Thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Xuất phát từ những đòi hỏi tất yếu trong quá trình quản lý đô thị, dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội đã được Quốc hội thông qua. Nếu thực hiện tốt, điều này sẽ giảm tinh gọn hệ thống quản lý, đồng thời giúp chính quyền gần dân hơn.

Hà Nội tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng cung cấp các loại dịch vụ công.
Hà Nội tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng cung cấp các loại dịch vụ công.

Những bất cập cần đổi mới

Tại Thủ đô, mô hình chính quyền cho cả hai loại hình đô thị và nông thôn đang thể hiện nhiều bất cập. Thực tiễn cho thấy, mô hình tổ chức HÐND và UBND theo quy định pháp luật hiện hành khá lộn xộn, chồng chéo nhiệm vụ, chức năng. Vì thế, yêu cầu đổi mới là điều tất yếu.

Hiện nay, dù phân cấp đến từng lĩnh vực nhưng chưa có sự phân định rõ trong quản lý hành chính Nhà nước ở đô thị với nông thôn. Về cơ bản, thẩm quyền và mô hình tổ chức chính quyền ở các địa bàn đô thị và nông thôn của thành phố gần như giống nhau. Tổ chức chính quyền quận - phường trên địa bàn không phản ánh tính chất và đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị, do đó, khó bảo đảm chức năng của một cấp chính quyền đô thị.

Ngoài ra, mô hình tổ chức các cấp chính quyền thành phố hiện hành còn thiếu đồng bộ, chưa dựa vào các thành tố quan trọng của đô thị như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, giao thông, phúc lợi công cộng… Hệ quả là chức năng điều hòa và phối hợp của bộ máy hành chính còn yếu kém, hiệu lực và hiệu quả quản lý hành chính chưa cao, bộc lộ những mâu thuẫn giữa khung pháp lý với yêu cầu phát triển xã hội. Bên cạnh đó, quá trình phân cấp quản lý một số lĩnh vực cũng chỉ mang tính chất tình thế, chưa đáp ứng được nhu cầu từ thực tiễn.

Từ thực tế trên, TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho thí điểm ở nông thôn giữ nguyên mô hình hiện nay và nâng cao chất lượng hoạt động. Còn ở 12 quận, thị xã thì thực hiện chính quyền cấp thành phố và quận, ở phường tổ chức lại UBND là một ủy ban hành chính thực hiện các nhiệm vụ do UBND quận phân công và không tổ chức HĐND phường, nhưng các hoạt động được thể chế hóa trong hoạt động HĐND quận.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND quận, thị xã thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn như bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường; Tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng, kỷ luật công chức phường; Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND phường…

Nâng tầm quản lý đô thị

Việc mở rộng sự phân cấp cho chính quyền thành phố trên một số lĩnh vực, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để thành phố chủ động, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện chức năng quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn. Đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý ngân sách, hạ tầng kỹ thuật đô thị, tăng mức đóng góp cho T.Ư và các khoản đầu tư cho thành phố. Tuy nhiên, việc thực hiện phân cấp mới chỉ là giải pháp tình thế cho giai đoạn ngắn hạn, chưa giải quyết được những vấn đề cơ bản là đổi mới cơ cấu, tổ chức bộ máy chính quyền thành phố cho phù hợp xu thế phát triển của đô thị.

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy sau kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, mục tiêu của Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội vừa được Quốc hội thông qua là xây dựng hệ thống chính quyền hiệu lực, hiệu quả, gần dân hơn, đáp ứng yêu cầu của người dân hơn nữa. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết là việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền để các cấp phát huy năng lực của hệ thống, giải quyết được các vấn đề của địa phương.

Cùng với thí điểm chính quyền đô thị, thành phố sẽ xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia xây dựng chính quyền. Hà Nội sẽ sớm hoàn thiện khung kiến trúc chính quyền điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng cung cấp các loại dịch vụ công. Các cơ sở dữ liệu dân cư, quản lý đất đai, doanh nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, xây dựng, nội vụ, giao thông, đô thị… sẽ được hoàn thiện, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia. Trung tâm điều hành thông minh thành phố (điều khiển giao thông, tiếp nhận phản ánh của công dân, tổng đài xử lý sự cố khẩn cấp…) sẽ được đưa vào vận hành, đáp ứng nhu cầu sống ngày càng cao của người dân.

Nếu việc thí điểm ở TP Hà Nội được thực hiện tốt, đây sẽ là tiền đề nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Đến lúc đó, sẽ có nhiều hiệu quả nhất định như tinh gọn bộ máy, giảm số lượng cán bộ, tiết kiệm đáng kể ngân sách Nhà nước.

Từ năm 2017, TP Hà Nội đã nghiên cứu đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Tháng 4-2019, Bộ Chính trị ban hành kết luận số 46 về đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội. Tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, với hơn 81% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, bắt đầu từ 1-7-2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thí điểm.