Cuộc chiến chống Covid-19 tại châu Âu

Ngày 11-3 vừa qua, thế giới tưởng niệm 10 năm thảm họa động đất gây sóng thần ở Nhật Bản khiến 15.893 người thiệt mạng. Tại châu Âu, đây cũng là thời điểm để chính phủ các nước đánh giá lại hậu quả sau một năm những dư chấn đầu tiên của đại dịch Covid-19, các đổi thay trong xã hội và nguy cơ tiềm tàng ở “lục địa già”. 

Thủ đô Paris vắng vẻ trong lệnh phong tỏa mới nhất. Ảnh: FRANCE24
Thủ đô Paris vắng vẻ trong lệnh phong tỏa mới nhất. Ảnh: FRANCE24

“Sống chung với Covid”

Một năm trôi qua, người dân châu Âu đã dần làm quen với các khái niệm như phong tỏa, giãn cách, giờ giới nghiêm… Từ một châu lục với những đường biên mở giữa các nước thành viên, chỉ sau vài ngày, đại dịch Covid-19 đã buộc các nước phải khép lại đường biên. Italia, Pháp, Đức, Anh, Áo, Tây Ban Nha,… và các nước thành viên khác đều trong tâm thế chống dịch.

Pháp được xem là “nạn nhân” đầu tiên của Covid-19, sau khi một người đàn ông 60 tuổi được xác nhận chết vì nhiễm virus SARS-CoV-2 vào ngày 26-2-2020 tại Thủ đô Paris. Bằng chứng về sự hủy hoại của virus trên lãnh thổ đã rõ ràng, song tại thời điểm đó, chính phủ và người dân vẫn chưa có động thái chính thức nào. Đến ngày 16-3-2020, trong một bài diễn văn trên truyền hình, Tổng thống Pháp E. Macron tuyên bố nước Pháp đang đối mặt một cuộc chiến không cân sức và toàn nước Pháp sẽ phong tỏa. Sự chủ quan đã khiến Pháp và châu Âu trở tay không kịp trước tốc độ lây lan của virus. Tất cả mọi thứ đều thiếu: khẩu trang, các bộ kít xét nghiệm, máy trợ thở... Bắt đầu từ đây, nước Pháp trải qua một năm bất ổn với những thay đổi liên tục trong phương thức hành động chống dịch. Sau khi lệnh phong tỏa gần hai tháng chấm dứt, ngày 11-5, nước Pháp đã thống kê được 26.000 người chết vì Covid-19, buộc Chính phủ Pháp phải duy trì lệnh hạn chế đi lại.

Sau Pháp, Italia - quốc gia với 60 triệu dân, cũng chính thức phong tỏa toàn quốc sau khi con số người nhiễm virus lên tới 9.172 và 463 người chết. Người dân Italia chỉ được phép ra khỏi nhà vì những lý do sức khỏe và mua nhu yếu phẩm. Mọi cuộc di chuyển đều phải có giấy phép, nếu vi phạm có thể bị lĩnh án tù. Nỗi ám ảnh về nạn dịch hạch trong quá khứ đang tái hiện tại châu Âu, tuy nhiên người dân vẫn hy vọng vào sự biến mất của dịch Covid-19 như điều kỳ diệu đã từng xảy ra với dịch SARS năm 2003. Tuy nhiên, phép mầu đó vẫn chưa xảy ra.

Số người chết tại Italia gia tăng nhanh chóng, các bệnh viện bắt đầu quá tải, vật tư y tế bắt đầu trở lên khan hiếm và khi đó người dân châu Âu mới hiểu rõ mối đe dọa của dịch bệnh. Ngày 12-3, Mỹ chính thức cấm nhập cảnh đối với khách du lịch đến từ khu vực tự do đi lại ở châu Âu (Schengen). Những tấm hộ chiếu quyền lực nhất thế giới lần đầu nhận ra sự giới hạn về đường biên. Cùng ngày, trước nguy cơ lây lan dịch bệnh, nước Áo chính thức thiết lập lại đường biên với Italia. Điều đó có nghĩa là giới chức châu Âu bắt đầu đưa ra các hành động cụ thể để phòng, chống dịch, tuy không nhất quán và không đồng đều ở mỗi quốc gia. Để qua biên giới Áo, người dân phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, trong khi ở một số nước, việc làm này được coi là không cần thiết. Điển hình là Romania, cho đến cuối tháng 12-2020, việc xét nghiệm vẫn coi là không cần thiết trong trường hợp khách du lịch ở lại dưới 72 giờ trên lãnh thổ.

Trong khi đó, ở Tây Ban Nha, giới chức nước này đã áp dụng những biện pháp phòng dịch gắt gao. Bắt đầu từ ngày 14-3 đến 26-4, người dân bị cấm ra khỏi nhà hoàn toàn, trừ trong các trường hợp tuyệt đối cần thiết. Sau đó, chính quyền nới lỏng hơn các biện pháp phong tỏa, cho phép người dân ra ngoài một giờ mỗi ngày và trong bán kính quy định. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau, Tây Ban Nha đã thay đổi toàn bộ phương thức hành động chống dịch, bất chấp số tử vong vẫn tăng cao. Từ giữa tháng 7, Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố dỡ bỏ tất cả giới hạn. Theo đó, nhà hàng, bảo tàng, sân khấu,… được mở trở lại và hoạt động bình thường. Mặc dù ở thời điểm này, Tây Ban Nha đã có hơn 72.000 nạn nhân của Covid-19.

Hy vọng mới từ vaccine 

Mặc dù không triệt để chống dịch ngay từ đầu, nhưng từ những ngày cuối năm 2020, khi những biến thể của virus bắt đầu xuất hiện và khiến các kế hoạch nghiên cứu vaccine trở lên khó khăn hơn, một số nước châu Âu đã dần tìm ra hướng đi mới để chống dịch.

Ở Italia, để tránh lây nhiễm cộng đồng, một lần nữa chính phủ nước này phải áp dụng các biện pháp giãn cách. Khác với cuộc giãn cách lần một, ở đợt lây nhiễm mới, giới chức Italia chọn giãn cách cục bộ. Theo đó, nước Italia được chia làm ba mầu vàng, cam và đỏ. Tất cả các khu vực trong diện mầu đỏ sẽ phải chịu lệnh phong tỏa, trong khi các khu vực thuộc hai mầu còn lại được áp dụng giãn cách xã hội và hạn chế đi lại.

Còn tại Hy Lạp, dù số liệu cho thấy các biện pháp phòng, chống dịch đã mang lại hiệu quả cao hơn so các nước trong khu vực, chính phủ nước này vẫn áp dụng những giải pháp đề phòng. Các trường trung học chuyển sang giáo dục từ xa, các trung tâm mua sắm không thiết yếu và giải trí đóng cửa. Khách du lịch đến Hy Lạp phải xuất trình giấy chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2. Tương tự, ở Na Uy - một trong các quốc gia ở châu Âu ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch, chính quyền vẫn thắt chặt các biện pháp phòng dịch. Các quán bar và nhà hàng, phòng tập thể dục, rạp chiếu phim, nhà hát, bể bơi và địa điểm công cộng ở Thủ đô Oslo phải đóng cửa; giáo dục từ xa được áp dụng từ cấp trung học.

Sau đợt thả lỏng nhằm kích thích kinh tế phát triển trong kỳ nghỉ hè 2020, một tháng sau ngày tựu trường, nước Pháp phải đối diện với sự bùng phát dịch lần hai. Ngày 14-10-2020, một lần nữa Tổng thống E. Macron đã buộc phải áp dụng lệnh giới nghiêm, hạn chế đi lại. Người dân chỉ được phép đi lại trong bán kính 100 km và phải trở về nhà trước 21 giờ đêm. Với đợt giãn cách lần này, các hoạt động kinh tế, giáo dục, thương mại và một số các hoạt động văn hóa bị giới hạn giờ giấc và hạn chế số lượng người có mặt cùng một lúc. Tuy nhiên, một tháng sau đó, trước nhiệm vụ kích cầu mua sắm dịp lễ, nước Pháp lại nới lỏng hạn chế. Chỉ vài tuần sau đó, khi con số người chết vì Covid-19 tăng đột biến, Chính phủ Pháp phải tăng cường giờ giới nghiêm trên toàn quốc.

Đến nay, sau châu Mỹ nơi có hơn một triệu người chết, châu Âu trở thành châu lục bị dịch bệnh hủy hoại nặng nề nhất. Trước thực trạng trên, bắt đầu từ ngày 27-12-2020, chính phủ các nước châu Âu chính thức bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine, một chiến dịch bị đánh giá quá chậm so khả năng y tế của khu vực. Tính đến thời điểm hiện tại, cả châu Âu mới đạt được hơn 6% dân số tiêm chủng. Tuy nhiên, do thiếu lượng vaccine, các nước châu Âu buộc phải chọn lựa những đối tượng ưu tiên. Tính đến ngày 18-3, các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) đã phân phối hơn 55 triệu liều vaccine cho 8,5% dân số của khu vực này.

Sau khi giới chức EU kiểm nghiệm và tuyên bố khẳng định vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca (liên doanh Anh - Thụy Điển) là an toàn, ngày 18-3, người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu, ông Hans Kluge nhấn mạnh, việc tiêm vaccine của hãng AstraZeneca mang lại lợi ích lớn hơn bất kỳ nguy cơ nào, do đó các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu nên tiếp tục sử dụng loại vaccine này.

Có thể thấy, sau một năm chống dịch, các quốc gia châu Âu đang dần thay đổi nhận thức về phòng, chống dịch. Ngay cả những quốc gia vốn ưu tiên phát triển kinh tế, lơ là phòng dịch như Pháp nay đã cũng đã hiểu ra mối nguy hiểm của bệnh dịch lần này. Cùng với vaccine, ý thức chống dịch đã cao hơn của các quốc gia châu Âu có thể là chìa khóa để “lục địa già” dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19.