Doanh nghiệp bất động sản gặp khó

Dịch Covid-19 tái phát khiến các ngành nghề đều phải thận trọng trước những thách thức mới, trong đó có bất động sản (BĐS). Trong giai đoạn khó lường hiện nay, lĩnh vực này sẽ chuyển động như thế nào, ứng xử ra sao để thích nghi, vượt qua?

Thị trường bất động sản sụt giảm giao dịch trong thời gian qua.
Thị trường bất động sản sụt giảm giao dịch trong thời gian qua.

Đua nhau cắt lỗ

Kể từ sau lần giãn cách xã hội hồi tháng 4, thị trường BĐS vừa có dấu hiệu phục hồi giao dịch thì đợt dịch bùng phát lần hai tiếp tục khiến thị trường BĐS bị ảnh hưởng. Dẫu vậy, nhìn nhận một cách thực tế thì từ cuối năm 2019, thị trường BĐS đã chứng kiến giao dịch sụt giảm nghiêm trọng khi giá nhà rao bán quá cao, trong khi thu nhập người dân còn thấp. Sang năm 2020, dịch Covid-19 ập đến càng khiến giao dịch trên thị trường sụt giảm nặng nề.

Trên các kênh mua bán nhà, đất, những cụm từ như bán dưới giá vốn, cần tiền thanh toán ngân hàng bán gấp, giảm giá kịch sàn, cần thanh lý gấp… xuất hiện khá nhiều ở hầu hết các phân khúc, từ cấp cao đến thấp cấp. Theo các chuyên gia BĐS, việc nhiều người rao bán nhà, đất để cắt lỗ không còn là hiện tượng mới, bởi nó đã xảy ra từ lúc bùng phát dịch Covid-19 đến nay.

Đầu năm 2019, anh Nguyễn Văn Hòa (quận Hà Đông) mua trả góp căn hộ cao cấp khu vực quận Thanh Xuân, mục đích nhằm “lướt sóng” kiếm lời. Sau hai đợt thanh toán, số tiền vốn ban đầu đã hết nhưng chưa tìm được cách “đẩy” hàng, anh quyết định vay ngân hàng để thanh toán những đợt sau. Đầu năm 2020, dịch Covid-19 khiến ai cũng lo lắng, thận trọng nên anh rao bán mãi mà không có người mua. Các đợt thanh toán gần đây, anh liên tục bị chủ đầu tư nhắc nợ, nhưng không thể xoay ra tiền để đóng. Hết cách, anh đành chấp nhận rao bán lỗ 100 triệu đồng, rồi 200 triệu đồng và mới đây chịu lỗ tới 300 triệu đồng, nhưng vẫn chưa có người mua.

“Từ đợt giãn cách xã hội, lương của tôi bị giảm, tình hình kinh doanh của gia đình cũng ngưng trệ. Dịch bệnh hoành hành nhưng tiền lãi và gốc hằng tháng vẫn phải đóng đầy đủ. Không có khả năng trả nợ đúng hạn, tôi liên hệ ngân hàng để hy vọng sẽ được giãn thời hạn trả nợ, giảm phần nào lãi suất. Nhưng từ giờ tới sang năm, có lẽ tình hình kinh tế vẫn sẽ tiếp tục rất khó khăn”, anh Hòa cho biết.

Dịch bệnh đã khiến hầu hết các phân khúc BĐS trở nên trầm lắng, giao dịch theo đó cũng khiêm tốn, phần lớn các nhà đầu tư BĐS đều ở trong giai đoạn quan sát, ưu tiên giữ tiền mặt. Trong khi đó, nhiều chủ BĐS đang chấp nhận bán lỗ để trả nợ ngân hàng, thu hồi vốn hoặc lo giá nhà, đất có xu hướng giảm mạnh. Đặc biệt, với những người đầu tư BĐS theo kiểu “lướt sóng”, có ít vốn… đang xảy ra tình trạng đua nhau hạ giá bán, mong nhanh chóng cắt lỗ.

Khó chồng thêm khó

Thống kê quý I-2020, lượng tiêu thụ BĐS thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay, 80% số sàn giao dịch đóng cửa, hàng loạt nhà môi giới mất việc, chuyển nghề… Không chỉ doanh nghiệp BĐS mà nhà đầu tư và người mua nhà để ở đều gặp khó khăn. Tỷ lệ nhà đầu tư bị ảnh hưởng do không bán được, giảm thu nhập, không có tiền trả lãi vay ngân hàng… đang ngày càng tăng cao.

Theo khảo sát của một trang web về BĐS có uy tín, giá nhà ở thứ cấp mua đi, bán lại tiếp tục giảm trong tháng 5 và 6. Đà giảm giá nhà ở thứ cấp này được cảnh báo sẽ tiếp tục gia tăng, do áp lực từ các kỳ hạn thanh toán sắp tới và lãi vay ngân hàng đối với người mua.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, khó khăn của thị trường không phải do đại dịch Covid-19 mà thật ra đã có một số trục trặc của thị trường từ năm 2019. Sau đợt giãn cách xã hội, thị trường vẫn đang tốt cho đến khi dịch Covid-19 tái bùng phát, hiện tại các dự án lại phải tạm ngưng để nghe ngóng và xem xét. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp BĐS sẽ đối mặt nhiều khó khăn hơn. Hiện một số hiệp hội và doanh nghiệp đã lên tiếng mong muốn được hỗ trợ, Chính phủ cũng đã đưa ra hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như hoãn, giãn thuế. Những chính sách này khá phù hợp, song nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, Chính phủ cần có những chính sách cụ thể hơn để tháo gỡ khó khăn. Bởi, một phần sự “ách tắc” hiện nay là do chính sách chứ không phải do dịch bệnh. 

Theo đại diện các sàn giao dịch BĐS, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến càng phức tạp, giao dịch sẽ càng trầm lắng. Đặc biệt, khi tháng 7 âm lịch sắp đến sẽ tiếp tục tác động đến tâm lý khách hàng cũng như thị trường. Như vậy, ít nhất trong gần hai tháng tới, việc mua bán hầu như không khả quan.