Cuộc khủng hoảng của Monsanto

Những ngày qua, trên khắp thế giới đã diễn ra nhiều cuộc tuần hành phản đối Công ty công nghệ sinh học nông nghiệp Monsanto, thuộc Tập đoàn dược phẩm Bayer của Đức, vì các cáo buộc sản phẩm của hãng này gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người. Phản ứng mạnh mẽ từ phía dư luận tiếp tục khiến Monsanto lao đao, đặc biệt sau khi bị xử thua trong nhiều vụ kiện pháp lý thời gian qua.

Thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto. Ảnh: GETTY
Thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto. Ảnh: GETTY

Bê bối liên tiếp

Theo Reuters, ngày 13-5 vừa qua, một tòa án tại thành phố Oakland, (bang California - Mỹ) đã yêu cầu Công ty Monsanto phải bồi thường mức tiền kỷ lục cho hai vợ chồng Alva và Alberta Pilliod, khoảng 70 tuổi, bị ung thư do sử dụng thuốc Roundup chứa chất diệt cỏ glyphosate của hãng này. Cụ thể, bồi thẩm đoàn quyết định Monsanto phải trả tổng cộng hai tỷ USD tiền phạt và thêm 55 triệu USD bồi thường thiệt hại. Công ty này cũng bị cáo buộc là tắc trách khi không cảnh báo khách hàng về những nguy cơ gây ung thư của thuốc diệt cỏ Roundup.

Sau khi nhận được bản án, tập đoàn mẹ của Monsanto là Bayer bày tỏ sự thất vọng với bồi thẩm đoàn và tuyên bố sẽ kháng cáo. Người phát ngôn của Bayer gọi phán quyết của bồi thẩm đoàn là “quá mức và vô lý”. Công ty này cho rằng cặp vợ chồng trên có tiền sử bệnh lâu năm và đây được cho là yếu tố chính gây ung thư, chứ không phải do loại thuốc diệt cỏ mà họ sử dụng. Bayer còn lập luận rằng các nghiên cứu trong nhiều thập kỷ của công ty này và các nhà khoa học độc lập đều cho thấy chất glyphosate trong thuốc diệt cỏ Roundup an toàn với người dùng.

The New York Times cho biết, kể từ năm ngoái, đây là phán quyết thứ ba ở California nhắm vào Monsanto. Trước đó, tháng 8-2018, Monsanto cũng vấp phải một vụ kiện và phải bồi thường thiệt hại lên tới 289 triệu cho ông Dewayne Johnson. Tiếp đến, tháng 3 vừa qua, công ty này cũng buộc phải đền bù thiệt hại gần 80 triệu USD cho phía nguyên đơn là ông Edwin Hardeman, một người làm vườn sống tại hạt Sonoma (bang California). Tất cả những vụ việc này đều liên quan cáo buộc sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup của hãng này chứa chất gây ung thư. Hiện Bayer phải đối mặt hơn 13.400 vụ kiện tương tự.

Theo các nhà khoa học, hoạt chất glyphosate có trong thuốc diệt cỏ Roundup bị Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt vào danh sách những chất có khả năng gây ung thư vào năm 2015. Tuy nhiên, Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) khẳng định, chất này an toàn, vẫn đang được phép sử dụng tại Mỹ và các quốc gia châu Âu. Trong khi sự an toàn của hóa chất này vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi, thì mới đây Monsanto bị phát hiện thuê một công ty quảng bá lập danh sách khoảng 200 chính trị gia, nhà khoa học, nhà báo cùng quan điểm với công ty này về thuốc trừ sâu và cây trồng biến đổi gen để có thể gây tác động trái chiều lên dư luận. Phát hiện của cơ quan chức năng khiến dư luận vô cùng phẫn nộ, bởi hành động này cho thấy rõ ràng Monsanto không quan tâm Roundup có gây ung thư hay không, thay vào đó họ tập trung thao túng dư luận và vùi dập những ý kiến nêu lên lo ngại chính đáng về Roundup.

Sau khi đánh giá sơ bộ, Tập đoàn Bayer đã phải thừa nhận bê bối kể trên của Monsanto và cho rằng, việc lập danh sách này “gây quan ngại”, tuy nhiên khẳng định hành động này không vi phạm pháp luật. Và Bayer đã chính thức xin lỗi người tiêu dùng trên toàn thế giới. Dù vậy, công chúng vẫn cho rằng các hành vi của Monsanto là khó có thể dung thứ.

Gia tăng làn sóng phản đối

Kể từ khi thành lập năm 1901, Monsanto đã nhiều lần vướng bê bối gây nguy hại cho môi trường và tính mạng con người. Để phản đối công ty này, năm 2013, người dân thế giới đã lập ra “Ngày tuần hành thế giới chống Monsanto” vào tháng 5 hằng năm. Phong trào này đã thu hút người dân của khoảng 50 quốc gia tham gia. Ngày 18-5 vừa qua, phong trào diễn ra ở nhiều thành phố khắp châu Âu, châu Mỹ và mạnh mẽ nhất tại Pháp, bởi nước này là nơi tiêu thụ thuốc trừ sâu nhiều thứ hai ở châu Âu và nhiều thứ ba trên thế giới. Năm nay, hàng nghìn người dân tại khoảng 40 thành phố lớn của Pháp đã tham gia cuộc tuần hành phản đối Monsanto.

Những người phản đối Monsanto đã xuống đường với các biển hiệu và mặt nạ, tố cáo ảnh hưởng chết người từ các sản phẩm của Monsanto, gồm cả các sản phẩm biến đổi gen. “Nói không với thuốc trừ sâu! Chúng tôi muốn cây cỏ và động vật tự nhiên!” là một trong những khẩu hiệu của người tham gia cuộc tuần hành phản đối các sản phẩm của Monsanto. Thậm chí hàng chục người tại Pháp xông vào trụ sở chính của Bayer tại Pháp để phản đối Monsanto. Trong khi một số người nằm giả chết thì một nhóm khác lại làm hành động phun hóa chất nhằm diễn tả sự độc hại của thuốc trừ sâu.

Theo AFP, cuộc tuần hành này năm nay diễn ra ngay trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP). Nhiều ứng cử viên của cuộc bầu cử tuyên bố kiên quyết chấm dứt các hoạt động vận động hành lang của Monsanto tại các cơ quan chủ chốt của châu Âu tại Thủ đô Brussels (Bỉ). Họ dự định sẽ đưa việc ngừng sử dụng thuốc hóa học trừ sâu trở thành ưu tiên trong nhiệm kỳ mới của EP. Trong khi đó, mới đây Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố chất glyphosate sẽ bị hạn chế sử dụng ở Pháp từ năm 2020. Ông Macron cũng không đồng tình với quyết định gia hạn Giấy phép sử dụng glyphosate trong vòng 5 năm của Liên hiệp châu Âu (EU).

Tại Argentina, dù không có quy định về glyphosate trên toàn quốc, song lãnh đạo địa phương ở các thành phố và thị trấn đã thông qua những biện pháp hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ. Tháng 8-2018, một tòa án ở Brazil đình chỉ giấy phép các sản phẩm có chứa glyphosate, vốn được sử dụng rộng rãi tại cường quốc nông nghiệp ở khu vực Mỹ latin này.

Các vụ kiện cùng nhiều vụ bê bối liên tiếp đang khiến cổ đông nghi ngờ quyết định của Bayer, tập đoàn dược phẩm hàng đầu của Đức từng làm nên danh tiếng với thuốc aspirin, khi mua lại Monsanto. Tháng 6-2018, bất chấp những tai tiếng, Bayer đã sáp nhập Monsanto với giá 66 tỷ USD. Đây cũng là thương vụ mua bán và sáp nhập lớn nhất lịch sử của tập đoàn này.

Theo Bloomberg, sau những bê bối liên tiếp, ngày 14-5 vừa qua, giá trị cổ phiếu Tập đoàn Bayer tại thị trường Frankfurt (Đức) đã giảm 6,8%, xuống mức thấp nhất trong gần bảy năm qua. Bayer cho biết lợi nhuận ròng đã giảm 36%, xuống 1,38 tỷ USD trong quý I-2019 trong bối cảnh tập đoàn phải “gánh” chi phí liên quan việc xử lý hàng loạt vụ kiện liên quan thuốc diệt cỏ Roundup của Công ty Monsanto.

Trước tình hình đó, đại diện Tập đoàn Bayer vẫn bảo vệ Monsanto và khuyến nghị “các cơ quan quản lý trên toàn thế giới coi thuốc diệt cỏ glyphosate là an toàn khi sử dụng theo chỉ dẫn”. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những đánh giá và lập luận trên là chưa đủ để trấn an các cổ đông. Trong bối cảnh phải đối mặt hàng chục nghìn vụ kiện tương tự liên quan Công ty Monsanto, cùng những phán quyết nghiêm khắc của các bồi thẩm đoàn, nếu không có các biện pháp nhằm cải thiện tình hình, nhiều khả năng Tập đoàn Bayer sẽ lâm vào cảnh lao đao trong thời gian tới do sự tẩy chay của người tiêu dùng và chính phủ các nước.