Bất cập nhà ở cho công nhân

Việc đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) đang được chú trọng, khi Việt Nam đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ từ bên ngoài. Tuy nhiên, điều cần làm trước tiên là quan tâm hơn tới an sinh xã hội cho công nhân tại KCN.

Khu nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: HẢI NAM
Khu nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: HẢI NAM

Những mối lo kéo dài

Trong căn phòng trọ trống chưa đầy 15 m² tại thôn Bầu (Đông Anh, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Tuyết đang trông đứa con nhỏ gần một tuổi. Dãy nhà trọ hơn 10 phòng cũ kỹ với tường vôi, lợp mái tôn… không chỉ xuống cấp sau cả chục năm sử dụng, mà còn kèm theo những bất tiện về cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Cuộc sống hai vợ chồng công nhân lương thấp vốn đã vất vả, lại thêm vướng bận đứa con nhỏ, với chị Tuyết, đủ ăn hằng ngày đã là tốt, chứ chưa dám nghĩ chuyển tới khu trọ mới rộng rãi, khang trang hơn.

Xuống Hà Nội lập nghiệp từ hơn 10 năm trước, thế nhưng tới nay, nỗi lo về chỗ ở vẫn luôn canh cánh với anh Nguyễn Văn Long (quê Cao Bằng). Xa quê, cả năm tích cóp gửi tiền về cho mẹ để trả nợ dần, nên số tiền còn lại cũng chỉ đủ để chi tiêu dè xẻn hằng ngày. Đã có ý định lập gia đình nhưng tới giờ anh vẫn lưỡng lự, bởi nếu vậy thì phải chuyển sang chỗ mới rộng rãi hơn, chứ không thể ở tại căn phòng trọ ẩm thấp chưa đến 10 m² như hiện nay. Nhưng với thu nhập như hiện nay, muốn tìm căn phòng trọ rộng khoảng 30 m² thì mức giá thuê hiện tại lên tới gần ba triệu đồng/tháng, vượt khả năng của anh. Không những thế, tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến mọi suy tính của anh Long rẽ theo một hướng khác.

Những hoàn cảnh như trên thực tế khá phổ biến, cho thấy những bất cập về an sinh xã hội cho công nhân tại các KCN hiện nay. Câu nói “an cư, lạc nghiệp” vốn mang ý nghĩa cuộc sống muốn ổn định thì trước tiên cần có nơi ở yên ổn, nhưng với phần lớn công nhân đang làm việc tại các KCN trên khắp cả nước, an cư là một giấc mơ có phần xa xỉ khi nhu cầu thiết yếu này chưa được quan tâm đúng mức.

Cần quan tâm đúng mức

Trong các năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách trong việc xây dựng và hình thành các khu nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, với hàng loạt bất cập, vướng mắc trong thời gian qua thì số lượng nhà ở được tạo ra cho đối tượng này không khác gì “muối bỏ biển”. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên là sự thiếu nhất quán trong chính sách phát triển nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, do các thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà khiến cho nhiều dự án nhà ở vẫn còn “nằm trên giấy”. Hầu hết dự án có vốn đầu tư lớn nhưng lại không dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng, yếu tố rủi ro cao đã khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cả nước hiện có 369 KCN được thành lập (gồm cả các KCN nằm trong khu kinh tế) tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, với tổng diện tích gần 114.000 ha. Bên cạnh đó là 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có biên giới đất liền, với tổng diện tích khoảng 766.000 ha, 18 khu kinh tế ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khu vực ven biển, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853.000 ha.

Các KCN, khu kinh tế trên đã có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước, thế nhưng việc phát triển KCN thời gian qua bộc lộ không ít hạn chế. Tại một số nơi, quy hoạch và phát triển KCN, khu kinh tế chưa sát nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư, chưa bền vững và cân bằng về kinh tế - xã hội và môi trường; việc tập trung các KCN tại một số địa phương, tuyến quốc lộ gây áp lực lớn về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực chung quanh KCN; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất tại KCN, khu kinh tế còn chưa cao… Do đó, muốn thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở giá rẻ hiện nay cũng không hề dễ, đặc biệt là loại hình nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu công nhân, cán bộ lao động có thu nhập thấp.

Đại diện Bộ Xây dựng thừa nhận, hiện, nguồn cung mới đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu nhà ở dành cho công nhân. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đầu tư KCN chỉ đơn thuần là san lấp mặt bằng và chờ nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, mà chưa quan tâm đúng mức vấn đề phát triển nhà ở, ổn định an sinh xã hội cho công nhân, thậm chí có KCN còn không có đường giao thông để phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa… Trong khi đó, việc bảo đảm về an sinh xã hội trong KCN là yếu tố được quan tâm của những nhà sản xuất lớn khi lựa chọn địa điểm đặt nhà máy, bên cạnh những ưu đãi khác… Do vậy, thúc đẩy hoàn thiện và đồng bộ các chính sách mới về phát triển nhà ở gắn liền với KCN cần là yếu tố được lên hàng đầu.