Người tiểu đoàn trưởng và hai đứa con nuôi

Sau hai ngày đêm chiến đấu quyết liệt chống quân xâm lược ở thị xã Lao Cai, ngày 19-2-1979, Trung đoàn 121 thuộc Sư đoàn 345 được lệnh lui về khu vực Ngòi Bo, Bến Đền, hình thành thế trận phòng thủ. Khi đó tôi là trợ lý quân lực của Trung đoàn. Ngoài việc sẵn sàng chiến đấu, tôi còn được giao nhiệm vụ tiếp nhận và bảo vệ hai cháu nhỏ từ Tiểu đoàn 6 đưa lên tối hôm trước. Đứa chị tên là Trần Thị Thu Thủy 10 tuổi và đứa em là Trần Công Tuấn tám tuổi.

Thành phố Lào Cai về đêm.
Thành phố Lào Cai về đêm.

1. Theo như lời kể của các cháu thì nhà cháu ở phố Duyên Hải, thị xã Lao Cai (nay là TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Bố cháu là Trần Công Sức, công nhân xây dựng ở thị xã, đã bị pháo địch sát hại ngày 18-2. Mẹ cháu là Nguyễn Thị Sinh, giáo viên mầm non ở thị xã, cũng bị thương. Hai chị em cháu được các chú bộ đội đưa về đơn vị.

Nhìn hai đứa trẻ đầu tóc rối mù, co ro trong cái rét cắt da, cắt thịt giữa mùa đông, tôi không cầm lòng được. Cả hai đứa có tầm tuổi như các con tôi. Trong lúc này, các con tôi được ăn no, mặc ấm và đang hăm hở đến trường, thì hai đứa trẻ này không có cha mẹ, ngơ ngác trong tiếng rít của đạn pháo địch. Mỗi lần pháo địch bắn, hai cháu ôm nhau khóc thét lên. Tôi phải trấn an: “Có bác ở đây, hai con không sợ”.

Những ngày sau đó, tôi cùng anh em ở Trung đoàn bộ lo miếng ăn, giấc ngủ cho các cháu. Thời kỳ đó, bữa ăn của bộ đội cũng chủ yếu là hạt bo bo hầm, nắm bột mì luộc, sắn tươi và cá khô do hậu cần Trung đoàn cấp. Tuy vậy, chúng tôi cũng dành một ít gạo để nấu cơm cho các cháu.

Cuối tháng 2-1979, tức là một tuần sau đó, tôi nhận được quyết định về làm Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 - nơi mà bộ đội đã cứu hai cháu đưa về đơn vị mình. Trung đoàn yêu cầu trước khi đi, tôi phải bàn giao hai cháu cho công an huyện Bảo Thắng. Trước đó, tôi đã vận động anh em trong Trung đoàn bộ quyên góp tiền, quần áo, sách vở và một chiếc ba-lô... cho hai cháu. Hôm đưa các cháu đến công an huyện, lúc chia tay, hai đứa khóc toáng lên. Cháu Thủy nắm chặt cánh tay tôi: “Bác cho chị em cháu ở lại với các bác, các chú. Bố mẹ cháu mất cả rồi, biết nương tựa vào ai?”.

Tôi xoa đầu an ủi cháu: Các bác, các chú còn phải đánh giặc, các cháu ở lại nguy hiểm lắm! Các cháu về xuôi còn tìm người thân và còn phải học chứ!

Nài nỉ mãi không được, hai cháu mới để cho chúng tôi ra về. Nhìn những giọt nước mắt chảy dài trên má hai chị em nó, tôi vội vã quay mặt đi, không để các cháu nhìn thấy mình cũng đang khóc. Sợ hai cháu đói, tôi vội vã nhét mấy phong lương khô vào ba-lô cho hai chị em.

Về Tiểu đoàn 6, tôi mới được nghe đầy đủ và chi tiết về hai cháu nhỏ này.

“... Ngày 17-2-1979, Tiểu đoàn 6 phòng ngự ở Làng Nhớn, Lò Vôi (thị xã Cam Đường). Sáng ngày 18-2, pháo địch bắn dồn dập vào đội hình của tiểu đoàn, nhiều quả rơi trúng con đường dưới chân đồi - nơi mà đoàn người sơ tán đang hớt hải về xuôi. Ngớt đợt pháo, anh em ở Đại đội 9 phát hiện nhiều người chết và bị thương, cạnh đó là hai cháu nhỏ đang lăn lộn, gào thét trong sợ hãi và tuyệt vọng. Anh em vội đưa hai cháu về tiểu đoàn rồi đêm hôm sau đưa lên Trung đoàn bộ”.

2. Khoảng đầu tháng 3-1979, tình cờ tôi nghe được cuộc phỏng vấn trên Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn. Giọng một người phụ nữ tố cáo tội ác của quân xâm lược: Tôi là Nguyễn Thị Sinh, giáo viên trường mầm non ở khu Duyên Hải thị xã Lao Cai. Qua đài phát thanh tôi cực lực tố cáo hành động tàn ác của quân xâm lược đối với gia đình tôi. Đêm 17-2 vừa qua, khi toàn thị xã đang chìm trong giấc ngủ bình yên, thì quân xâm lược bắn pháo vào thị xã, nhà của tôi đổ nát, cháy rụi, chồng tôi bị giết hại... Bản thân tôi bị thương rất nặng... Hai đứa con tôi không biết ở đâu và sống chết thế nào?

Như vậy là mẹ của hai cháu còn sống, nhưng không biết giờ ở đâu và làm thế nào để báo tin cho chị ấy là hai đứa con của chị còn sống! Cuối cùng tôi nghĩ ra một cách: Hễ đơn vị có thương binh đi về tuyến sau điều trị là tôi đều gửi thư báo tin cho chị với hy vọng mong manh là chị sẽ nhận được tin này. Nhưng tất cả đều vô vọng.

Mãi đến tháng 12-1982, sau khi học xong trường quân chính Quân khu, tôi được điều về làm Trưởng ban Quân lực Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Hoàng Liên Sơn (khi đó tỉnh đội đóng quân ở Km số 3 trên đường từ huyện lỵ Bảo Thắng đi Bắc Ngầm). Tình cờ, anh em trong cơ quan tỉnh đội cho biết: mẹ con bà Sinh đang mở quán bán hàng ở Km số 6, cách chỗ tôi 3 km.

Vừa thấy tôi, hai đứa trẻ reo lên mừng rỡ, rồi lao đến ôm chầm lấy tôi trước sự ngỡ ngàng của người mẹ. Mới đấy mà hai đứa đã lớn vổng lên. Sau một hồi hỏi thăm qua lại, với một thái độ thận trọng, chị nói với tôi, giọng trầm hẳn xuống: Nghe hai đứa nhà em nói nhiều chuyện về bác, hôm nay em mới được gặp bác. Trong lúc hoạn nạn, các bác đã cứu sống hai đứa nhà em. Vả lại hai đứa nhỏ nhà em rất quý bác. Vì thế em xin bác cho hai đứa làm con của bác có được không?

Sau một thoáng suy nghĩ, tôi nói với chị: Tôi rất hiểu tình cảnh và tình cảm của ba mẹ con chị. Nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh như thế này, tôi chưa thể nhận lời với chị được. Thôi, cứ để thư thả chị ạ! Trước mắt là chị và các cháu thường xuyên đi lại với gia đình tôi cho gần gũi. Bà xã tôi và ba cháu hiện đang ở Bảo Hà. Nhà tôi làm ở Bệnh viện Bảo Hà đấy.

Từ đó, thi thoảng mẹ con chị thường về Bảo Hà thăm gia đình tôi. Mối quan hệ giữa hai gia đình ngày càng thân thiết. Năm 1983, gia đình tôi trở về sống tại thị xã Yên Bái.

3. Cuối năm 1985, tôi có quyết định đi học ở Đà Lạt. Trước khi đi học, hơn nữa cũng sắp đến Tết, tôi làm mâm cơm và nhắn mời mẹ con chị xuống chơi. Chị nói là mồng 4 Tết em và các cháu sẽ xuống. Nhưng một chuyện vô cùng đau đớn đã xảy ra. Chị đã qua đời bởi một tai nạn giao thông ngày mồng 3 Tết.

Tôi và vợ tôi lên Bảo Thắng để thắp nén nhang cho chị và nếu có thể được sẽ đưa hai cháu về nhà tôi. Tuy nhiên, mẹ cháu mất chưa đầy 49 ngày, hơn nữa hai đứa còn có chỗ nương tựa là người bác họ ở gần nhà, nên vợ chồng tôi không đặt vấn đề đưa hai cháu về xuôi.

Năm 1987, sau hai năm học ở Đà Lạt, ra trường tôi nhận quyết định về làm Chỉ huy trưởng quân sự thị xã Yên Bái. Lúc đó cháu Thủy đang học ở Trường cao đẳng Sư phạm 10+3 tỉnh Yên Bái; còn cháu Tuấn đã học xong cấp II.

Vào một ngày chủ nhật tháng 7 năm đó, nhân dịp mới đi học xa trở về, tuần sau bắt đầu đi làm, nên tôi nói với vợ và các con làm một bữa ăn tươi. Tôi nói với các con là mời cả hai em Thủy và Tuấn đến cho vui.

Trước đó, tôi đã trao đổi với vợ con tôi và thưa chuyện với mẹ tôi là nhân dịp này sẽ tuyên bố hai cháu Thủy và Tuấn là con của gia đình. Cả nhà tôi đều đồng ý. Vợ tôi còn bảo: “Lẽ ra phải làm lâu rồi. Cả hai đứa nó đi lại nhà mình có khác gì con đẻ đâu. Có khoai ăn khoai, có sắn ăn sắn. Những lúc nghỉ học, cái Thủy nó vẫn sang đây bện chổi chít với nhà mình đó thôi! Anh thì ở xa, những lúc con cái úi o, nó đỡ đần em nhiều việc lắm”.

Khi mọi người tập trung đông đủ, tôi thắp nén nhang lên bàn thờ, rồi mời mẹ tôi lên khấn. Bà xin vong linh bố mẹ cháu cho hai cháu làm con của gia đình tôi. Trong bữa cơm hôm đó, nhìn cái Thủy xới cơm cho mẹ tôi, tôi bỗng nhớ có một lần mấy bố con dọn cơm ra, nồi cơm toàn độn sắn; khi xới cơm cho tôi nó nhặt hết sắn vào bát nó. Tôi hỏi: Sao con làm thế? Nó chậm rãi trả lời: Bố ở bộ đội, ăn sắn nhiều rồi, bây giờ để sắn cho con ăn! Tôi nghẹn lại không nói được lời nào...

Năm 1988, cháu Thủy tốt nghiệp ra trường, được dạy ở thị xã Yên Bái. Còn cháu Tuấn nhập ngũ, rồi sau đó đi học trường kỹ thuật của Quân khu, chuyển về sửa chữa ô-tô. Bây giờ cháu có việc làm ổn định.

Thủy xây dựng gia đình năm 2005 và Tuấn cưới vợ năm 2009. Vợ chồng tôi đều đứng ra lo chu đáo việc cưới hỏi cho các cháu. Cả hai đứa đều có gia đình đầm ấm và hạnh phúc.

Năm tháng qua đi, đến nay vợ chồng tôi đã trên dưới 70 tuổi rồi. Bây giờ tôi có bảy người con và 13 đứa cháu. Những ngày lễ, Tết, giỗ chạp, con cháu tụ tập đầy đủ. Và trong nhà luôn đầy ắp tiếng cười. Đấy là hạnh phúc của những người lính như tôi.

(Ghi theo lời kể của Thượng tá Phạm Tiến - nguyên Chỉ huy trưởng, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Yên Bái).