Điều chỉnh địa giới ba quận nội thành

HĐND thành phố Hà Nội khóa 15 đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới ba quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm nhằm phù hợp công tác quản lý và nguyện vọng người dân từ nhiều năm nay.

Tám tổ dân phố thuộc địa giới hành chính phường Cổ Nhuế I (quận Bắc Từ Liêm) chuyển về địa giới của phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).
Tám tổ dân phố thuộc địa giới hành chính phường Cổ Nhuế I (quận Bắc Từ Liêm) chuyển về địa giới của phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).

Theo phương án điều chỉnh, toàn bộ phần diện tích đất tự nhiên khu vực tám tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân (gồm các tổ: 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32) đang thuộc địa giới hành chính của phường Cổ Nhuế I (quận Bắc Từ Liêm) về địa giới của phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy). Thực tế, từ năm 2015, người dân đã đề nghị TP Hà Nội giao quyền quản lý toàn diện về con người, đất đai và điều chỉnh địa giới hành chính 10 tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân (nay là 8), các tổ 28, 29 (phường Mai Dịch) về quận Cầu Giấy. Bên cạnh đó, toàn bộ phần diện tích đất tự nhiên của tổ dân phố số 28 (phường Mai Dịch) đang thuộc địa giới của phường Mỹ Đình II (quận Nam Từ Liêm) về địa giới của phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) quản lý. Diện tích khu vực điều chỉnh 1,86 ha, dân số khu vực điều chỉnh là 703 người. Ở hai tổ dân phố (tổ 48, 50 cũ) ở khu tập thể Bệnh viện 19-8, các hộ dân sinh sống thuộc địa giới hành chính của phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm (trước đây là xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm), nhưng hộ khẩu thường trú và sinh hoạt tổ dân phố lại ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy. Thực tế này gây khó khăn, bức xúc, phiền hà cho nhân dân khi làm các thủ tục hành chính.

Cuối năm 2013, Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm thành hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, với 23 phường trực thuộc, xã Cổ Nhuế điều chỉnh thành hai phường Cổ Nhuế I và Cổ Nhuế II thuộc quận Bắc Từ Liêm; xã Mỹ Đình điều chỉnh thành hai phường Mỹ Đình I và Mỹ Đình II thuộc quận Bắc Từ Liêm. Theo đó, hiện trạng quản lý đối với hai khu vực bị xé lẻ, điều này dẫn đến những rắc rối về thủ tục hành chính. Cụ thể, các hộ dân ở 10 tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân đang sinh sống thuộc địa giới hành chính của phường Cổ Nhuế I, quận Bắc Từ Liêm (trước đây là xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm) nhưng hộ khẩu thường trú và sinh hoạt tổ dân phố lại ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Vì thế, phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) đang quản lý 8 tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân thuộc địa giới hành chính của phường Cổ Nhuế I, quận Bắc Từ Liêm. Phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) đang quản lý tổ dân phố số 28 (tập thể Bệnh viện 19-8) thuộc địa giới hành chính của phường Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm.

TP Hà Nội khẳng định việc điều chỉnh địa giới này không làm thay đổi về mặt quản lý, tổ chức dân cư giữa các phường, các quận, do đó ít gây xáo trộn, ảnh hưởng đời sống dân cư các khu vực thực hiện điều chỉnh. Ngoài ra, việc thay đổi vẫn bảo đảm được tính cân đối, hợp lý về mặt diện tích, dân cư của các quận, phường.

Trước đó, theo tờ trình của UBND thành phố Hà Nội, lý do cần thiết đề nghị điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa các quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm là bởi lịch sử hình thành các cụm dân cư, tổ dân phố từ những năm 80 của thế kỷ trước. Thời điểm hiện tại, việc chồng chéo quản lý nhân khẩu, con người ở các quận này đã nảy sinh nhiều bất cập, do quận này quản lý một số tổ dân phố nằm ngoài địa giới hành chính của quận kia, ảnh hưởng người dân trong việc thực hiện các giao dịch hành chính và thực hiện các nghĩa vụ của công dân đối với cơ quan nhà nước ở địa phương. Ngoài ra, việc quản lý dân cư ngoài địa giới hành chính của các phường trên cũng ảnh hưởng hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp do sự chồng chéo về thẩm quyền trong công tác quản lý cư trú, bảo đảm an ninh - trật tự và việc quản lý hành chính trên các lĩnh vực khác như quản lý đất đai, cấp phép xây dựng, văn hóa, y tế, giáo dục… rất phức tạp.

Theo UBND thành phố Hà Nội, việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của ba quận là cần thiết và được sự đồng thuận của nhân dân trong khu vực. Các phương án điều chỉnh bảo đảm tính hợp lý, khoa học về địa giới nhưng không làm thay đổi về mặt quản lý, tổ chức dân cư giữa các phường của quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm.

Hiện nay, TP Hà Nội có gần tám triệu dân, đứng thứ hai cả nước và mỗi năm có thêm 700.000 người nhập cư, số lượng giao dịch hành chính lớn và phức tạp với trung bình hơn bốn triệu hồ sơ hành chính mỗi năm. Chính vì thế, việc điều chỉnh lại địa giới hành chính các quận, huyện là để góp phần đáp ứng các hoạt động yêu cầu công vụ thuận lợi hơn.