên đã diễn ra. Cấu hình động cơ cánh quạt hoàn chỉnh được trang bị trên VS-300 của Sikorsky đã được chứng minh là một cấu hình máy bay lên thẳng phổ biến nhất, được sử dụng trong hầu hết các máy bay lên thẳng hiện đại ngày nay. 

Năm 1941, sau khi thực hiện các thay đổi trong thiết kế, Sikorsky đã lập kỷ lục đầu tiên về thời gian của chuyến bay: 1 giờ 5 phút và 14 giây. Hai ngày sau, máy bay lên thẳng của ông được trang bị thêm hệ thống phao giúp cất và hạ cánh trên cạn và mặt nước. Từ thành công này, năm 1942 Sikorsky chế tạo ra mẫu Sikorsky R-4, chiếc máy bay lên thẳng đầu tiên được Không quân Mỹ sử dụng và cũng là chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới được sản xuất trên quy mô lớn. Năm 1957, chiếc máy bay theo thiết kế của Sikorsky đã được Nhà trắng ủy quyền sản xuất khi Tổng thống Mỹ D.Eisenhower yêu cầu một phương tiện di chuyển hiệu quả hơn trên quãng đường ngắn. Nhà trắng đã đặt hàng chiếc Sikorsky H-34 và sau đó, năm 1961 thay thế bằng Sikorsky SH-3 Sea King (Vua biển). Thống kê đến năm 2006, Nhà trắng đã sở hữu khoảng 19 máy bay lên thẳng theo thiết kế của Sikorsky để phục vụ Tổng thống và Phó Tổng thống. 

Năm 1963, Sikorsky được trao giải thưởng khoa học cao nhất của Hiệp hội kỹ sư cơ khí Mỹ (American Society of Mechanical Engineers, thành lập năm 1880 và hiện có hơn 110.000 thành viên tại 150 quốc gia). Ông trở thành một huyền thoại sống, được ghi danh ở đại sảnh “Danh vọng hàng không và vũ trụ quốc tế” năm 1966. Với chiếc máy bay lên thẳng do ông chế tạo, các chuyến bay lần đầu được thực hiện trên Đại Tây Dương (S-61 năm 1967), Thái Bình Dương (S-65 năm 1970) để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhiên liệu trên không. 

Huyền thoại Igor Sikorsky qua đời tại nhà riêng ở Easton, Connecticut ngày 26-10-1972, hưởng thọ 83 tuổi. Ông được nhớ đến như một anh hùng ở cả Mỹ và Nga, là người đi tiên phong với những phát minh vĩ đại trong lịch sử ngành hàng không thế giới. Điều quan trọng hơn cả là Igor Sikorsky và những chiếc máy bay của mình đã trở thành biểu tượng cho khát vọng lớn lao, ước mơ và niềm tin vào chính bản thân mỗi con người.