Cồn Hến và nỗi niềm “quy hoạch”

Cồn Hến được xem yếu tố “tả thanh long” trong phong thủy kinh thành Huế, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tổng thể cảnh quan của vùng đất Cố đô. Thế nhưng, trải qua thời gian dài với những tính toán quy hoạch để phát triển du lịch, đến nay mọi kế hoạch vẫn “giẫm chân tại chỗ”, khiến cuộc sống của người dân nơi đây luôn gặp khó khăn. Câu chuyện “đi hay ở” vẫn “treo” lơ lửng trong sự băn khoăn lẫn lo lắng của hơn 1.000 hộ dân trên vùng đất rộng hơn 20 ha.

Đại diện chính quyền địa phương trong một lần kiểm tra thực địa khu vực Cồn Hến.
Đại diện chính quyền địa phương trong một lần kiểm tra thực địa khu vực Cồn Hến.

“Tiến thoái lưỡng nan”

Là bãi đất phù sa rộng, nổi lên giữa sông Hương thuộc phường Vỹ Dạ, TP Huế, thế nhưng từ Đập Đá, dọc theo đường Nguyễn Sinh Cung chừng 1 km, rẽ trái, qua một cây cầu sắt, một ốc đảo hiện ra với sự trái ngược hoàn toàn. Trong khi bên kia thành phố sầm uất thì phía Cồn Hến đường sá, nhà cửa xập xệ chẳng khác một vùng quê nghèo. 

Không khó nhận ra cảnh nhếch nhác của những ngôi nhà nằm hai bên sông Hương. Nhiều năm về trước, vùng đất này được quy hoạch để phát triển kinh tế, du lịch nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai. Vì thế, các vấn đề liên quan di dời, chính sách hỗ trợ người dân vẫn chưa đâu vào đâu. 

Người dân sống ở đây từng nhiều lần đề nghị, nếu chưa có kế hoạch di dời cụ thể, chính quyền cần quan tâm nâng cấp một số tuyến đường đã hư hỏng, cũng như đầu tư hệ thống thoát nước, điện chiến sáng. “Ngoài vị trí đặc biệt, Cồn Hến còn là điểm đến với nhiều món ăn đặc sản rất được lòng khách du lịch. Đặc biệt là món cơm hến, bánh chưng tiêu”, ông Phạm Văn Bôn - một người dân sống ở đây nói. Theo ông Bôn, chuyện quy hoạch bao giờ triển khai thì chưa rõ nhưng việc bảo đảm đời sống cho người dân cũng như phát triển kinh tế là điều cấp thiết. 

Một trong những nỗi khổ của bà con sống trên vùng đất này là vào thời điểm mưa lũ, bốn bề bị cô lập do nước ngập nên việc đi lại rất khó khăn. Theo thống kê của UBND phường Vỹ Dạ, Cồn Hến hiện có ba tổ dân phố, hơn 1.000 hộ với hơn 4.000 dân. Hệ thống đường giao thông ở đây đã hư hỏng, nơi có hệ thống thoát nước thì xuống cấp, nơi thì chưa có nay lại gặp vướng mắc quy hoạch. Nhà cửa của người dân xuống cấp theo thời gian nhưng cũng không thể sửa chữa. Không những thế, một số hộ gia đình còn không thể tách thửa cho con cái xây nhà ở hay thế chấp vay vốn tại ngân hàng, khiến cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn, bức xúc…

Bảo đảm cuộc sống của bà con

“Nhiều lần trong các cuộc họp cử tri hay cuộc tiếp xúc ở tổ dân phố, bà con luôn hỏi về việc quy hoạch có thực hiện hay không? Nếu đi thì khi nào? Còn nếu không thực hiện thì bỏ quy hoạch để nhân dân được yên tâm ổn định cuộc sống”, đại diện lãnh đạo phường Vỹ Dạ cho biết. UNBD phường cũng đã từng đề nghị các cơ quan, ban, ngành đầu tư một số hạ tầng cơ bản để giúp người dân có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, trước mắt chỉ có cây cầu sắt nối liền ốc đảo với phố thị đã được sửa chữa, còn lại mọi thứ vẫn như cũ.

Theo tìm hiểu, Cồn Hến được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định quy hoạch vào năm 1998 với mục đích phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút khách du lịch cho địa phương. Dựa trên quy hoạch đó, sẽ có các công trình trung tâm công cộng kết hợp dịch vụ với diện tích khoảng 13.297 m²; khu chức năng hỗn hợp; khu du lịch dịch vụ (7.984 m²) nằm ở phía nam Cồn Hến với các hoạt động tham quan du lịch, ẩm thực, mua sắm, văn hóa. Ngoài ra, còn có khu nghỉ dưỡng cao cấp xây dựng trên 74.367 m² và quảng trường rộng hơn 16.800 m². Đến tháng 6-2015, tỉnh tiếp tục có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) xây dựng khu du lịch, dịch vụ cao cấp Cồn Hến với diện tích 26,4 ha, gồm diện tích đất liền 23,8 ha và mặt nước bao quanh là 2,6 ha. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, mọi thứ vẫn giẫm chân tại chỗ vì chưa tìm được nhà đầu tư. 

Mới đây, chính quyền TP Huế đã có khảo sát thực tế để nắm thêm tâm tư nguyện vọng của bà con. Nhiều ý kiến đã được người dân phản ánh trực tiếp với ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế. Theo ông Định, dù chưa xác định thời điểm di dời bởi còn phụ thuộc nhiều vấn đề liên quan khác, nhưng hiện tại người dân vẫn phải tiếp tục sinh sống, vì thế việc bảo đảm vệ sinh môi trường, đường sá, trường học, an ninh trật tự vẫn phải được quan tâm. Người đứng đầu Thành ủy đề nghị các đơn vị liên quan cần nghiên cứu tận dụng đất phù sa màu mỡ sau mỗi mùa ngập lụt để phát triển đất nông nghiệp trên khu vực cồn Hến một cách hiệu quả. Ngoài ra, sẽ chỉnh trang lại trường học, nhà văn hóa và tính toán xây dựng một điểm tránh trú bão kiên cố để phục vụ bà con.