Những cựu chiến binh có tấm lòng vàng

Những người lính từng đổ mồ hôi trên thao trường và chiến trường nhiều năm trước, nay lại đổ công sức trên trận tuyến kinh tế, làm giàu cho gia đình, đổi mới quê hương.

Anh Đào Viết Tống (quần áo xanh) đang hướng dẫn công nhân làm việc.
Anh Đào Viết Tống (quần áo xanh) đang hướng dẫn công nhân làm việc.

Vàng từ rừng

Trên đường đưa tôi vào thăm gia đình anh chị Nguyệt - Tống có mô hình kinh doanh sản xuất giỏi của Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Yên Thế - Bắc Giang, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Đồng Hưu - Nguyễn Văn Phán nói, vợ chồng anh là tấm gương giàu lòng nhân ái.

Năm 2014, sau khi về hưu tại bản Cổng Châu, xã Đồng Hưu, anh Đào Viết Tống bàn với vợ mở xưởng sản xuất gỗ bóc. Nhận thấy nơi ở chật chội mà yêu cầu đầu tiên của một xưởng sản xuất, chế biến gỗ bóc là phải có diện tích để phơi ván, năm 2015, anh chị vào xã Thanh Sơn, huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn thuê đất mở xưởng.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà dựng tạm giữa khu vực sản xuất của gia đình, không gian ồn ào tiếng xe ô-tô, tiếng máy bóc gỗ, mùi ván gỗ mới bóc, thơm thoảng bay trong gió, chị Nguyệt thỉnh thoảng lại nghe, gọi điện thoại, những cú điện đặt hàng, giao hàng, chuyển tiền. Tôi bảo với anh Tống: “Ông có nội tướng đảm đang đấy!”. Anh mỉm cười xác nhận “Em chỉ phụ trách kỹ thuật thôi, mọi công việc còn lại như cân đối thu chi sổ sách giấy tờ, nhà em đảm nhận hết”.

Thanh Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, hầu hết người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Khi mới vào, anh chị chỉ có một máy bóc ván, một máy gắp gỗ và thuê diện tích chừng 1 ha. Tìm người làm cũng khó, phần vì mọi người chưa tin tưởng vào người nơi khác đến làm ăn và cơ bản là họ không biết làm nên chủ phải làm cùng thợ  theo kiểu cầm tay chỉ việc.

Chạy hàng, năm 2020, gia đình mua thêm hai máy bóc và hai máy gắp gỗ nữa, nâng tổng số lên ba máy bóc và ba máy gắp gỗ, 30 xe điện chở ván bóc đi phơi, thuê đất mở rộng diện tích lên 5 ha, tuyển thêm công nhân. Đến nay, dao động từ 60 - 70 công nhân với mức thu làm đủ công một tháng từ 14 - 17 triệu đồng, có công nhân chăm chỉ khỏe mạnh một tháng được 20 triệu đồng. Anh Tô Văn Hảo, 35 tuổi, quê ở xã Thanh Sơn. Sau hai năm phục vụ trong quân ngũ, năm 2015, anh vào làm tại đây. Do có kỹ thuật, anh được cử làm tổ trưởng tổ bóc. Tổ của anh có bảy người cùng làm lương chia đều, mỗi người tháng nhiều bù tháng ít mỗi tháng trung bình được 16 triệu đồng. Cả xưởng có ba tổ như vậy. Mỗi một tổ bóc kèm theo một tổ phơi từ 8 - 9 người. Chị Triệu Thị Minh lái xe điện chở ván đi phơi, thêm vào câu chuyện với chúng tôi: “Ông chủ trang bị xe điện, chúng tôi phơi ván đỡ vất vả mà năng suất lại cao. Tôi làm việc ở đây từ năm 2015 đến nay, hết tháng là có lương, đều đặn mỗi tháng khoảng 15 - 16 triệu đồng.

Gia đình anh chị Nguyệt - Tống hợp đồng với công ty vận tải thu mua gỗ tại nhà, mỗi ngày chế biến khoảng 100 tấn. Ván được phân loại A, B phơi khô đến đâu có xe đến thu mua đến đấy. Vỏ của gỗ cũng được bán cho nhà máy chế biến băm nhỏ, ép thành viên làm chất đốt cho nhà máy công nghiệp. Với nguồn gỗ dồi dào keo, bạch đàn, thông, cao-su trải dài khắp các tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang. Đầu vào gỗ cho xưởng ít khi bị gián đoạn trừ những ngày mưa.

Gặp người ươm những chồi xanh

Có một CCB yêu rừng, ngày đêm trăn trở với mầu xanh, thức khuya dậy sớm chăm cây, giống như chăm con, là anh Vũ Ngọc Toản ở tổ dân phố Tân Tiến thị trấn Bố Hạ - Yên Thế.

Lúc anh đun nước pha trà, tôi ngắm khu ươm cây giống của gia đình anh và những hộ chung quanh. Gặp mấy hôm trời mưa cây đua nhau vươn lên một mầu non xanh mỡ màng. Vừa rót nước mời tôi, anh vừa bảo: “Tân Tiến có gần 100 hộ ươm cây giống lâm nghiệp nhưng nhà em nhiều nhất khoảng 2 ha, em ươm chủ yếu là giống cây: keo, bạch đàn, mỡ, lim, lát, dổi, kháo nhưng bán chạy hàng nhất là keo và bạch đàn”.

Năm 1987, sau ba năm trong quân ngũ, Vũ Ngọc Toản chuyển ngành về công tác tại Lâm trường Đồng Sơn (thuộc Bộ Lâm nghiệp). Lặn lội những cánh rừng ươm cây, trồng cây, gặp người con gái đồng hương Yên Thế cùng tổ ươm cây, mến nhau hai người lên duyên chồng vợ. Yêu rừng, có kiến thức về trồng cây, năm 1998, anh chị quyết định thuê diện tích đất ruộng 1 sào ươm cây lâm nghiệp. Cây chưa được bán đã có nơi đặt mua. Vừa làm vừa nghe ngóng thị trường tiêu thụ, đến năm 2009, “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Toản Lan” ra đời.

Nguồn giống có uy tín mô bạch đàn từ Trung Quốc, mô keo Viện Lâm nghiệp Việt Nam, giống keo hạt nhập từ Australia, còn lại là gieo hạt. Do làm chủ được kỹ thuật nên giống cây nhà anh trồng bảo đảm. Tiếng lành đồn xa, mỗi năm công ty gia đình anh bán chừng 30 triệu cây các loại. Thị trường tiêu thụ không những trong tỉnh mà tới khắp các tỉnh miền trung từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, phía bắc bán cho các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng.

Công việc nhiều, anh phải thuê thêm 30 công nhân trung bình mỗi tháng thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người. Trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình anh thu từ 1,5 đến 1,7 tỷ đồng.

“Vua gà” ở Yên Thế

“Vua gà Yên Thế” là anh Nguyễn Hữu Quý ở thôn Ngò 2, xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế. Sau cái bắt tay anh bảo: “Em phải nuôi gà ở đồi, xa dân cư để tránh ô nhiễm môi trường và hạn chế dịch bệnh”. 

Anh đưa tôi thăm trang trại rộng chừng 3 ha, vừa đi anh vừa trò chuyện, phân tích cho tôi hiểu. Gà của gia đình anh nuôi theo kiểu bán công nghiệp được phân ra từng khu vực, theo từng lứa tuổi, khu nuôi gà úm, gà thịt. Mỗi khu vực có một nhà cho gà ngủ, có sân cho gà chạy nhảy vận động được quây gọn gàng, hệ thống nước uống cho gà được dẫn từ chân đồi lên chỉ cần vặn vòi là nước chảy vào máng. Mỗi khu có một quyển sổ ghi chép tỉ mỉ ngày tiêm phòng, lượng thức ăn tiêu thụ, diễn biến sức khỏe của đàn gà. Trang trại xa cách nhà chừng 3 km, anh trực tiếp trông nom, còn nơi gần nhà nhỏ hơn rộng chừng 1 ha do vợ anh quản lý.

Mỗi năm anh xuất chuồng khoảng 90 tấn gà. Năm 2020, người nuôi gà lỗ, nhiều người bỏ đàn nhưng anh vẫn nuôi rồi có lúc thị trường cung không đủ cầu như đầu năm 2021, giá gà lên anh đã có bán. Năm 2020, gọi là thất thu so những năm trước, nhưng gia đình anh trừ chi phí cũng lãi 700 triệu đồng, còn những năm gần đây mỗi năm thu lãi khoảng 2 tỷ đồng. Hiện, anh Quý đã là một người nuôi gà có tiếng ở xã Đồng Kỳ và huyện Yên Thế.

Những cựu chiến binh có tấm lòng vàng -0
Anh Vũ Ngọc Toản đang chăm sóc cây. 

Lòng nhân ái 

Mỗi năm trừ chi phí sản xuất, trả lương công nhân gia đình các anh đều thu lãi hàng tỷ đồng, đã có nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới và làm công tác từ thiện. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Toản Lan từ khi thành lập đến nay đã tặng quà hộ nghèo gần 100 triệu đồng. Anh Nguyễn Hữu Quý ủng hộ thôn xây nhà văn hóa, làm đường hàng chục triệu đồng. Anh Đào Viết Tống đã đóng góp 20 triệu đồng để xây nhà văn hóa bản Cổng Châu. Mỗi năm gia đình anh cũng góp hàng chục triệu đồng tặng quà học sinh nghèo trường tiểu học, THCS, tặng quà các ban, ngành, đoàn thể của hai xã, xã Thanh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn nơi đặt xưởng sản xuất và xã Đồng Hưu huyện Yên Thế nơi gia đình anh cư trú.

Như cái duyên trời định, anh Đào Văn Viết sinh năm 1973 tại Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên. Vì một nguyên nhân nào đó, người mẹ đã chối bỏ sinh linh nhỏ bé vô tội. Viết được một người làm trong bệnh viện nhận nuôi. Ở với mẹ nuôi được vài năm thì mẹ cũng qua đời, Viết lại ở với ông ngoại, ông già yếu, hai ông cháu lắt lay dựa vào nhau mà sống rồi ông mất. Thất học, không nghề, lang thang, vô định, Viết cậu bé 15 - 16 tuổi trôi dạt vào làm thuê trong bãi vàng ở Thái Nguyên, tưởng kiếp sống sẽ cọc còi rồi chìm đắm trong tệ nạn xã hội. Nhưng Viết đã được anh Tống cưu mang, đưa về Đồng Hưu mua cho miếng đất rộng 200 m² làm nhà. Khi làm, gia đình anh Tống cho 50 triệu đồng, anh huy động  sự giúp đỡ của các cá nhân và tập thể được thêm 150 triệu đồng, dựng lên một mái nhà lấy vợ cho Viết. Nay Viết có mái ấm gia đình, hai vợ chồng có sức khỏe làm đủ ăn.

Mỗi tấm lòng như thế của người lính năm xưa, góp thêm màu xanh tin yêu cuộc sống cho những bàn tay lao động.