Tái diễn “rác” trên cao

Nhiều năm qua, tình trạng dây điện, dây cáp giăng kín các ngõ phố như “mạng nhện” là vấn đề nhức nhối đối với thành phố Hà Nội. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc ngầm hóa đường điện, song tình hình chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đấy.

Đường dây điện chằng chịt tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người đi đường.
Đường dây điện chằng chịt tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người đi đường.

Hiểm họa trên đầu

Theo phản ánh của người dân sống tại khu vực đường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, tình trạng dây điện lơ lửng ngang đầu người đi lại trên đường diễn ra từ lâu nhưng chưa được xử lý. Tại khu vực này, những mớ dây điện, cáp viễn thông lộn xộn, lõng thõng xuống đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lưới điện cũng như việc tham gia giao thông của người dân. Do phải chịu sức nặng của các loại dây, trụ cột điện dần oằn xuống, nghiêng ngả, tưởng như có thể đổ xuống bất cứ lúc nào. Để bảo đảm an toàn, những hộ dân trong ngõ đã kéo tạm mớ dây loằng ngoằng thành một túm, tuy nhiên đây không phải là giải pháp lâu dài.

Chị Nguyễn Thị Hoa, người dân sống ở khu vực này cho biết: Tình trạng dây điện, cáp viễn thông lộn xộn ở đây lâu rồi nhưng ít khi được xử lý. Mỗi khi đi đường, chúng tôi vừa phải né tránh phương tiện và vừa phải để ý những dây điện thòng lõng nguy hiểm này. Thỉnh thoảng lại thấy người ta đến kéo cáp, mắc dây… dần dần đường điện ở đây ngày càng rắc rối, lộn xộn.

Nhếch nhác là vậy nhưng thực trạng dây cáp viễn thông của các nhà mạng bố trí cẩu thả từ nhiều năm nay không còn xa lạ, thỉnh thoảng ở đâu đó lại có tình trạng dây cáp bị đứt, sà xuống mặt đường. Trong số ấy, có đường dây vẫn đang hoạt động, nhưng cũng có dây đã hết giá trị sử dụng từ lâu vẫn không được dỡ bỏ. Phổ biến là những đường cáp viễn thông, truyền hình dẫn vào nhà dân, công sở bị hỏng, các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình đến thay mới nhưng thiếu trách nhiệm, không thu dọn đường dây cũ. Bởi thế, ngày lại ngày, cộng với sự gia tăng của các dịch vụ viễn thông, truyền hình, nền trời Hà Nội lại thêm dày đặc những rác, và người tham gia giao thông mỗi lúc lại thấp thỏm với hiểm họa rình rập ngay trên đầu.

Khó xử lý triệt để

Việc các loại cáp treo không đúng quy định, không đúng yêu cầu kỹ thuật, chồng chéo lên nhau, không bảo đảm khoảng cách an toàn, không gắn biển nhận diện chủ sở hữu, biển báo độ cao… đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, vận hành, sửa chữa và khắc phục sự cố lưới điện. Trong khi ấy, tại những khu đô thị cũ, đường sá chật chội, mật độ nhà dân dày đặc, rất khó cho công tác triển khai việc hạ ngầm hệ thống cáp thông tin. Phần nữa, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về giá thuê hạ tầng ngầm, dẫn đến sự lãng phí trong đầu tư và hiệu quả của chương trình ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông.

Năm 2016, thành phố Hà Nội từng tiến hành thanh thải, xử lý đường điện, dây cáp viễn thông tại 179 tuyến phố. Tuy nhiên, sau ba năm, việc xử lý mới chỉ ở các tuyến phố chính, còn ở những con ngõ nhỏ trong phố, hàng loạt trụ điện, cột điện vẫn trong tình trạng “mạng nhện” như xưa. Ở những nơi đó, không khó để bắt gặp cảnh tượng cột điện phải gồng mình cõng vài chục đường dây bắc qua, được buộc chồng chéo lên nhau thành từng búi lớn.

Ông Nguyễn Đình Quang, phố Hồng Mai (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Hà Nội vốn có nhiều ngõ nhỏ, hệ thống cáp viễn thông chạy qua những nơi ấy thường không được thu gom, thậm chí trên nhiều đoạn đường, hệ thống dây còn sà xuống thấp không chỉ làm mất vẻ đẹp thành phố mà còn gây nguy hiểm cho người dân. Vào mùa mưa bão, nếu xảy ra chập, cháy, những đường dây nằm sát khu dân cư có thể làm cháy lan vào nhà dân, gây thiệt hại nghiêm trọng. Vì vậy, không chỉ tôi mà toàn dân mong muốn các đơn vị liên quan thường xuyên triển khai bó gom, những dây không sử dụng nên gỡ bỏ, góp phần bảo đảm an toàn giao thông và tạo diện mạo mới cho thành phố”.

Trong một thời gian, nhiều tuyến phố Hà Nội đã giảm bớt được các búi dây nhằng nhịt, giăng mắc như thòng lọng. Tuy nhiên, tình trạng mắc dây bừa bãi trên các cột điện lại tái diễn do thói quen tùy tiện của một số doanh nghiệp và người dân. Việc thanh thải, sắp xếp đường dây đi nổi vì thế cần được thành phố thực hiện quyết liệt, có sự hậu kiểm chặt chẽ để những đường dây “mạng nhện” không còn khả năng xuất hiện, ảnh hưởng đời sống người dân.