Tiềm năng của vật liệu 2D siêu mỏng

Một nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Australia (ANU) vừa khám phá tiềm năng của vật liệu 2D siêu mỏng, có thể tạo ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng.

Các nhà khoa học nghiên cứu vật liệu 2D siêu mỏng. Ảnh: ANU
Các nhà khoa học nghiên cứu vật liệu 2D siêu mỏng. Ảnh: ANU

Vật liệu 2D này mỏng hơn hàng trăm nghìn lần so sợi tóc người và không thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường. Loại vật liệu này trong tương lai có thể cách mạng hóa công nghệ dùng cho pin mặt trời, điện thoại di động và thiết bị cảm biến.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu các vật liệu mỏng đơn nguyên tử trong thời gian dài, song rất khó định lượng tiềm năng của chúng cho các ứng dụng như pin mặt trời và cảm biến ánh sáng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một phương pháp mới để tính toán điện áp tối đa mà loại vật liệu này có thể tạo ra được thông qua hấp thụ ánh sáng. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng thiết bị đặc biệt để “bóc” từng lớp vật liệu cho đến khi chỉ còn một lớp màng mỏng đơn nguyên tử duy nhất, sau đó tiến hành nghiên cứu ánh sáng phát ra từ lớp màng này.

Bằng cách trên, các nhà nghiên cứu của Trường ANU đã tính toán được hiệu suất tiềm năng của vật liệu 2D dựa trên sự hấp thụ ánh sáng của loại vật liệu này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, vật liệu siêu mỏng có thể cung cấp điện áp lớn hơn 1V, tương tự các công nghệ năng lượng mặt trời hiện có. Phát hiện của nhóm nghiên cứu rất quan trọng, vì nó là cơ sở để các nhà khoa học hướng tới mục tiêu tính toán chính xác sản lượng điện có thể tạo ra từ những màng vật liệu siêu mỏng này.

Trong tương lai, màng vật liệu 2D có thể được dùng để phủ trên cửa sổ xe ô-tô, màn hình điện thoại di động hoặc thậm chí là đồng hồ đeo tay để hấp thụ ánh sáng mặt trời và giúp cung cấp năng lượng cho xe ô-tô và các thiết bị này.