Đối phó đại dịch khi chưa có vaccine

Sự ra đời của vaccine được xem là một cuộc cách mạng lớn, mang lại các tiến bộ quan trọng của ngành y tế nói riêng và loài người nói chung. Nhưng trong nhiều thế kỷ trước, khi chưa có vaccine phòng ngừa, thế giới từng trải qua nhiều loại đại dịch khiến hàng triệu người chết. Để sinh tồn, nhân loại đã từng áp dụng nhiều biện pháp thô sơ, đơn giản để phòng, chống dịch bệnh. 

Một bức tranh mô tả sự hoành hành của bệnh dịch hạch ở châu Âu thời Trung cổ. Ảnh: GETTY
Một bức tranh mô tả sự hoành hành của bệnh dịch hạch ở châu Âu thời Trung cổ. Ảnh: GETTY

Đơn giản nhưng hiệu quả

Theo The Guardian, trước đây, tốc độ lây nhiễm của các loại đại dịch như dịch hạch, bạch cầu, cúm,... diễn biến khá nhanh và phức tạp, khiến dân số thế giới bị sụt giảm mạnh, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội, kinh tế của nhiều quốc gia. Thời điểm đó chưa có vaccine phòng ngừa bệnh nhưng có khá nhiều phương pháp thô sơ, đơn giản và phổ biến mà con người có thể áp dụng để đối phó dịch bệnh. Các giải pháp đó từng mang lại kết quả khá tích cực, giúp con người phần nào bảo vệ sức khỏe trước những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Một trong số những giải pháp phòng dịch là việc ban hành các bộ luật về phong tỏa, cách ly vì mục đích y tế, lần đầu được áp dụng để chống lại đại dịch dịch hạch vào năm 1377 ở thành phố cảng Ragusa (nay là TP Dubrovnik ở Croatia). Luật quy định: “Những người đến từ các khu vực có dịch hạch sẽ không được vào TP Ragusa trừ khi dành một tháng cách ly trên đảo Mrkan hoặc tại thị trấn Cavtat vì mục đích tránh lây nhiễm”. Các bác sĩ thời đó đã tiến hành quan sát và kết luận rằng biện pháp “cô lập cá thể mắc bệnh” có thể là cách ngăn ngừa tình trạng bệnh lan rộng ra cộng đồng. Cùng với đó, biện pháp phong tỏa, cách ly cũng được sử dụng khá phổ biến ở Mỹ trong thế kỷ 20 để chống lại sự bùng phát của dịch cúm mùa. Theo đó, những người đến San Francisco bằng đường biển đều bị cách ly trước khi vào thành phố. San Francisco và St. Louis ban hành lệnh cấm tụ tập đông người và yêu cầu đóng cửa các trường học, rạp chiếu phim, công viên... Trong khi đó, TP Philadelphia lại không áp dụng cách ly, gây ra hậu quả không nhỏ khi 31 bệnh viện của thành phố này đều bị quá tải. 

Giải pháp kế tiếp là đeo “mặt nạ”, tương tự khẩu trang hiện nay. Vào thế kỷ 14, khi điều trị các trường hợp bệnh dịch nguy hiểm lây lan nhanh, các bác sĩ thường đeo mặt nạ với hình dáng giống như chiếc mỏ chim dài, che miệng và mũi, nhằm tránh sự lây nhiễm qua đường hô hấp, đồng thời tạo ra khoảng cách với bệnh nhân. Đến thế kỷ 20, khẩu trang trở thành công cụ hữu ích hàng đầu trong việc ngăn chặn sự lây lan của các dịch bệnh. Ở một số vùng dịch, việc đeo khẩu trang là bắt buộc, người không tuân thủ bị phạt tiền hoặc thậm chí bỏ tù. 

Rửa sạch tay, sát trùng cũng là biện pháp từng được sử dụng phổ biến trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát. Trước đây, việc rửa tay thường xuyên vẫn là một điều mới mẻ cho đến khi các chuyên gia y tế Louis Pasteur (Pháp), Joseph Lister (Anh) và Robert Koch (Đức) đưa ra nhận định khoa học rằng nhiều căn bệnh là do vi sinh vật (vi khuẩn, virus) không nhìn thấy bằng mắt thường gây ra. Do đó, rửa tay bằng xà-phòng, cồn sát khuẩn là một giải pháp hữu hiệu giúp hạn chế sự lây lan của vi khuẩn khi tiếp xúc bằng tay.

Tiếp đó, việc phân phối đồ ăn, thức uống từ xa cũng được áp dụng để phòng dịch bệnh lây lan. Vào thế kỷ 17, một số thương gia ở vùng Tuscany (Italia) đã áp dụng giải pháp bán hàng hóa mà không phải đi vào những khu vực dịch bệnh. Theo đó, họ dựng những ngôi nhà trung gian, có cửa sổ hẹp để giao dịch với khách hàng. Khách ở bên trong đợi, người bán sẽ chuyển đồ qua cửa sổ, tránh tiếp xúc trực tiếp. Sau đó, phương pháp này còn được bổ sung bằng cách sử dụng giấm chua như chất khử trùng khi giao nhận tiền, hàng.

Ngoài ra, sinh hoạt trong không khí trong lành và hình thức trường học ngoài trời nhằm giảm lây nhiễm cũng là biện pháp đối phó dịch bệnh. Đầu thế kỷ 20, Đức trở thành quốc gia tiên phong trong việc tạo dựng trường học ngoài trời khi có đại dịch. Hình thức này sau đó được nhân rộng ở Mỹ và nhiều quốc gia khác. Người ta cho rằng, sinh hoạt trong không khí trong lành không chỉ là một biện pháp để duy trì nhịp sống bình thường mà còn giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể để chống lại dịch bệnh. 

Để phòng ngừa, ngăn chặn đại dịch triệt để hơn, từ năm 1918, giới chức y tế nhiều nước đã áp dụng những hành động phòng ngừa bắt buộc, như khai báo các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, đóng cửa và dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng, đóng cửa các địa điểm đông người, khuyến cáo rửa tay thường xuyên, đeo mặt nạ... Thực tế cho thấy, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống thô sơ trong giai đoạn chưa nghiên cứu ra vaccine đã đạt được hiệu quả cao, vì lượng người mắc bệnh giảm và môi trường sống được cải thiện.

Vũ khí phòng dịch hữu hiệu nhất

Tờ The Conversation cho biết, đại dịch Covid-19 xuất hiện vào cuối tháng 12-2019 ở Vũ Hán (Trung Quốc), sau đó nhanh chóng lây lan ra 215 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo số liệu của trang thống kê Worldometers.info, tính đến sáng 7-3-2021 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 117 triệu ca mắc dịch Covid-19, trong đó gần 2,6 triệu ca tử vong; hơn 92 triệu bệnh nhân đã hồi phục trong khi vẫn còn gần 22 triệu ca đang được điều trị. Nhiều quốc gia đang tích cực thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển vaccine, thuốc đặc trị để đối phó đại dịch. Trong đó, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Đức... là các quốc gia tiên phong, đã thu được những kết quả tích cực và đang trong quá trình thử nghiệm vaccine phòng ngừa giai đoạn hai. Song trước khi hoàn thiện vaccine để đưa vào sử dụng hàng loạt, trước mắt các quốc gia đã áp dụng các phương pháp của hơn 100 năm trước để đối phó đại dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, rửa tay sát trùng, tránh tụ tập đông người. 

Tại châu Á, chính phủ các quốc gia kêu gọi và hỗ trợ người dân nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và nó đem lại hiệu quả lập tức trong công tác kiểm soát dịch Covid-19. Trong khi đó, do tâm lý chủ quan nên các nước ở châu Âu không áp dụng nghiêm ngặt những biện pháp phòng dịch, cho đến khi tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp mới siết chặt các quy định. Các quốc gia cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh đã tăng cường hỗ trợ các vùng, lãnh thổ khác trên thế giới về vật tư y tế, khẩu trang, chất sát khuẩn... 

Việc sử dụng các biện pháp đã góp phần hạn chế số lượng người bị lây nhiễm, nhưng về lâu dài, vaccine vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất trong việc ngăn ngừa dịch bệnh. Nghiên cứu đầu tiên về vaccine được ghi nhận vào năm 1796, do nhà khoa học Edward Jenner (người Anh) thực hiện. Sau này, nhà khoa học Louis Pasteur với các công trình nghiên cứu về vi sinh học và miễn dịch học đã mở đường cho những kiến thức hiện đại về vaccine. Từ đó đến nay, nhiều loại vaccine đã được nghiên cứu và thử nghiệm hiệu quả trên người, hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh.

Theo thống kê, mỗi năm trên toàn thế giới, vaccine giúp ngăn ngừa tới ba triệu ca tử vong. Kể từ khi vaccine được giới thiệu ở Anh, các bệnh như đậu mùa, bại liệt và uốn ván, từng giết chết hàng triệu người đã được khống chế; các bệnh khác như sởi và bạch hầu đã giảm tới 99,9%. Vaccine không chỉ có ý nghĩa về mặt chăm sóc sức khỏe mà còn giúp cắt giảm nhu cầu y tế và chi phí cho khám, chữa bệnh. Nghiên cứu, triển khai vaccine ngừa bệnh có thể tốn kém, người tiêm phải trả một khoản phí nhất định nhưng hiệu quả mang lại khó có thể đo đếm. 

Tuy quá trình chế tạo vaccine khó khăn và tốn nhiều thời gian vì dịch bệnh thường ảnh hưởng trên quy mô lớn, có nhiều biến thể, liên tục thích nghi môi trường và vật chủ theo cách khác nhau, nhưng rõ ràng nếu không có vaccine để phòng ngừa, tình trạng dịch bệnh sẽ rất khó khống chế. Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực nghiên cứu thành công vaccine với chung kỳ vọng rằng sẽ chặn đứng đại dịch Covid-19.