Chủ động phòng bệnh lúc giao mùa

Thời tiết giao mùa là thời điểm thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi-rút gây bệnh phát triển làm dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Các chuyên gia y tế cho rằng, trong phòng, chống dịch bệnh, việc mỗi người chủ động bảo vệ sức khỏe là rất quan trọng.

Chủ động phòng bệnh lúc giao mùa

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển từ thu sang đông, có sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm, đan xen các đợt không khí lạnh khiến những người có sức khỏe yếu, người già và trẻ em dễ bị nhiễm bệnh.

Thời tiết thay đổi cũng là điều kiện thuận lợi cho một số loại virus, vi khuẩn phát triển, người dân dễ mắc một số bệnh như cúm, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp trên, sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, rubella...

Thống kê của Bệnh viện Nhi T.Ư cho thấy, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.000 trẻ tới khám và nhập viện, trong đó có từ 30% - 40% mắc các bệnh về hô hấp. Nguyên nhân do nhiệt độ thay đổi thất thường, từ nóng chuyển sang lạnh và từ nắng chuyển sang mưa chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Khi sự biến đổi nhiệt độ diễn ra nhanh sẽ làm hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu. Bên cạnh đó, các virus gây bệnh cảm lạnh dễ phát triển và lan truyền nhanh hơn trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm và đường hô hấp là nơi nhiều mầm bệnh dễ thâm nhập. Giao mùa cũng là thời điểm số người mắc các bệnh về tai - mũi - họng tăng, nhất là với người có cơ địa dị ứng. Số liệu của Bệnh viện Tai - mũi - họng T.Ư cho thấy, mỗi ngày có khoảng 1.000 bệnh nhân đến khám, trong đó số người mắc các bệnh viêm mũi, xoang chiếm khoảng 30%.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), một số bệnh đang có nguy cơ thâm nhập, bùng phát trong thời điểm giao mùa thu - đông, do vậy người dân không nên chủ quan với bất kỳ loại bệnh nào, kể cả bệnh cúm thường. Mỗi người cần tự trang bị cho mình kiến thức, hiểu rõ các bệnh lý thường xảy ra ở thời điểm này để chủ động phòng ngừa.

Với bệnh sốt xuất huyết, việc phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt. Đối với phụ nữ có thai, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính bị sốt xuất huyết cần đến ngay bệnh viện để được theo dõi, điều trị. Còn với người khỏe mạnh nhiễm sốt xuất huyết, có thể theo dõi bệnh tại nhà, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và uống bù nước đầy đủ. Người bệnh sốt xuất huyết chỉ nên dùng thuốc paracetamol để hạ sốt với liều lượng không quá 60 mg trong ngày.

Với trẻ em, đối tượng dễ lây nhiễm bệnh, điều quan trọng đầu tiên để phòng bệnh là cần tiêm chủng cho trẻ đầy đủ. Đối với những bệnh như đau mắt đỏ, tay - chân - miệng đề phòng bằng cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà-phòng và nước sạch, dùng riêng vật dụng cá nhân. Tiếp đến, phải giữ vệ sinh cho trẻ, tắm rửa bằng nước ấm thường xuyên để loại trừ các tác nhân gây dị ứng hoặc nguồn bệnh. Ngoài ra, nên cho trẻ ăn những loại thực phẩm giàu vitamin C, kẽm, đủ dinh dưỡng để có sức đề kháng tốt với mọi loại bệnh tật. Khi trẻ mắc cảm, cúm, viêm đường hô hấp, cha mẹ tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ cũng như sử dụng thuốc không đúng hướng dẫn, tự ý đổi loại kháng sinh hoặc tăng liều sử dụng. Những sai lầm này có thể khiến vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc và sẽ rất khó khăn để điều trị các nhiễm trùng cho trẻ lần sau.