“Chiêu bài” tăng giá của các hãng dược

Một số hãng dược phẩm ở Mỹ sử dụng nhiều “chiêu thức” khác nhau để có thể duy trì được thế độc quyền, từ đó có thể tăng giá thuốc như mong muốn. Một số hãng đã lấy lý do cạnh tranh theo cơ chế thị trường để tối đa hóa lợi nhuận, trong khi những bệnh nhân phải chịu.

Bút tiêm EpiPen bị tăng giá mà không có lý do rõ ràng trên thị trường Mỹ. Ảnh: CNN
Bút tiêm EpiPen bị tăng giá mà không có lý do rõ ràng trên thị trường Mỹ. Ảnh: CNN

Trục lợi nhiều nhất có thể

Ngày nọ, bà mẹ người Mỹ Amie Vialet De Montbel đến hiệu thuốc mua EpiPen (bút tiêm thuốc epinephrine dùng để điều trị sốc phản vệ) đề phòng trường hợp con bà bị dị ứng sữa. Tuy nhiên, đến khi nhận hóa đơn, Montbel bất ngờ phát hiện giá của hai gói thiết bị EpiPen đã tăng lên tới 1.212 USD, so giá chỉ chưa đến 200 USD/chiếc mà bà từng mua.

Sau khi nhận được khiếu nại của nhiều người tiêu dùng về việc giá EpiPen quá cao, Quốc hội Mỹ đã lập một ủy ban điều tra về vụ việc. Kết quả cho thấy, chỉ trong vài tháng, giá của một thiết bị EpiPen đã tăng “phi mã” mà không có bất kỳ lý do đặc biệt nào. Nếu tính từ năm 2004, giá loại thuốc này đã tăng đến 4,5 lần. Trước đây, người tiêu dùng không nhận ra sự tăng giá như vậy bởi phần lớn hóa đơn thuốc được bảo hiểm thanh toán. Tuy nhiên, đến gần đây, khi chính sách bảo hiểm thay đổi và người bệnh phải trả nhiều tiền hơn cho hóa đơn thuốc của họ, họ mới thật sự nhận ra sự tăng giá khủng khiếp. 

EpiPen là một loại thiết bị vô cùng phổ biến ở Mỹ. Hàng triệu người cần đến sản phẩm này và thường mang theo EpiPen để đề phòng trong trường hợp bị dị ứng. Nhiều trường học tại Mỹ phải có EpiPen trong tủ thuốc nhà trường. 

Theo tính toán của các chuyên gia y tế, chi phí để sản xuất một liều thuốc trong bút tiêm EpiPen chỉ vài USD nhưng công ty đã đẩy giá của một liều tiêm lên đến hơn 600 USD - mức chênh lệch được đánh giá là thật sự khủng khiếp. Lý do mà hãng sản xuất sản phẩm đưa ra là do họ phải trả tiền bản quyền sáng chế. Theo một báo cáo, hãng dược phẩm Mylan đã mua bản quyền sản xuất EpiPen từ năm 2007. Kể từ đó, hãng đã dần tăng giá niêm yết của sản phẩm từ khoảng 50 USD cho mỗi liều thuốc lên đến hơn 600 USD mỗi gói vào giữa năm 2018. Động thái này đã thúc đẩy lợi nhuận mà Mylan thu được từ chỉ riêng EpiPen đã lên tới 1,1 tỷ USD mỗi năm. Qua đó, Giám đốc điều hành của hãng là bà Heather Bresch đã nhận được mức lương tăng vọt, lên tới gần 19 triệu USD trong năm 2015. Bản thân Mylan nhiều lần bị các công ty dược phẩm khác cáo buộc cố gắng chèn ép các đối thủ. Vào năm 2009, Mylan đã kiện hãng dược Teva về cáo buộc vi phạm bằng sáng chế, khiến Teva phải chấp nhận thỏa thuận rút sản phẩm của hãng khỏi thị trường cho đến năm 2015. 

Các nhà sản xuất khác cũng đã tạo ra các loại dụng cụ tiêm tự động epinephrine khác nhau, đáng chú ý nhất là Adrenaclick và Auvi-Q, nhưng các sản phẩm này có cơ chế hoạt động khác với EpiPen, phức tạp hơn và được kết luận là không thể được xem là phiên bản hoàn chỉnh của sản phẩm gốc. Trong khi đó, do EpiPen đã ra mắt trước và được người Mỹ đã quen dùng trước khi có lựa chọn thay thế. Đây cũng được cho là một lý do khiến Công ty Mylan sản xuất ra EpiPen tăng giá bất chấp dư luận.

Cuối năm 2018, Nostrum Laboratories - một nhà sản xuất thuốc nhỏ ở bang Missouri của Mỹ, cũng khiến dư luận bất bình khi thông báo tăng gấp bốn lần giá của một lọ kháng sinh nitrofurantoin, từ 474,75 USD/lọ lên 2.392 USD/lọ. Nostrum càng khiến người bệnh bức xúc hơn khi Giám đốc điều hành của hãng này Nirmal Mulye trong một tuyên bố nói rằng ông có quyền tính giá thuốc nhiều nhất có thể. Theo Mulye, Nostrum tăng giá sản phẩm sau khi Casper Pharma - một đơn vị cũng sản xuất kháng sinh nitrofurantoin với tên thương hiệu là Furadantin, đã tiến hành bước đi tương tự. Theo CNN, trong giai đoạn từ cuối năm 2015 đến tháng 3-2018, Casper đã tăng giá sản phẩm của công ty này lên thêm 182%, khiến mỗi lọ sản phẩm kháng sinh của công ty có giá lên tới 2.800 USD. 

Ông Mulye cho rằng, quyết định tăng giá sản phẩm của công ty mình là “nghệ thuật đàm phán”, tương tự việc bán một bức tranh với giá lên tới nửa tỷ USD. Giám đốc Nostrum cũng ra sức bảo việc quyết định tăng giá một loại thuốc điều trị AIDS và ung thư từ 13,5 USD lên 750 USD mỗi viên vào năm 2015 của Giám đốc Công ty dược Turing, Martin Shkreli. “Tôi đồng ý với quyết định tăng giá của Martin Shkreli. Ông ấy có quyền làm như vậy vì còn phải trả tiền cho các cổ đông”, Mulye nói.

Theo Mulye, Shkreli có thể tăng giá thuốc Daraprim gấp nhiều lần bởi công ty của ông ta là đơn vị duy nhất sản xuất loại thuốc này: “Nếu ông ta là người duy nhất bán loại thuốc đó thì ông ta có thể kiếm nhiều tiền nhất có thể. Đây là nền kinh tế tư bản và nếu không thể kiếm được tiền thì anh không thể phát triển kinh doanh”. Theo truyền thông Mỹ, sở dĩ các công ty như Nostrum và Casper có thể tăng giá thuốc kháng sinh mạnh như vậy là do sự thiếu hụt về nguồn cung các sản phẩm, sau khi Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ban hành những quy định mới về tạp chất trong thuốc.

Ông Scott Gottlieb - một quan chức của FDA, trong một tuyên bố cho biết không có quy định bắt buộc về mặt đạo đức đối với việc kiểm soát giá cả. Tuy nhiên, FDA sẽ tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh để các nhà đầu cơ và những người liên quan không thể lợi dụng những bệnh nhân cần dùng thuốc để trục lợi. 

Lách luật để tăng giá

Bà Erin Fox, Giám đốc Trung tâm thông tin dược phẩm tại Trường đại học Y Utah ở Mỹ, sau một thời gian theo dõi về tình trạng thiếu hụt thuốc đã phát hiện “chiêu thức” đáng chú ý nhằm đẩy giá thuốc lên cao. Cụ thể, bà Fox cho biết, năm 2015, bà đã bị sốc khi chi phí một năm dành cho Isoproterenol - một loại thuốc có tác dụng giúp giảm đau tim và đột quỵ, ổn định huyết áp của bệnh nhân đã tăng vọt từ 300.000 USD lên 1,9 triệu USD. Nguyên nhân của việc này được xác định là do nhà sản xuất thuốc Valete đã đột nhiên tăng giá Isoproterenol từ 440 USD lên khoảng 2.700 USD một liều. 

Tại Mỹ, Luật Cạnh tranh giá thuốc và bằng sáng chế năm 1984 bao gồm các quy định bảo vệ độc quyền cho các công ty dược phẩm đối với một loại thuốc mới. Theo luật này, nếu các công ty dược phẩm bào chế được một sản phẩm thuốc có chứa dược chất mới, họ được hưởng sự bảo vệ bằng sáng chế để độc quyền bán sản phẩm trên thị trường. Đó là phần thưởng cho việc công ty dược đã chấp nhận gánh vác rủi ro và chi phí cao khi phát triển các loại thuốc mới. Trong thời gian bảo hộ, một công ty khác muốn sản xuất thuốc theo biệt dược gốc phải được sự cho phép của hãng độc quyền, đồng thời phải trả tiền bản quyền. 

Tuy nhiên, một khi bằng sáng chế và độc quyền trên thị trường hết hạn, luật pháp Mỹ khuyến khích cạnh tranh để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Quy định của đạo luật trên khẳng định bất kỳ công ty dược phẩm nào cũng có thể sản xuất các phiên bản không có thương hiệu của cùng một loại thuốc, được gọi là thuốc gốc. Trong một thời gian, hệ thống các quy định trên đã phát huy hiệu quả đáng kể. Nhiều loại thuốc được tung ra thị trường với giá cả cạnh tranh, giúp người bệnh được tiếp cận với nhiều loại thuốc tốt với giá cả hợp lý. Các công ty sản xuất thuốc gốc cũng có thể tìm cách lách luật để duy trì thế độc quyền của họ thêm một thời gian. Theo đó, các công ty giữ bằng sáng chế thuốc có thể bán một loại thuốc mà họ đã sản xuất dưới một tên khác để kéo dài thêm được việc độc quyền sản xuất và phân phối thuốc.