Số hóa để phát triển du lịch

Trong bối cảnh du lịch quốc tế chưa thể mở cửa vì dịch bệnh, ngành du lịch buộc phải tập trung khai thác du lịch nội địa. Đẩy nhanh chuyển đổi số để tăng khả năng tiếp cận, tương tác và bảo đảm an toàn cho du khách trong tình hình dịch bệnh đang được các doanh nghiệp (DN) lữ hành chú trọng đẩy mạnh. Điều này đã tạo ra một “cuộc đua” cho từng địa phương trong việc làm mới mình để thu hút khách.

Du khách trải nghiệm nhận diện khuôn mặt tại Khu du lịch Vinpearl Nha Trang.
Du khách trải nghiệm nhận diện khuôn mặt tại Khu du lịch Vinpearl Nha Trang.

Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nhiều DN du lịch lớn đang áp dụng công nghệ số nhằm hạn chế giao tiếp để phòng, chống dịch Covid-19. Đơn cử như ứng dụng nhận diện gương mặt (Face Recognition) dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), được triển khai tại khu du lịch Vinpearl Nha Trang. Với các tính năng ra, vào khuôn viên khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí Vinpearl Land và các nhà hàng, công nghệ này cho phép nhận diện, xác thực danh tính của khách hàng một cách chính xác, nhanh chóng thông qua thiết bị quan sát mà không cần đến các thủ tục kiểm soát khác.

Mới đây, khu nghỉ dưỡng Alma cũng đã ra mắt ứng dụng di động Alma Resort nhằm tăng cường khả năng giao tiếp không chạm giữa khách và nhân viên. Ngoài các tính năng cung cấp thông tin thực đơn cho các nhà hàng, quầy bar, dịch vụ ăn uống tại phòng, chương trình khuyến mãi…, ứng dụng còn tích hợp dịch vụ di chuyển và cả tiện ích phản ánh để người dùng có thể góp ý về các dịch vụ của khu nghỉ dưỡng. 

Khu du lịch suối khoáng nóng I-resort Nha Trang cũng đang triển khai hệ thống bán vé tự động để nâng cao hiệu quả phục vụ khách hàng. Máy bán vé tự động này có sáu ngôn ngữ. Ở mỗi dịch vụ đều có video clip và lời giới thiệu tóm tắt để khách hàng có thể dễ dàng chọn vé cần mua, thanh toán bằng thẻ ngân hàng qua POS hoặc thanh toán bằng QR code…

Tại một số thành phố lớn như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh vài năm trở lại đây cũng đã đẩy mạnh đưa vào sử dụng nhiều phần mềm, tiện ích thông minh hỗ trợ du khách, như “Vibrant Ho Chi Minh city”, “Sai Gon Bus”, “Ho Chi Minh City Travel Guide”… Tại Đà Nẵng có các hệ thống phần mềm, tiện ích như “Da Nang Tourism”, “inDaNang”, “ Go! Đà Nẵng”, “Da Nang Bus”… Tại TP Hồ Chí Minh, Sở Du lịch thành phố cũng đã nghiên cứu, thực hiện số hóa  các điểm đến du lịch trên địa bàn bằng giao diện ảnh 360 độ, 3D, công nghệ thực tế ảo. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ ứng dụng công nghệ QR Code tương tác tại 100 điểm tham quan, bảo tàng, di sản văn hóa trên địa bàn. Bên cạnh đó, hầu hết các DN lữ hành đều đã quảng bá, triển khai mạnh mẽ các hoạt động kinh doanh trực tuyến thông qua các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Google...  

Có thể thấy, việc hỗ trợ cung cấp các thông tin du lịch qua internet, mạng xã hội, ứng dụng di động, du lịch trực tuyến có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với các công ty lữ hành mà còn hữu ích với mọi du khách. Do đó, để thúc đẩy công nghệ số trong hoạt động du lịch rất cần có sự chung tay giúp đỡ của nhiều bên để du lịch Việt Nam có thể phát triển nhanh trong tương lai.

 Trong báo cáo thường niên “Digital 2021” của tổ chức WeAreSocial và Hootsuite, tới quý I - 2021, tỷ lệ các thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam là 96,9%, cao hơn mức trung bình chung của thế giới. Doanh thu thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam về du lịch và nghĩ dưỡng đạt 3,18 tỷ USD. Điều này cho thấy xu hướng sử dụng dịch vụ trên internet để ra quyết định cho chuyến đi và các hoạt động du lịch đang ngày càng gia tăng.