Hướng tới phát triển bền vững và bao trùm

Là diễn đàn thường niên hàng đầu của khu vực Đông - Nam Á, Hội nghị cấp cao Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN-BIS) năm nay được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37. Hội nghị là nơi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và những bài học thực tiễn tốt nhất để mở ra những cơ hội cho hợp tác, phát triển hướng tới phát triển bền vững và bao trùm.

Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư (ASEAN-BIS) 2020.
Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư (ASEAN-BIS) 2020.

Ngày 13-11, Hội nghị ASEAN-BIS năm 2020 được tổ chức với sự tham dự của các nhà lãnh đạo ASEAN và đối tác là các nhà hoạch định, tư vấn chính sách cao cấp, các nhà đầu tư (NĐT) cùng doanh nghiệp (DN) trong khu vực. Đây là một diễn đàn đặc biệt, nơi các nguyên thủ ASEAN và các nước đối tác cùng thảo luận với cộng đồng DN khu vực tư nhân về tương lai của khu vực. Điều này thể hiện tinh thần hợp tác của chính phủ các nước và giới DN tư nhân chung tay xây dựng một khu vực ASEAN phát triển thịnh vượng.

Thực tế, ASEAN đã và đang phải đối mặt những biến động và sự bất ổn kinh tế chưa từng có. Dịch Covid-19 đã phá hủy cuộc sống hằng ngày và thách thức thế giới theo những cách chưa từng có trước đây. Đây không phải là lần đầu khu vực phải đối mặt với khủng hoảng và cũng sẽ không phải là lần cuối cùng.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, càng trong khó khăn, càng làm sáng lên tinh thần của một ASEAN tự cường, nỗ lực hợp tác cùng nhau trên tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”; vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, với mục tiêu bao trùm là bảo đảm sức khỏe, đời sống người dân đồng thời tạo thuận lợi, phục vụ các DN phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong phục hồi, phát triển kinh tế. Hội nghị ASEAN-BIS 2020 sẽ là nơi để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và những bài học thực tiễn tốt nhất để mở ra những cơ hội cho hợp tác và phát triển hướng tới phát triển bền vững và bao trùm.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, cùng các nước ASEAN và đối tác kiểm soát dịch Covid-19, triển khai kế hoạch phục hồi tổng thể, trong đó tạo thuận lợi cho việc đi lại của các chuyên gia, nhà quản lý, NĐT để bảo đảm sự hoạt động của các chuỗi cung ứng, phân phối không bị gián đoạn, phục hồi sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động (NLĐ), hỗ trợ các DN khó khăn…

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cam kết hợp tác cùng các quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác của ASEAN để tiếp tục có những chương trình hỗ trợ thiết thực cho DN trong khu vực, đặc biệt là trong những lĩnh vực chuyển đổi số, môi trường, xã hội và quản trị; công nghệ và tương lai việc làm trong khu vực, phát triển bền vững và bao trùm. Cùng nhau nỗ lực thực hiện mục tiêu chung, đặt người dân và DN vào vị trí trung tâm của sự phát triển.

Đại diện cộng đồng DN Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, ngoài các chương trình cứu trợ và tái thiết chung, đề nghị các chính phủ tập trung vào các biện pháp hỗ trợ DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa và các DN trẻ, các DN do phụ nữ làm chủ, các DN khởi nghiệp sáng tạo… Đây là những khu vực đang chịu nhiều ảnh hưởng nhất của dịch Covid-19 nhưng cũng là nơi sinh kế của hàng trăm triệu người dân ASEAN và là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế số và các mô hình phát triển bền vững bao trùm. 

Dịch Covid-19 đã khiến chúng ta phải dừng lại và suy nghĩ về các mô hình kinh doanh, các quan hệ xã hội cũng như xem xét lại định hướng tương lai việc làm. Khu vực kinh doanh với sự năng động, sáng tạo, đổi mới và sự say mê của mình sẽ là động lực chính trong việc xác định các biện pháp và bước đi để phục hồi kinh tế và bảo đảm khả năng tự cường ở tất cả các nền kinh tế.

Với vai trò là DN thành viên trong cộng đồng DN Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga chia sẻ, trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch Covid-19 còn phức tạp, với tầm nhìn ASEAN, cần có các chính sách phát triển chung, bền vững, đoàn kết, tiến tới tầm nhìn ASEAN trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới. Các quốc gia ASEAN cần liên kết chặt chẽ hơn.

Tại Hội nghị, đưa ra sáng kiến “one ASEAN” phát triển, bà Nguyễn Thị Nga khẳng định, cộng đồng DN cần sự quan tâm, kết nối từ các nước đối tác. Để đón sự dịch chuyển của các nhà máy lớn sang các nước ASEAN cần thiết lập gói ưu đãi liên khối cho các NĐT. Đồng thời, DN luôn mong muốn không có sự cạnh tranh trong khối ASEAN. Điều này sẽ làm cho khối ASEAN thống nhất, gia tăng tính cạnh tranh với các khối khác. Cộng với thế mạnh từ các NĐT và ưu đãi liên khối ASEAN sẽ thu hút các NĐT.

Bên cạnh đó, Chủ tịch BRG đề xuất xây dựng chuỗi cung ứng cân bằng, linh hoạt cho toàn khối ASEAN. Điều này cần các DN trong khối liên kết chặt chẽ, chính công dân trong khu vực vừa là lao động, vừa là khách hàng. DN các quốc gia ASEAN cần hỗ trợ nhau nhiều hơn để cùng phát triển, dựa vào từng thế mạnh của mỗi DN, nhanh chóng phát triển, thí dụ DN logistics sẽ liên kết hỗ trợ các DN sản xuất.

Trong khi đó, ông Robert E Moritz, Chủ tịch Công ty Pricewaterhouse Cooper International Limited cho rằng, thách thức mà thế giới đang gặp phải là mất đối xứng, thiếu cơ hội mang tính bao trùm, ngăn cách giàu nghèo. Chính phủ cần làm nhiều hơn nữa để hoạt động của các NĐT mang lại kết quả tốt đẹp cho người dân và cho họ thấy sự thay đổi - thứ mà dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mang lại ở nhiều khu vực khác nhau từ đô thị đến nông thôn. Đặc biệt là làm sao để kỹ năng NLĐ phù hợp quá trình đổi mới sáng tạo, từ đó tạo cho cả quốc gia có được sự phát triển bền vững và bao trùm.